Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trước ngày Hội yến
Thứ tư: 13:06 ngày 04/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cứ như những ngày trước tết nguyên đán ấy! Là những ngày trước Hội yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Ðài. Vâng, trước tết mọi người ở nơi nơi đều tất bật và hối hả. Cho đến quá giao thừa, sang ngày mùng 1 tết, phố phường trở lại vắng teo.

Bá Huê Viên.

Hội yến Diêu Trì Cung còn đông hơn cả tết. Ấy là vì người từ khắp nơi của ba mươi mấy tỉnh, thành đổ về Toà thánh. Miền Bắc có các họ đạo Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… đem theo các loại trái quả sực nức hương thu. Miền Trung chẳng bao giờ thiếu những họ đạo đến từ Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Ðà Nẵng…

Nhớ “anh” Quảng Ngãi nhất vì gian hàng của “anh” cứ long lanh những hạt đường phèn cùng bao thứ đường, bánh kẹo ngon lạ khác. Còn gian hàng Huế, dĩ nhiên đầy ắp mè xửng của nhiều thương hiệu khác nhau…

Nhưng đông nhất vẫn là các tỉnh miền Ðông và Tây Nam bộ. Thôi thì hoa trái miền Nam thứ gì cũng có. Nhưng đáng yêu nhất chính là những gian trưng bày sản vật của Tây Ninh. Có gian xếp thành núi, treo thành mây toàn một, hai loại bánh ít hay bánh ú. Giá có được cho cũng chỉ dám giữ làm kỷ niệm. Vì mỗi chiếc bánh được tết lá gói thành hình ngọn tháp cực kỳ khéo léo.

Trở lại với trước ngày Hội yến đi thôi! Bởi không gian Toà thánh đã náo nức lắm rồi, dù còn 3 ngày nữa mới tới ngày chính lễ. Vậy mà chiếc cổng vàng son trước Báo Ân Từ đã được dựng lên với hai màu đỏ, vàng lung linh.

Bên kia đường, trước Bá Huê Viên, hoa vàng và cỏ xanh cũng đã kết thành tấm bảng lớn với những hàng chữ to: “Kính mừng đại lễ/ Hội yến Diêu Trì Cung/ Ngày 15 tháng 8 năm Ðinh Dậu (2017)”. Vườn hoa ấy với muôn thứ kỳ hoa dị thảo cũng đang sắp xếp, chỉnh trang đón khách tới tham quan.

Ðể chào mừng, góp phần cho Hội yến thết đãi các bậc thần tiên ấy, các họ đạo muôn nơi sẽ được giao một gian để trưng bày quả phẩm dâng lên Hội yến. Xe lớn, xe nhỏ các nơi đã tấp nập đổ về, cho các nghệ nhân tha hồ phô diễn tay nghề. Các nghệ nhân còn làm các mô hình chuyển động. Không thể thiếu hình tượng chim phụng bay về, chở trên lưng đức Diêu Trì Phật mẫu và cửu vị tiên nương…

Tại Ban Mỹ thuật trên đường Cao Thượng Phẩm, cũng không kém phần sôi động. Bởi đây là nơi chuẩn bị cho linh vật quan trọng nhất của phần hội trong đêm Hội yến. Ðấy là chiếc xe “cộ mẫu” chở Phật mẫu và chín vị tiên nương trong lễ rước cộ bông tại sân Ðại Ðồng Xã trước Ðền thánh.

Xe phải được thiết kế như một cảnh quan núi đá và trên chóp núi cao kia sẽ xuất hiện một chim phụng lớn, chở trên lưng Phật mẫu và các vị tiên. Trong lòng núi còn phải có chỗ cho ban nhạc lễ ngồi, để xe vừa đi vừa có tiếng nhạc lời ca vẳng ra từ ruột núi. Hình tượng và âm thanh ấy, kết hợp với nến đèn lung linh đêm hội sẽ cho người xem như lạc vào chốn bồng lai.

Trong một gian nhà của Ban Mỹ thuật, các bà, các chị đang trang điểm cho các pho tượng Phật mẫu cùng chín vị tiên nương. Mũ mãng, bông tai long lanh đá quý. Dĩ nhiên là phải có thần thái cao sang, lộng lẫy như các bà hoàng, công chúa bước ra từ cổ tích.

Các nghệ nhân tham dự việc này toàn những người khéo tay và có mắt thẩm mỹ. Họ chăm chú cho từng đường nét tượng dưới bàn tay điệu nghệ. Ðể mỗi pho tượng sẽ càng nổi bật hơn trong lễ hội đêm rằm. Ông Tạ Tài Thoáng, Trưởng Ban Mỹ thuật cho hay, chỉ tới ngày 13 tháng 8 là mọi việc sẽ hoàn tất. Năm nay thế là sớm hơn năm trước.

Ở bên toà nhà đối diện với Ban Mỹ thuật kia từ mấy ngày nay, các tốp múa rồng nhang và tứ linh cũng đang tích cực thao luyện mỗi chiều. Nếu không, làm sao phối hợp cả 50 người điều khiển rồng khung sắt bọc vải dài 36 mét múa lượn trên sân nhẹ nhàng và sinh động. Lại còn phải kết hợp với lân, quy, phụng và thường phải phô diễn những màn rồng phun lửa.

 Nơi đông vui nhất những ngày trước Hội yến, có thể lại là khu bếp của Trai đường. Rau củ quả đã đổ về từ khắp các rẫy vườn Tây Ninh và cả từ những trang trại trên Lâm Ðồng, Bảo Lộc. Ngăn ngắt xanh, tươi trắng các loại củ và rau.

Ở một chỗ lại vàng rực màu vàng cam cà rốt. Râm ran câu chuyện các vùng miền. Khu bếp hôm nay mới có độ trăm người, đang chuẩn bị sơ chế rau củ cho những bữa ăn cùng lúc cả ngàn khách hành hương 3 ngày sắp tới.

Thương nhất một anh tuổi ba mươi mà lúc nào cũng giữ trên môi nụ cười trẻ con. Anh bị tàn tật, một tay khoèo và chân đi cà nhắc mà vẫn luôn xăng xái góp khiêng từng chiếc cần xé rau củ. Hỏi ra mới biết, anh tên là Tiến, ở tận ấp Phước Dân, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng. Anh theo chị lên Toà thánh từ ngày 11 để làm công quả. Ngày mai và mốt, người về làm công quả nơi đây còn đông gấp mấy lần. Và ai cũng có thể gặp được anh Tiến với nụ cười tươi trẻ ấy.

Những ngày trước Hội yến, ta còn có thể gặp ở mọi nơi, mọi lúc những người đến tham gia, góp sức cho lễ hội. Họ có một cái tên chung là “Công quả Cao Ðài”. Như các bà cao tuổi từ sớm đến chiều trên sân Ðại Ðồng Xã nhặt cỏ và rác. Như một tốp thợ đang xây dựng vỉa hè và hàng rào ở cổng số 3 (trước là cổng 4).

Dường như năm nay, Hội yến Diêu Trì Cung có phần hoành tráng, rực rỡ hơn. Ðêm xuống, tất cả các con đường nội ô rực sáng. Người Cao Ðài đã chuẩn bị cho ngày lễ lớn nhất trong năm này tính ra đã cả năm. Thoạt tiên là các con đường, tất cả được đổ thêm lớp mặt bê tông nhựa. Sau nữa là hệ thống điện chiếu sáng được ngầm hoá hoàn toàn. Các bãi xe cũng có thêm tường rào, cổng ngõ. Có điều đặc biệt gì đây?

Xin thưa: 90 năm trước, vào tháng 3.1927, đạo Cao Ðài chính thức chọn nơi đây làm thánh địa. Và 70 năm trước, ngày 30.1.1947 có đại lễ an vị đức Phật mẫu, mở đầu cho nghi lễ Hội yến Diêu Trì từ đấy về sau.

Cách nay vừa đúng 20 năm, cũng vào dịp đại lễ này đây: “Ngày 16 tháng 10 đúng dịp lễ Diêu Trì Kim Mẫu (rằm tháng 8 năm Ðinh Hợi) Hội đồng Chưởng quản tổ chức đại lễ đón pháp nhân tại Toà thánh Tây Ninh với sự tham dự của 250 ngàn tín đồ, chức sắc, chức việc, đánh dấu một giai đoạn mới của đạo Cao Ðài Tây Ninh” (sách Ðạo Cao Ðài, hai khía cạnh lịch sử và tôn giáo- TS Nguyễn Ðình Xuân, Nxb Tôn Giáo năm 2013).

Hai mươi năm đã qua. Ðạo Cao Ðài với các lễ hội mỗi ngày mỗi thêm đổi mới mà vẫn giữ được cốt lõi vẻ đẹp xa xưa theo truyền thống dân gian.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục