Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trung Quốc tìm cách né cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19?
Thứ tư: 14:58 ngày 20/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trước Hội đồng Y tế thế giới hôm 18/5, có vẻ Bắc Kinh đang ở tình thế khó khăn.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị của Hội đồng Y tế thế giới ngày 18/5. Ảnh: Xinhua

Hơn 100 quốc gia ký vào dự thảo nghị quyết kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Dù ngôn ngữ trong văn bản hoàn toàn mang tính chất ngoại giao và không nhắc đến tên quốc gia nào, nó vượt lên khỏi lời kêu gọi của Úc về việc cần làm sáng tỏ những thất bại của Trung Quốc trong giai đoạn đầu ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh, và đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh rằng, bất kỳ cuộc điều tra nào cũng phải do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu.

Các quan chức Trung Quốc trước đó gọi đề xuất của Canberra là “cực kỳ vô trách nhiệm” và cáo buộc Úc làm suy yếu những nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến với dịch bệnh. Nhưng khi phát biểu trước các thành viên WHO, ông Tập nói với giọng rất ôn hoà: tất nhiên Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ tiến hành một cuộc điều tra nguồn gốc virus, khi dịch bệnh qua đi.

 “Trung Quốc ủng hộ ý tưởng tiến hành một đánh giá toàn diện về phản ứng của toàn cầu đối với COVID-19 sau khi nó được kiểm soát để có thể tổng kết kinh nghiệm và khắc phục thiếu sót”, ông Tập nói. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, công việc này cần được tiến hành “dựa trên cơ sở khoa học và chuyên nghiệp, do WHO dẫn đầu và được tiến hành theo cách thức khách quan và vô tư”.

Các nhà phân tích cho rằng, với cách nói này, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tạo nên một cuộc chơi lâu dài, mang lại cho Bắc Kinh nhiều cách để tránh bất kỳ tác động bất lợi tiềm tàng nào trong tương lai nếu một cuộc điều tra được thực hiện, CNN đánh giá.

Còn lâu mới có điều tra?

Bắc Kinh từ trước đã ủng hộ tiến hành một cuộc điều tra do WHO đi đầu để làm rõ nguồn gốc dịch bệnh và cách nó lây lan. Nhưng tổ chức này đang bị Mỹ chỉ trích là “con rối” của Bắc Kinh và đặt ra “tối hậu thư” trong 30 ngày để cải tổ. Kết luận điều tra của WHO có thể sẽ bị một số quốc gia thành viên và nhà quan sát gạt bỏ.

Trung Quốc được cho là có thể tác động đến cuộc điều tra, bằng cách đề cử những người yêu mến Bắc Kinh hoặc gây sức ép để những người thân Trung Quốc làm điều đó.

Trong bài phát biểu, ông Tập cam kết sẽ dành 2 tỷ USD trong 2 năm để hỗ trợ WHO. “Một số người cho rằng đây có thể là một khoản vay chính trị mà Bắc Kinh sẽ thu lại trong tương lai”, CNN bình luận.

Trung Quốc cũng tiếp tục cho thấy hậu quả chính trị sẽ như thế nào nếu chống lại họ về vấn đề COVID-19. Sau khi dừng nhập thịt bò và quyết định tăng 80,5% thuế đối với lúa mạch của Úc từ ngày 19/5, Trung Quốc đang tính các biện pháp nhắm vào rượu vang và các sản phẩm bơ sữa của Úc, trong bối cảnh quan hệ hai nước xấu đi sau khi Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế, Bloomberg dẫn các nguồn tin nắm được tình hình cho biết.

COVID-19 đẩy Trung Quốc vào vị thế dễ bị tổn thương nhất trong nhiều năm qua với chỉ trích đến từ nhiều phía, không chỉ Mỹ mà cả những nước từng có quan hệ tốt với Trung Quốc. Điều đó được thể hiện qua mức độ ủng hộ Đài Loan tham gia WHO với tư cách quan sát viên.

Có thể phải mất vài năm nữa để khống chế hoàn toàn COVID-19. Các nhà khoa học cảnh báo virus corona có thể không bao giờ biến mất và chưa thể khẳng định vắc-xin sẽ đánh bại dịch bệnh này. Ông Tập nói rằng cuộc điều tra sẽ được tiến hành sau khi đại dịch “được khống chế nhằm tổng kết kinh nghiệm và giải quyết các thiếu sót”, hàm ý có thể là một cuộc chờ đợi lâu dài.      

Các nhà phân tích cho rằng, với cách nói này, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tạo nên một cuộc chơi lâu dài, mang lại cho Bắc Kinh nhiều cách để tránh bất kỳ tác động bất lợi tiềm tàng nào trong tương lai nếu một cuộc điều tra được thực hiện, CNN đánh giá.

Nguồn TPO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục