Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg vừa có chuyến công du tới Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 29-1 đến 1-2, với nội dung thảo luận hàng đầu là thách thức quân sự từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên và tăng cường quan hệ với các đồng minh hàng đầu châu Á.
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu cấp cao Chey ở thủ đô Seoul trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc hôm 30-1, ông Stoltenberg cho rằng Trung Quốc "đặt ra thách thức đối với các giá trị, lợi ích và an ninh" của NATO nên vấn đề Trung Quốc được chú trọng nhiều hơn trong chương trình nghị sự của khối.
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng Bắc Kinh là đối tác hợp tác của tất cả quốc gia, không phải là mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh của nước nào. Trái lại, theo bà Mao Ninh, chính NATO đang gây lo ngại vì quan tâm ngày càng nhiều đến những khu vực nằm ngoài phạm vi hoạt động của khối.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (phải) tiếp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại thủ đô Tokyo hôm 31-1. Ảnh: REUTERS
Cũng trong chuyến đi, ông Stoltenberg còn chỉ trích chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, dẫn đến phản ứng mạnh của Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đăng tải bài viết có tựa đề: "Có phải chuyến đi của tổng thư ký NATO là nhằm thúc đẩy thành lập phiên bản NATO châu Á?" và nội dung cảnh báo Hàn Quốc, Nhật Bản, NATO về nỗ lực tăng cường hợp tác Đông - Tây.
Bài viết cho rằng chuyến đi nói trên của ông Stoltenberg là khúc dạo đầu của sự đối đầu và chiến tranh vì nó mang đến rủi ro về "một cuộc chiến tranh lạnh mới" cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đài Deutsche Welle (Đức), ông Jim Townsend, từng là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách châu Âu và NATO thời Tổng thống Barack Obama, nhận định chuyến thăm châu Á của ông Stoltenberg diễn ra vào thời điểm quan trọng và nhằm "trấn an" các đối tác châu Á.
Theo ông Townsend, xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến các nước châu Á và mối quan hệ thân thiết giữa Bắc Kinh và Moscow là vấn đề cần được quan tâm. Chuyến thăm cũng cho thấy NATO và các đối tác châu Á sẵn sàng làm việc cùng nhau, tìm kiếm mối quan hệ mạnh mẽ hơn nhằm đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga ở châu lục này.
Nguồn NLDO