Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trung Quốc tức tối khi tàu chiến Anh áp sát Hoàng Sa
Thứ năm: 20:04 ngày 06/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Anh có "hành động khiêu khích" khi chiến hạm Anh thực thi quyền tự do hàng hải gần Hoàng Sa.

Tàu đổ bộ HMS Albion của Anh tới Tokyo, Nhật Bản vào tháng trước. Ảnh: Reuters. 

Tàu đổ bộ HMS Albion chở một đơn vị thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh cuối tháng 8 thực thi quyền "tự do hàng hải" khi đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trước khi cập cảng Sài Gòn, TP HCM hôm 3/9, theo Reuters.

Phản ứng trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ra thông cáo thể hiện sự tức giận khi cáo buộc chiến hạm Anh đã "vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế", xâm phạm cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc".

Trong khi phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định tàu HMS Albion thực hiện quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ các luật và thông lệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố "phản đối mạnh mẽ" và bày tỏ "thái độ không hài lòng", thậm chí còn gọi đây là "hành động khiêu khích".

Việc tàu chiến Anh đi gần quần đảo Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông. Các quan chức hải quân Anh hồi tháng 7 cũng tuyên bố sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển này.

Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012. Bắc Kinh đã xây dựng một đường băng dài 2.000 m cho mục đích quân sự, cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Việt Nam cũng tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục