Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trước giờ “G”, lượng hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp tăng đột biến
Chủ nhật: 19:19 ngày 22/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tháng 4.2022, sau khi giới đầu nậu và “cò đất” biết được thông tin tỉnh sẽ có giải pháp quyết liệt để xử lý tình trạng “sốt đất ảo”, trong đó đặc biệt là đất nông nghiệp. Để kip thời tách thửa, chuyển nhượng đất nông nghiệp trước khi tỉnh ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định 28/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh, lượng hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp tại các Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng “ đột biến”.

Người dân ngồi dày đặc tại nơi tiếp nhận hồ sơ của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh – Chi nhánh Tân Châu trong những ngày vừa qua.

ĐỔ XÔ ĐI CHUYỂN NHƯỢNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Điều đó có thể thấy, tại các văn phòng công chứng; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thành phố, tỉnh, số lượng hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai luôn đông đảo người dân đến liên hệ. Nhiều lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố đều cho biết, số lượng hồ sơ trong những ngày qua tăng cao bất thường.  Điều nay khiến dư luận vấy lên e ngại, giới đầu nậu đất đang tìm mọi cách bán đất nông nghiệp trước khi tỉnh ban hành Quyết định mới để quy định về diện tích tách thửa tối thiểu đối với từng khu đất. Vì vậy, nếu người mua không tỉnh táo để tìm hiểu khi mua đất, nhất là đất nông nghiệp có thể trở thành “nạn nhân” của giới đầu nậu đất và “cò đất”.

Điều lạ lùng của các đô thị, nơi mà tỉnh sẽ có những quy định ban hành chặt chẽ về diện tích tách thửa đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở lại khá nhiều. Toàn tỉnh trong tháng 4.2022, có 3.716 hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 36,8 ha. Trong đó, tại thành phố Tây Ninh có 397 hồ sơ; thị xã Hòa Thành 405 hồ sơ; thị xã Trảng Bàng là 541 hồ sơ.

Tại các huyện, lượng hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp cũng tăng đột biến. Huyện Châu Thành có số lượng hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp cao nhất với 571 hồ sơ;  Dương Minh Châu 510 hồ sơ; Tân Biên 403 hồ sơ, các huyện còn lại số hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp cũng tăng cao. Trong khi đó, số lượng hồ sơ chuyển nhượng đất ở đô thị, đất ở nông thôn theo thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh thì có địa phương chưa được 50% so với lượng hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Giá đất nông nghiệp ngày càng có giá hay người dân có nhu cầu chuyển sang sản xuất đất nông nghiệp? Đây là  vấn đề mà người mua, đặc biệt với người dân có nhu cầu mua đất thực sự để ở cần phải cẩn trọng để không dẫn đến cảnh “dở khóc, dở cười” vì mắc bẫy giới cò đất và đầu nậu trong thời gian tỉnh chuẩn bị ban hành quy định mới về diện tích tối thiểu đối với từng loại đất, cũng như siết chặt điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp sang đất ở.

“ CÒ ĐẤT” GÂY RỐI LOẠN THỊ TRƯỜNG, NHƯNG “CÒ ĐẤT” KHÔNG CHẾT !

C, một “cò đất” có kinh nghiệm hoạt động lâu năm cho biết, thật ra thì nếu những thay đổi về quy định của tỉnh đối với đất đai sẽ có nhiều tác động đáng kể đối với đất nông nghiệp- mảnh đất mà giới “cò đất”  ăn nên, làm ra thời gia qua chứ giá đất ở hiện nay đã có giá thị trường sẵn, “cò đất” cũng không kiếm ăn được bao nhiêu !?.

Theo C, hiện nay giới “cò đất” cũng đang gặp khó khăn vì người dân bắt đầu e dè hơn khi mua đất nông nghiệp trước thông tin tỉnh ban hành quy định mới. “Cò đất” sống bằng môi giới để hưởng chênh lệch tiền hoa hồng hoặc tiền “đầu nậu” trả, thời điểm đó “cò đất” ăn nên làm ra bởi việc giới thiệu mua bán đất nông nghiệp “phân lô, bán nền” rất dễ ăn. Còn bây giờ “cò đất” khó kiếm ăn hơn vì kiếm khách hàng rất khó. Trong khi đó, giới đầu cơ đất tìm những mảnh đất lớn có quy hoạch lên khu dân cư mới mua và như vậy chỉ có giới đầu nậu "mua bán” với nhau phần nhiều. Cò đất bây giờ sống chủ yếu nhờ môi giới những thửa đất ở khu vực nông thôn bán cho người mua có nhu cầu thật sự để kiếm hoa hồng qua ngày. Chính lẽ đó, mà C cho rằng, chỉ cần người bán cấm bảng “bán đất” sẽ có nhiều “cò đất” đến chụp ảnh, điện thoại hỏi giá, sau đó đưa lên mạng quảng cáo là chính chủ - một mảnh đất có nhiều người rao trên mạng là chính chủ là chuyện thường nên bây giờ chuyện “cò đất” lên mạng chửi nhau do giành mối là chuyện hàng ngày trên các mạng xã hội.

Lần theo quảng cáo bán đất cây hàng năm ở một xã thuộc huyện Châu Thành, khi thấy người bán quảng cáo là chỉ gần 40 triệu mét ngang, đất có quy hoạch chuyển đất ở. Phóng viên đã điện thoại liên hệ và người này cho biết, đất anh chính chủ đứng tên mua để đầu tư nên nếu phóng viên có nhu cầu liên lạc để xem đất, muốn mua chiều ngang bao nhiêu cũng được miễn là phù hợp với quy định tách thửa hiện hành, còn việc chuyển mục đích thì anh biết trước sau cũng được lên đất ở (!?)

Ma trận quảng cáo đất nông nghiệp phân lô được giới “cò đất” rao bán trên mạng xã hội Facebook những ngày qua

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có 1 nguyên nhân khiến hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp tăng đột biến trước thông tin tỉnh siết chặt việc “xẻ thịt” đất nông nghiệp nhằm trị “cơn sốt đất ảo” trong đó có điều kiện nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là đất lúa, rồi diện tích tách thửa tối thiểu đối với các loại đất. Chính điều đó làm giới đầu nậu đất lo lắng nên yêu cầu những người mà đã bán đất cho “đầu nậu” thực hiện thủ tục sang tên để tránh rắc rối về sau khi quy định mới được ban hành, thực sự nhu cầu chuyển nhượng đất nông nghiệp của người dân để phục vụ mục đích canh tác, sản xuất không nhiều.

 Một cán bộ địa chính cấp xã nhận định, thấy lượng hồ sơ chuyển nhượng đất “nông nghiệp” tăng cao không phải do đất nông nghiệp sốt ảo như trước đây mà là do “giới đầu nậu” bán qua lại với nhau là chính, chứ người dân chuyển nhượng đất nông nghiệp chỉ có 1.000m2 thì làm gì? Có thể đây là cuộc “tháo chạy” của giới “đầu nậu” đất do lỡ ôm đất nông nghiệp quá nhiều!.

Có ý kiến cho rằng, trước thực trạng giới đầu nậu tranh thủ “xẻ thịt” đất nông nghiệp trước khi tỉnh ban hành quy định mới nhằm siết chặt “cơn sốt đất ảo”. Do đó, để tránh đất nông nghiệp bị dồn dập “xẻ thịt”, tỉnh cần sớm ban hành quy định mới để điều chỉnh nhằm bảo đảm quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Ngày 28.4, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành thông báo về kết luận phiên giải trình về công tác quản lý  nhà nước về trật tư xây dựng và việc tách thửa đất, hình thành khu dân cư, nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát và đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quyết định 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 của UBND tỉnh quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua, trong đó xác định rõ những vấn đề còn bất cập; đồng thời cập nhật quy định của Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18.12.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, từ đó, khẩn trương ban hành Quyết định thay thế theo thẩm quyền được giao, bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, hạn chế để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tách thửa, đồng thời tạo điều kiện để người dân thực hiện các quyền sử dụng đất đúng theo quy định pháp luật.

T.P

Báo Tây Ninh
Công Ty Dịch vụ kỹ thuật việt nam Vinatesco quạt trần công nghiệp
Tin cùng chuyên mục