BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trước thềm năm học mới: Tìm đâu nguồn tuyển giáo viên 

Cập nhật ngày: 02/09/2022 - 00:06

BTN - Câu chuyện thừa, thiếu hoặc vừa thừa vừa thiếu giáo viên đã xảy ra từ lâu. Nhưng tình hình thiếu giáo viên trở nên rõ ràng, hiển hiện cụ thể hơn kể từ năm học 2020-2021, khi ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ...

Giáo viên Trường mầm non Hoa Lan, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên chuẩn bị cho năm học mới.

Còn vài ngày nữa, năm học 2022-2023 bắt đầu, nhưng câu chuyện nguồn nhân lực của ngành Giáo dục chưa thể giải quyết được. Câu chuyện thừa, thiếu hoặc vừa thừa vừa thiếu giáo viên đã xảy ra từ lâu. Nhưng tình hình thiếu giáo viên trở nên rõ ràng, hiển hiện cụ thể hơn kể từ năm học 2020-2021, khi ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và cả trước đó, khi Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 có hiệu lực ngày 1.7.2020.

TÂN BIÊN CẦN THÊM 145 GIÁO VIÊN

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tân Biên thông tin, bước vào năm học mới, huyện đang trong tình trạng thiếu giáo viên. Năm học 2021-2022, tổng số biên chế được giao là 1.217 người, tổng số biên chế có mặt là 1.105, còn thiếu 112 chỉ tiêu. Năm học 2021-2022, Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện tổ chức tuyển viên chức sự nghiệp năm học 2021-2022 với 112 chỉ tiêu. Kết quả chỉ có 11 người/112 chỉ tiêu tham gia tuyển dụng (do không có nguồn dự tuyển) và chỉ có 8 người nhận quyết định làm việc (3 người có kết quả tuyển dụng ở huyện khác nên không nhận việc ở Tân Biên).

Năm học 2022-2023, tổng số biên chế được giao là 1.207 người (so với năm 2021 giảm 10 người). Tổng số viên chức có mặt hiện nay là 1.062, như vậy, Tân Biên còn thiếu khá nhiều giáo viên, trong đó phần lớn giáo viên mầm non.

Để bổ sung số giáo viên còn thiếu so với quy định, Phòng GD&ĐT Tân Biên xây dựng kế hoạch tham mưu UBND huyện tuyển dụng bổ sung viên chức sự nghiệp giáo dục của huyện bố trí tại các trường mầm non, tiểu học năm học 2022-2023 tổng cộng 145 chỉ tiêu.

“Tình hình thiếu giáo viên toàn huyện gây khó khăn trong việc phân công, bố trí giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trong việc tăng tỷ lệ tổ chức các lớp học 2 buổi/ngày, tăng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi từ 0-2 tuổi”- lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tân Biên đánh giá tình hình đội ngũ nhân lực trước thềm năm học mới.

Đối với việc thực hiện Chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7, Tân Biên gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí đội ngũ, nhất là giáo viên Tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học. Theo quy định, môn Tiếng Anh lớp 3 giảng dạy bắt buộc theo chương trình cho năm học 2022-2023 còn thiếu 5 giáo viên/5 trường tiểu học, chưa kể các trường có quy mô lớn, số lớp nhiều cần bổ sung thêm từ 1-2 giáo viên. Môn Tin học lớp 3 giảng dạy bắt buộc theo chương trình cho năm học 2022-2023 còn thiếu 16 giáo viên/16 trường, chỉ có 3 trường có giáo viên Tin học.

Ở cấp THCS, khó khăn trong việc dạy các môn trong tổ hợp Tự nhiên và xã hội do giáo viên không được đào tạo chuyên sâu theo yêu cầu mới của nội dung Chương trình GDPT 2018. “Dự báo sẽ tiếp tục thiếu giáo viên do không có nguồn tuyển dụng, số giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc tăng hằng năm, nhiều nhất là ở cấp mầm non, đặc biệt Trường mầm non Tân Khai hiện còn 3 giáo viên, đây là khu vực vùng xa nhất của huyện nhưng chưa có chế độ phụ cấp thêm cho giáo viên.

Hầu hết giáo viên mới tuyển dụng trong các năm 2020, 2021 lập gia đình ở xa, đi lại công tác rất khó khăn, một số trường hợp hằng ngày đi về 2 lượt trên 150 cây số, tiền lương không đáp ứng cho chi phí cuộc sống”- lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tân Biên phân tích.

Trước thực tế đó, Tân Biên đang rà soát, sắp xếp lại biên chế lớp ở từng cấp học để bảo đảm cơ bản đủ mức tối thiểu giáo viên giảng dạy. Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện điều động, cân đối giáo viên giữa các đơn vị, bảo đảm đủ số lượng phân công giảng dạy cho năm học 2022-2023- nhất là bảo đảm thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

“Có thể phải tính đến phương án bố trí giáo viên linh hoạt, hợp lý, hiệu quả bảo đảm dạy học được môn Tiếng Anh, Tin học theo quy định như: dạy liên trường cùng cấp học, điều động giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học cấp THCS dạy tại các trường tiểu học. Rà soát, bổ sung, điều chuyển hợp lý thiết bị dạy học Tiếng Anh, Tin học tại các trường trong huyện. Chúng tôi tiếp tục đề xuất UBND tỉnh có chính sách thu hút, hỗ trợ cho giáo viên vùng khó khăn”- lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết.

Về thuận lợi, khó khăn khi triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 3, lớp 7 trên địa bàn, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tân Biên cho biết, địa phương nhận được sự quan tâm của Sở GD&ĐT về chuyên môn, tổ chức các lớp hướng dẫn, tập huấn kịp thời cho cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới từ những nội dung tổng quan đến các nội dung chi tiết theo từng bộ môn. Cán bộ quản lý, giáo viên có nhận thức đúng đắn về đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình từng năm. Đáp ứng yêu cầu chuyên môn của việc đổi mới Chương trình GDPT 2018.

Tuy vậy, khó khăn cũng còn nhiều. Như đã thông tin ở phần trên, số giáo viên còn thiếu chưa đáp ứng việc giảng dạy ở lớp 3 (thiếu nhiều nhất ở môn Tin học, Tiếng Anh); trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa chưa được trang bị cho các trường ngay từ đầu năm học (hiện nay chưa nhận được).

KHÓ KHĂN KHÔNG CỦA RIÊNG ĐỊA PHƯƠNG NÀO

Trong lần làm việc hồi đầu năm 2022 với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT thông tin, toàn tỉnh hiện có 1.801 giáo viên bậc học mầm non. Trong khi đó, Tây Ninh cần ít nhất 2.064 giáo viên cho bậc học này. Như vậy, năm học này, bậc học mầm non ở Tây Ninh thiếu 263 giáo viên. Đó là con số theo tính toán về tỷ lệ của tỉnh. Còn đối chiếu với quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì nhu cầu giáo viên cho bậc học mầm non là 2.230 giáo viên. Như vậy, chưa nói vị trí việc làm khác trong trường mầm non, chỉ riêng giáo viên, Tây Ninh đang thiếu 429 người.

Giáo dục phổ thông, cấp tiểu học, toàn tỉnh hiện có 4.432 giáo viên trong khi nhu cầu giáo viên (theo định mức Bộ GD&ĐT), Tây Ninh cần 4.705 giáo viên, thiếu 273 giáo viên. Cấp THCS toàn tỉnh có 2.856 giáo viên, theo quy định, cấp học này cần 3.173 giáo viên, thiếu 317 giáo viên. Cấp THPT, Tây Ninh hiện có 1.371 giáo viên trong khi theo quy định, cấp học này cần 31.617 giáo viên, thiếu 246 giáo viên. Cộng lại, toàn tỉnh đang thiếu 1.265 giáo viên các cấp học, bậc học. Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá X, Sở GD&ĐT giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu xung quanh câu chuyện thừa, thiếu giáo viên. Số liệu tổng hợp gần đây nhất, Tây Ninh đang thiếu 1.190 giáo viên các cấp học, bậc học.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT thông tin, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022-2023. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và công nghệ dạy liên trường, liên cấp.

Bên cạnh đó, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục còn hạn chế. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành Giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên- nhất là các tỉnh miền núi; bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tại Tây Ninh, năm 2020, bậc học mầm non có kế hoạch tuyển dụng 311 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 105 người, đạt 34% so với kế hoạch; cấp học tiểu học tuyển dụng 197 giáo viên, chỉ tuyển được 107 người, đạt 54% so với kế hoạch; cấp học THCS có kế hoạch tuyển dụng 156 giáo viên, kết quả tuyển được 89 người, đạt 57% so với kế hoạch.
Năm 2021, bậc học mầm non có kế hoạch tuyển dụng 249 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 43 người, đạt 17% so với kế hoạch; cấp học tiểu học tuyển 183 giáo viên, nhưng chỉ tuyển được 34 người, đạt 19% so với kế hoạch; cấp học THCS tuyển 189 giáo viên, kết quả chỉ tuyển được 38 giáo viên, đạt 20% so với kế hoạch.

Việt Đông