Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Tây Ninh: Thiếu trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn
Thứ ba: 10:39 ngày 24/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 23.9, Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do bà Nguyễn Thị Thanh Sơn- Phó Trưởng Ban chủ trì có buổi khảo sát tình hình hoạt động của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh (thuộc Sở Y tế) giai đoạn 2022-2023.

Đoàn khảo sát làm việc tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh.

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Tây Ninh có chức năng tham mưu Sở Y tế trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng các loại thuốc, mỹ phẩm được sản xuất, tồn trữ, lưu hành và sử dụng tại địa phương. Theo báo cáo của Trung tâm, đơn vị đã được đầu tư nâng cấp xây dựng mới theo tiêu chuẩn GLP (Thực hành tốt Phòng kiểm nghiệm thuốc) và được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025-2017 (năm 2016).

Kết quả hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, trung tâm đã thực hiện 815 mẫu (trong đó: tân dược 282, dược liệu 49, đông dược 237, mỹ phẩm 238, mẫu gửi 9); tỷ lệ so với kế hoạch đạt 101,9%; kết quả phân tích có 813 mẫu đạt, 2 mẫu không đạt.

Năm 2023, Trung tâm đã thực hiện 843 mẫu (trong đó: tân dược 311, dược liệu 4, đông dược 259, mỹ phẩm 267, mẫu gửi 2); tỷ lệ so với kế hoạch 100,36%; kết quả phân tích có 842 mẫu đạt, 01 mẫu không đạt.

Trung tâm được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; kinh phí hoạt động của trung tâm trong năm 2022 trên 4,6 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 4,9 tỷ đồng.

Về trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, Trung tâm đã được Sở Y tế phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực y tế theo Quyết định số 1248/QĐ-SYT ngày 13.8.2019 gồm 43 danh mục. Hiện tại, Trung tâm chỉ có 35/43 loại thiết bị so với danh mục được phê duyệt.

Bà Đặng Thị Kề- Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh báo cáo với đoàn khảo sát.

Tại buổi làm việc, bà Đặng Thị Kề- Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh nêu những khó khăn trong hoạt động của Trung tâm thời gian qua, nhất là vấn đề thiếu trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. Vì vậy, việc kiểm nghiệm một số mẫu thuốc không thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu kiểm nghiệm, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra chất lượng thuốc trên địa bàn.

Theo bà Đặng Thị Kề, Trung tâm được trang bị một số trang thiết bị phân tích kiểm nghiệm như: HPLC, AAS, máy đo độ hoà tan..., nhưng đa số sử dụng đã lâu (trên 10 năm); tuy thiết bị được bảo trì bảo dưỡng, hiệu chuẩn hàng năm nhưng qua đánh giá năm 2024, nhiều thiết bị đã xuống cấp.

Trong đó, các thiết bị đắt tiền là hoạt động chính của việc phân tích mẫu nhưng Trung tâm chỉ có 1 thiết bị như HPLC (1 máy dự án cấp đã bị hư); hệ thống máy AAS hiện nay hay hư hỏng trong khi sử dụng, chi phí sửa chữa, bảo trì thay thế linh kiện rất đắt, có khi đến hàng trăm triệu đồng, thủ tục đấu thầu mua sắm sửa chữa, bảo trì thay thế linh kiện rất phức tạp, kéo dài, ảnh lớn đến hoạt động của khoa, phòng chuyên môn.

Kiểm tra mỹ phẩm hiện nay tập trung chủ yếu phân tích các chất bảo quản, chất cấm, tuy nhiên Khoa Mỹ phẩm, thực phẩm của Trung tâm chưa được trang bị máy để kiểm tra phân tích các chất cấm này.

Đoàn khảo sát thực tế các khoa, phòng của Trung tâm.

Trung tâm là đơn vị sự nghiệp đặc thù, nguồn thu sự nghiệp thấp, gần như không có nguồn thu. Mức ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm thấp, đủ đảm bảo chi lương và các khoản theo lương nhưng nguồn chi này hiện nay thanh toán cho hao phí tiền điện chuyên môn của phòng thí nghiệm lớn nên đơn vị gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, đa số các cơ sở bán lẻ thuốc, mỹ phẩm không sử dụng việc xuất hoá đơn điện tử. Vì vậy, việc cung cấp chứng từ để Trung tâm làm thủ tục thanh toán chi phí lấy mẫu kiểm tra chất lượng đang khó khăn. Trung tâm đề xuất đến ngành cấp trên tháo gỡ những bất cập, khó khăn mà đơn vị đang gặp phải.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn- Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận những khó khăn mà đơn vị đã trình bày, đồng thời đề nghị Trung tâm tổng hợp các kiến nghị, đề xuất bằng văn bản gửi đoàn khảo sát và cơ quan thẩm quyền có liên quan. Phó Trưởng Ban cũng cho biết, buổi khảo sát nhằm nắm thông tình hình hoạt động của Trung tâm, qua đó phục vụ giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội về công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2023.

Sau buổi làm việc, đoàn khảo sát thực tế tại các phòng, khoa chuyên môn của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh.

Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục