Pháp luật   Tin tức

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh - Địa chỉ tin cậy cho người dân 

Cập nhật ngày: 01/01/2021 - 09:47

BTNO - Thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, truyền thông trợ giúp pháp lý (TGPL), Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân, nhất là những người nghèo, người khuyết tật, gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội.

Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức truyền thông về TGPL kết hợp  tư vấn pháp luật.

Ông Lê Minh Hiền – Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết, điểm nổi bật trong hoạt động TGPL trong những năm gần đây là việc Trung tâm ngày càng phát huy tốt vai trò bào chữa trong quá trình tham gia tố tụng.

Với sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tư pháp, Trung tâm đã xác định được các nhiệm vụ cụ thể, chủ động tiếp cận thông tin, vụ việc và nhanh chóng cử trợ giúp viên pháp lý vào cuộc khi có đơn yêu cầu TGPL.

Hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng đã có những chuyển biến tích cực. Với những quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức đối với công tác TGPL, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp nên số lượng bị can, bị cáo, đương sự đã được hướng dẫn, giải thích và giới thiệu đến trung tâm để được TGPL ngày càng tăng.

 “Một số cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đánh giá, nhiều trợ giúp viên pháp lý đã đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị bài bào chữa chu đáo và tranh luận sôi nổi tại phiên toà. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý khi tham gia hoạt động TGPL tâm huyết với nghề, tận tâm, nhiệt tình với công việc. Qua đó, tạo được niềm tin đối với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phối hợp giới thiệu và đề nghị Trung tâm cử người thực hiện TGPL”, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước chia sẻ.   

Một trợ giúp viên pháp lý cho biết, đối với các vụ án xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại, đa số người bị hại có tâm lý không bỏ qua cho hành vi phạm tội của bị can, bị cáo, từ chối nhận tiền bồi thường.

Khi tiếp nhận vụ án, trợ giúp viên pháp lý đã chủ động liên hệ với người bị hại động viên, an ủi; cùng với gia đình bị can, bị cáo trực tiếp đến nhà xin hỗ trợ một phần chi phí điều trị, thuốc men, qua đó để bị hại có thể viết đơn bãi nại, góp phần kết thúc vụ án nhanh chóng.

Những vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, khi nạn nhân chỉ mới 6,7 tuổi gây khó khăn trong công tác lấy lời khai, trợ giúp viên pháp lý luôn kiên nhẫn trò chuyện, tìm hiểu tâm lý, sử dụng hành động, lời nói gợi ý để các cháu khai lại hành vi phạm tội của bị can, làm cơ sở buộc tội, giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhanh chóng kết thúc vụ án.

Không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người bị hại trong vụ án hình sự, trợ giúp viên pháp lý còn có trách nhiệm bào chữa cho người bị buộc tội là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự. Có những vụ án, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội chỉ vì hoàn cảnh khó khăn nên thực hiện trộm cắp tài sản hay sự bồng bột của tuổi mới lớn mà bị kích động, rủ rê, lôi kéo thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, thậm chí là cố ý gây thương tích...

Dù trong trường hợp nào, người trợ giúp viên pháp lý luôn sẵn sàng có mặt để an ủi, động viên họ, hướng dẫn, tư vấn pháp luật tận tình, trách nhiệm; trao đổi với người thân của họ để tìm hiểu về nhân thân, hoàn cảnh gia đình của người bị buộc tội; nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ và các quy định của pháp luật để có bản luận cứ bào chữa đảm bảo tính thuyết phục cao đối với Hội đồng xét xử.

Trong số đó phải kể đến trường hợp S.H.N (sinh năm 2000, ngụ tỉnh Bạc Liêu) thuộc diện được TGPL, bị VKSND tỉnh truy cứu về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Trước đó, N và bé gái V.T.T (sinh năm 2008, ngụ huyện Tân Châu) quen biết nhau qua mạng xã hội và nảy sinh tình cảm yêu thương.

Trong một lần đi chơi, N đã thực hiện hành vi giao cấu với T, sau đó bị gia đình cháu T phát hiện và trình báo cơ quan Công an. Tại phiên toà, trợ giúp viên pháp lý với tư cách là người bào chữa cho N đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho N, qua đó HĐXX đã cân nhắc, xem xét, quyết định cho N hưởng mức hình phạt thấp nhất.

Riêng các vụ án dân sự, ở giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án, trợ giúp viên pháp lý luôn quan tâm cách thức xác định quan hệ pháp luật tranh chấp để soạn thảo đơn khởi kiện, nhanh chóng làm thủ tục đăng ký bảo vệ người được TGPL.

Ngay sau khi được tư cách tham gia tố tụng, người thực hiện TGPL nhanh chóng tiếp cận ngay đối với yêu cầu khởi kiện, đánh giá sự phù hợp giữa yêu cầu khởi kiện với những chứng cứ hiện có. Ở giai đoạn hoà giải, người thực hiện TGPL nắm chắc nội dung vụ án, phân tích cho đương sự những thuận lợi, khó khăn, lợi ích nếu hoà giải thành. Tại phiên toà, người thực hiện TGPL đặt những câu hỏi ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, có tính liên quan mấu chốt đến vụ án…

Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết thêm, từ các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hình sự, hành chính, khi có yêu cầu của các đối tượng được TGPL, Trung tâm luôn đáp ứng tốt các hình thức trợ giúp như tư vấn, bào chữa, bảo vệ trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Năm 2020, Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để thực hiện TGPL 195 vụ, trong đó hoàn thành 161 vụ (hình sự 124 vụ, dân sự, hôn nhân gia đình 35 vụ, hành chính 1 vụ, lĩnh vực pháp luật khác 1 vụ).

Nhiều vụ việc TGPL đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, không ít đối tượng được TGPL được giảm án... Qua việc thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc, lấy ý kiến người được TGPL, người thân thích của họ đối với các vụ hoàn thành đều đạt kết quả tốt.

Bên cạnh đó, Trung tâm luôn chú trọng đến công tác tư vấn pháp luật, truyền thông TGPL tại các xã vùng sâu, vùng xa, nơi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Khi tiếp xúc với người có yêu cầu, trợ giúp viên pháp lý luôn nhiệt tình hướng dẫn, giải pháp cho họ, đưa ra phương án tối ưu trên cơ sở những quy định của pháp luật, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, qua đó giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo phát sinh ngay từ cơ sở.

Trong năm 2020, Trung tâm đã tư vấn pháp luật tại trụ sở cho 189 lượt người dân; đồng thời tổ chức truyền thông TGPL được 30 đợt, cấp phát 7.992 tờ gấp pháp luật cho 1.405 lượt người tham dự, tư vấn giải đáp thắc mắc cho 115 lượt người. Với kết quả trên, trong những năm qua, Trung tâm luôn là địa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và các đối tượng chính sách mỗi khi có nhu cầu cần được TGPL.

“Mỗi khi gặp vướng mắc về pháp lý, bản thân cũng như nhiều người dân thuộc diện TGPL trên địa bàn liền tìm tới Trung tâm. Đối với chúng tôi, đây là một điểm tựa vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình!”, ông Đ.V.N (ngụ huyện Gò Dầu) bày tỏ.

 Để nâng cao chất lượng công tác TGPL, thời gian tới, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện vụ việc TGPL, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người được TGPL; đẩy mạnh hoạt động triển khai thực hiện Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; thực hiện truyền thông công tác TGPL kết hợp tư vấn pháp luật tại các địa phương theo kế hoạch, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nâng cao chất lượng, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan...

Thiên Di