BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trung tâm Quản lý đầu tư xây dựng Tây Ninh:  Hai năm khắc khoải chờ dự án

Cập nhật ngày: 14/06/2012 - 03:59

Ở Tây Ninh, trong một thời gian dài, thực trạng về năng lực chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) là vấn đề khiến nhiều cấp, nhiều ngành băn khoăn. Bởi trong nhiều năm qua ở Tây Ninh đã từng xảy ra nhiều hạn chế, tồn đọng trong lĩnh vực XDCB, mà trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm. Hệ luỵ của thực trạng đó vẫn còn kéo dài đến nay chưa khắc phục được là không ít dự án đầu tư triển khai chậm chạp, thời gian thi công kéo dài gây lãng phí, và khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng thì lại chậm quyết toán. Để giải quyết tồn tại đó, nhiều giải pháp được đưa ra trong đó có việc thành lập cơ quan quản lý dự án đầu tư chuyên nghiệp.

Tháng 3.2010, UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Quản lý đầu tư xây dựng Tây Ninh. Đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; chịu sự chỉ đạo, quản lý toàn diện của UBND tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm được giao chức năng là giúp UBND tỉnh làm chủ đầu tư quản lý dự án theo Thông tư số 03/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Nhiệm vụ chính của Trung tâm là phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chủ đầu tư các dự án khác có liên quan trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, để thực hiện nhiệm vụ của một chủ đầu tư dự án xây dựng theo sự phân công của UBND tỉnh. Đồng thời, Trung tâm tổ chức bộ máy đảm bảo điều kiện năng lực theo quy định để triển khai công tác quản lý dự án cho các chủ đầu tư khi được sự đồng ý của UBND tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai thực hiện công tác tư vấn xây dựng và thực hiện nhiệm vụ uỷ thác của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện, xã và các doanh nghiệp thông qua hợp đồng kinh tế… Trung tâm được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí và đầu tư cơ sở vật chất ban đầu để hoạt động.

Mặt bằng thi công bờ kè giai đoạn 3- một trong số ít dự án do TT làm chủ đầu tư

Sự ra đời của Trung tâm Quản lý đầu tư xây dựng nhằm giải quyết tình trạng “ì ạch” trong lĩnh vực XDCB do năng lực chủ đầu tư hạn chế vì không chuyên nghiệp, thế nhưng sau hơn 2 năm kể từ ngày có quyết định thành lập, Trung tâm đã làm được những gì? Theo Giám đốc Trung tâm, ông Đỗ Chí Hùng, hiện tại tổ chức bộ máy của Trung tâm đã tạm ổn về số lượng cũng như chất lượng. Cụ thể hiện nay, nguồn nhân lực ở Trung tâm đã có được 24 người, trong đó có: 2 thạc sĩ, 8 kỹ sư, 1 kiến trúc sư, 6 cử nhân, 2 trung cấp và 5 trình độ phổ thông. Với lực lượng này, Trung tâm có thể đảm nhiệm cùng lúc nhiều dự án đầu tư xây dựng. Thế nhưng đến nay, Trung tâm chỉ được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 6 dự án, công trình, trong đó có 4 dự án đang thực hiện là: Hệ thống thoát nước, vỉa hè đường số 1 (đoạn QL 22B vào cổng chính căn cứ Trảng Lớn); Kè đá rạch Tây Ninh giai đoạn 3; Dự án đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp nghề và nâng cấp, mở rộng Hương lộ 12 thuộc địa bàn huyện Trảng Bàng. Tổng mức đầu tư cho 4 dự án này vào khoảng hơn 86 tỷ đồng, nhưng trong năm 2012 phân khai vốn đầu tư chỉ có 10 tỷ đồng. Hai dự án còn lại là đường nội bộ Khu di tích lịch sử Cách mạng miền Nam và cầu đường Hương lộ 12 có tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng thì đang chờ phân khai vốn. Ngoài ra, Trung tâm còn được giao thêm một số dự án, nhưng đang còn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Như vậy, sau 2 năm thành lập, Trung tâm Quản lý đầu tư xây dựng Tây Ninh chỉ mới chính thức được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư có bấy nhiêu dự án, và năm nay tổng nguồn vốn được phân khai chỉ có 10 tỷ đồng. So với một số huyện, thị hoặc một số ngành thì nguồn vốn đầu tư được phân khai này chỉ bằng khoảng 1/10. Với lực lượng chuyên môn khá “hùng hậu” như vậy mà chỉ “được làm” như thế thì thật là lãng phí. Trong khi đó, nguồn thu chi trả lương cho bộ máy của Trung tâm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư với tỷ lệ thu tối đa là 4% tổng vốn đầu tư được phân khai thực hiện- trong đó có 1% thu từ chi phí quản lý dự án và từ 2,5-3% thu từ hoạt động giám sát. Do vốn phân khai ít nên mức thu thực tế ở Trung tâm trong 2 năm qua không đủ cho Trung tâm chi trả lương cơ bản cho cán bộ nhân viên. Cụ thể, trong năm 2011, Trung tâm chỉ thu được có 43 triệu đồng từ công tác tư vấn, còn khoản thu từ quản lý dự án không có đồng nào, do hầu hết dự án đầu tư được giao đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa được phân khai vốn thực hiện. Để có đủ nguồn chi trả lương, năm 2011, Trung tâm phải xin ngân sách hỗ trợ thêm 600 triệu đồng. Năm 2012, tổng vốn đầu tư được phân khai cho 6 dự án đầu tư là 10 tỷ đồng, theo tỷ lệ trích thu thì Trung tâm sẽ có được khoảng 400 triệu đồng từ chi phí quản lý và giám sát. Ngoài ra, theo dự kiến thì hoạt động tư vấn có thể thu thêm được khoảng 100 triệu đồng nữa. Như vậy, trong năm 2012, Trung tâm chỉ có được tổng thu khoảng 500 triệu đồng. Trong khi đó, năm 2012, Trung tâm “còn được” sáp nhập thêm Ban quản lý Khu di tích Bời Lời nên tổng chi phí trả lương sẽ nâng lên khoảng 1,8 tỷ đồng. So với tổng nguồn thu có thể thu được là 500 triệu đồng, thì trong năm 2012 Trung tâm sẽ hụt chi trả lương đến 1,3 tỷ đồng. Nếu như số lượng dự án giao cho Trung tâm quản lý nhiều hơn với tổng vốn phân khai mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng, thì chắc chắn khoảng thiếu hụt này sẽ không còn và Trung tâm tự trang trải mà không cần sự hỗ trợ kinh phí trả lương từ ngân sách Nhà nước. Trong “hoàn cảnh” ấy, 2 năm qua, Trung tâm Quản lý đầu tư xây luôn khắc khoải chờ được giao dự án.

Một số chuyên gia am tường về lĩnh vực XDCB cho biết, hiện nay có khoảng 80% tỉnh thành trên cả nước thành lập Trung tâm Quản lý đầu tư xây dựng giống như ở Tây Ninh, nhưng hoạt động mạnh mẽ hơn rất nhiều, trong đó có Trung tâm hàng năm quản lý nguồn vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Muốn hoạt động Trung tâm Quản lý đầu tư xây dựng Tây Ninh đạt hiệu quả được như các tỉnh thành khác, xứng tầm với một đơn vị trực thuộc UBND tỉnh thì cần phải tăng cường số lượng dự án giao cho Trung tâm quản lý.

Sơn Trần