Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Điểm chất lượng các bệnh viện đạt chuẩn:
Trung tâm Y tế Gò Dầu đứng đầu các huyện
Thứ sáu: 09:52 ngày 18/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đánh giá chất lượng bệnh viện 6 tháng đầu năm 2023, ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh cho biết, các đơn vị công có sự thay đổi theo chiều hướng tăng so với năm 2022, nhưng các bệnh viện tư có số điểm chất lượng cao hơn các đơn vị công lập.

Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu là đơn vị dẫn đầu bệnh viện chất lượng tuyến huyện 6 tháng đầu năm 2023.

Căn cứ kết quả trên thang điểm 5, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (huyện Gò Dầu) đạt điểm chất lượng cao nhất: 4,31, xếp thứ nhì là BVĐK Lê Ngọc Tùng: 4,16 và thứ ba là BVĐK Hồng Hưng với điểm đạt 4,01.

Bệnh viện công lập nằm top đầu đạt chuẩn và tăng điểm (3,46 lên 3,47) là Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Để đạt số điểm chất lượng này, bệnh viện đã không ngừng nỗ lực, ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị, phối hợp Bệnh viện Nhân dân 115 TP. Hồ Chí Minh triển khai đơn nguyên đột quỵ tại bệnh viện.

Điểm nổi bật là BVĐK tỉnh phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh tiến hành chuyển giao ca lọc máu đầu tiên (ngày 8.8.2023) tại Tây Ninh thành công tốt đẹp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của ngành y tế tỉnh nhà, hứa hẹn có thêm nhiều kỹ thuật mới được triển khai trong thời gian tới.

Ở cấp huyện, Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu là đơn vị có mức tăng ấn tượng, từ 3,40 điểm lên 3,51 so với năm 2022. Theo bác sĩ Phan Minh Tú- Phó Giám đốc phụ trách TTYT huyện Gò Dầu, đây là quá trình cố gắng không ngừng của đơn vị trong suốt thời gian qua, đặc biệt sau giai đoạn phục hồi do dịch Covid-19 và tình trạng thiếu thuốc kéo dài.

Để đạt được kết quả trên, Trung tâm chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, thái độ phục vụ của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, nhờ vậy số lượng bệnh nhân tới khám ngày càng tăng, trung bình khoảng 300 - 500 lượt/ngày.

Mặc dù đứng sau TTYT huyện Tân Biên (3,34 điểm) về thứ hạng, nhưng TTYT huyện Tân Châu là bệnh viện tuyến huyện có điểm tăng khá, từ 3,15 điểm lên 3,23. Các thứ tự tiếp theo là TTYT thị xã Trảng Bàng đạt 3,14 điểm, TTYT huyện Dương Minh Châu và TP. Tây Ninh cùng đạt 3,02 điểm, TTYT thị xã Hoà Thành 3,01 điểm, Châu Thành 2,93 điểm và Bến Cầu chỉ đạt 2,35 điểm.

Thống kê của Sở Y tế, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đạt 29 giường bệnh/vạn dân. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (30 giường/vạn dân), hiện còn thiếu 120 giường. Dự kiến đến năm 2025, Bệnh viện Xuyên Á Gò Dầu tăng từ 300 lên 600 - 650 giường, Bệnh viện Phục hồi chức năng tăng từ 50 lên 100 giường, nâng tổng số giường bệnh cả tỉnh lên 3.800 giường.

So với số dân dự kiến cuối năm 2023 là 1.193.758 người (tốc độ dân số tăng như năm 2022) sẽ đạt 31,8 giường bệnh/vạn dân. Như vậy, chỉ tiêu 30 giường bệnh/vạn dân được giao vào cuối năm 2025 hoàn toàn khả thi.

Hiện BHXH tỉnh Tây Ninh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 25 cơ sở và 93 trạm y tế xã, phường, thị trấn (Trạm Y tế thị trấn Dương Minh Châu không ký hợp đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2023, BHXH tỉnh đã phát hành 954.568 thẻ BHYT, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

Tổng số lượt khám bệnh tại các bệnh viện trong tỉnh đạt 709.466 lượt người, tăng 8,26% so với cùng kỳ (655.323 lượt), trong đó bệnh nhân nội trú 93.893 lượt, tăng 22,15% so với cùng kỳ (76.868 lượt người).

Khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh đã thực hiện được 632.172 lượt, với tổng chi phí 228,087 tỷ đồng (giảm 4%). Bệnh nhân có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh ngoài tỉnh 183.309 lượt, tăng 38% so với cùng kỳ, với tổng kinh phí thanh toán 295,8 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 48,9 tỷ đồng (tăng 20%).

Theo ông Trương Văn Hùng, mặc dù số lượng bệnh nhân khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập có tăng vào 6 tháng đầu năm, nhưng con số này không cao. Có thể nói, chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất ở các cơ sở y tế tuyến dưới vẫn chưa được cải thiện, chưa lấy lại được niềm tin nên người dân vẫn có tâm lý muốn khám, chữa bệnh ở tuyến trên làm giảm hiệu quả đầu tư. Đặc biệt sau thời gian dài chống dịch bệnh Covid- 19.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế thiếu thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm, máy móc hư hỏng như X-quang, CT scanner... chưa sửa chữa kịp thời. Công tác đấu thầu 2 gói thuốc tập trung tại địa phương kéo dài cũng gây nên tình trạng chậm cung cấp thuốc BHYT cho các đơn vị khám, chữa bệnh. “Tuy các đơn vị khám, chữa bệnh phải thường xuyên mua nhỏ lẻ các gói thầu dưới 50 triệu đồng, nhưng vẫn không đủ phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân”- ông Hùng cho hay.

Dịch bệnh phức tạp, kéo dài dẫn đến không có nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh nên các đơn vị khám, chữa bệnh nợ tiền các công ty cung cấp thuốc, dẫn đến nhiều công ty trúng thầu thuốc vẫn không cung cấp theo hợp đồng khung đã ký. Chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị y tế tư nhân được nâng cấp, đầu tư mới, liên kết với các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh mở dịch vụ khám bệnh, thu hút người dân đến khám, điều trị.

Đối với công tác đấu thầu thuốc BHYT, Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, đến ngày 30.6, Sở đã hoàn thành 2 gói thầu số 1 và số 2 đấu thầu tập trung cấp địa phương, với 166 nhà thầu trúng thầu 853 mặt hàng, tổng số tiền 882,8 tỷ đồng.

Riêng thuốc điều trị cho người mắc bệnh lao được BHYT chi trả, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh làm đầu mối đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình chống lao quốc gia để mua thuốc theo kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục