Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trung Quốc ưu tiên 3 công nghệ chiến lược trong cuộc cạnh tranh cường quốc
Thứ hai: 10:03 ngày 01/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sự kết hợp giữa không gian, AI, truyền thông và máy tính lượng tử đang biến Trung Quốc có khả năng thành một cường quốc công nghệ.

Sự kết hợp giữa không gian, AI, truyền thông và máy tính lượng tử đang biến Trung Quốc có khả năng thành một cường quốc công nghệ. Ảnh: Globaltimes.cn

Tạp chí Thediplomat đưa tin, Trung Quốc gần đây đã tái cơ cấu Bộ Khoa học và Công nghệ và thành lập một Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung ương để thúc đẩy đổi mới trong nước, khi các hành động gần đây của Mỹ nhằm giới hạn khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với các công nghệ quan trọng và mới nổi.

Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sự phát triển của các công nghệ chiến lược quan trọng đóng một vai trò quan trọng cho mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu của Bắc Kinh trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Cụ thể, đến năm 2049, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về ba công nghệ chiến lược: không gian, trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông và máy tính lượng tử.

Về không gian

Trung Quốc hướng đến là một cường quốc trong không gian với các chương trình dân sự của mình. Các mục tiêu đầy tham vọng của Bắc Kinh đã phản ánh điều này: Trung Quốc đặt mục tiêu thiết lập một căn cứ lâu dài trên Mặt trăng vào năm 2036, chứng minh khả năng sản xuất điện ở mức cao thông qua dự án năng lượng mặt trời trên không gian vào năm 2050, thực hiện sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa trong khoảng thời gian từ 2033-2049 và một nhiệm vụ thăm dò tiểu hành tinh vào năm 2025.

Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất có trạm vũ trụ quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) độc lập của riêng mình, Tiangong (Thiên Cung). Gần đây, Trung Quốc thông báo rằng họ đã thử nghiệm thành công khả năng tái tạo 100% nguồn cung cấp oxy trên trạm vũ trụ Thiên Cung. Sự phát triển này cũng sẽ giúp Trung Quốc có bước tiến về cách phát triển hệ thống tái tạo trên Mặt trăng, vì họ có kế hoạch cho một sứ mệnh đưa phi hành đoàn lên Mặt trăng sau năm 2036 và đang tìm cách khai thác các nguồn tài nguyên trên Mặt trăng như Helium 3.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có hệ thống định vị BeiDou độc lập của riêng mình bao gồm 35 vệ tinh; gần 250 vệ tinh quân sự cho hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát và xác định mục tiêu.

Hiện Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở quan sát không gian ở thành phố Trùng Khánh, để phát hiện các tiểu hành tinh cách xa hơn 10 triệu km. Được gọi là China Fuyan, hệ thống tầm xa này sẽ góp phần xây dựng hệ thống phòng thủ hành tinh của Trung Quốc cũng như khả năng quản lý giao thông không gian.

AI

Năm 2021, Trung Quốc đã ra sách trắng về AI, trong đó nêu bật sự phát triển của lĩnh vực này như một nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Các công nghệ được hỗ trợ bởi AI bao gồm hệ thống tín dụng xã hội, công nghệ nhận dạng khuôn mặt, ô tô tự lái, máy bay không người lái... Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chi khoảng 14,7 tỷ USD cho AI trong năm nay, chiếm khoảng 10% tổng đầu tư toàn cầu. Đến năm 2026, con số đầu tư ước tính đạt khoảng 26 tỷ USD.

Sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo với các công nghệ quân sự có thể tạo thêm lợi thế cho Trung Quốc. Hai ví dụ nổi bật: một trong không gian và một dưới nước. Trung Quốc đang thực hiện việc tích hợp AI vào các vệ tinh CubeSat. Nền tảng này có thể được sử dụng để chống lại các cuộc tấn công vào tài sản không gian của Trung Quốc. Bên cạnh khả năng phòng thủ, một nền tảng như vậy cũng có thể được sử dụng để tiếp nhiên liệu và thực hiện việc bảo trì trên quỹ đạo.

Trí tuệ nhân tạo cũng đang cho phép các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) do Trung Quốc chế tạo có thể xác định và nhắm mục tiêu vào các tàu ngầm đối phương. Các cuộc tập trận do Trung Quốc tiến hành ở eo biển Đài Loan chứng kiến ​​việc sử dụng các UUV để điều hướng, tấn công một tàu ngầm mô phỏng bằng cách sử dụng công nghệ AI.

AI đã được xác định là một ngành công nghệ quan trọng trong chiến lược đổi mới và “Made in China 2025” của Trung Quốc. Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030. 

Truyền thông và máy tính lượng tử

Trung Quốc đã cho thế giới thấy vị trí dẫn đầu về truyền thông lượng tử vào năm 2017, khi các nhà khoa học Trung Quốc chiếu chùm photon với dữ liệu thông tin được mã hóa từ vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, Micius, được phóng vào năm 2016.

Vào tháng 6/2020, trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature, Pan Jianwei, Viện sĩ của Viện Khoa học Trung Quốc, đồng thời là Phó Chủ tịch điều hành của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đã giới thiệu một phương pháp an toàn để nhắn tin lượng tử bằng cách sử dụng Micius, đưa Trung Quốc đến gần hơn với mục tiêu có khả năng liên lạc mà không bị tin tặc tấn công.

Theo Jianwei, Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển một mạng truyền thông lượng tử. Mạng này sẽ sử dụng các phương pháp mã hóa, được hỗ trợ bởi máy tính lượng tử, dự kiến hoàn thành vào năm 2038.

Sự kết hợp giữa không gian, AI, truyền thông và máy tính lượng tử đang biến Trung Quốc có khả năng thành một cường quốc công nghệ. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng việc phát triển các công nghệ chiến lược then chốt sẽ giúp Trung Quốc nổi lên như một quốc gia hàng đầu trong quan hệ quốc tế ở thế kỷ 21 và sẽ thúc đẩy các động cơ tăng trưởng mới.

Đây là sự tiếp nối trong tư duy chiến lược của Bắc Kinh, trong đó xác định sự phát triển của khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt giúp Trung Quốc nổi lên như một cường quốc và thay thế Mỹ.

Nguồn Báo Tin tức (Theo thediplomat.com)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục