Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ lâu người ta hay ví công việc của người trưởng ấp là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Khối công việc trưởng ấp thường “quá tải”, đầu hôm sớm tối “đi như chạy”, bận bịu suốt ngày, nhưng không thể nào hết việc.

Từ lâu người ta hay ví công việc của người trưởng ấp là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Khối công việc trưởng ấp thường “quá tải”, đầu hôm sớm tối “đi như chạy”, bận bịu suốt ngày, nhưng không thể nào hết việc. Trưởng ấp, người được dân cử đại diện cho nhân dân và chính quyền tận cơ sở làm cầu nối của dân với cấp trên. Nhưng thật trớ trêu, công việc thì nhiều nhưng chế độ, phụ cấp… chẳng được bao nhiêu. Tính dân chủ cơ sở được người đứng đầu chính quyền cơ sở ở địa phương phát huy mạnh mẽ. Chẳng hạn như vận động mọi người tham gia thực hiện các phong trào như: bảo vệ an ninh Tổ quốc, giao thông nông thôn, xoá đói giảm nghèo…
![]() |
Con đường từ Rạch Tràm đến A1 |
Anh trưởng ấp Đỗ Văn Dũng, chỉ mới ngoài 40 tuổi đời nhưng đã có thâm niên làm trưởng ấp đến 5 nhiệm kỳ. Anh là đảng viên và là con trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Anh Dũng cho biết, hiện cả ấp có 365 hộ, với gần 1.600 nhân khẩu. Hiện nay đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nhiều trường hợp cán bộ hưu trí, cựu chiến binh khó khăn về nhà ở. Vừa qua anh Dũng cùng các ban, ngành đoàn thể xã đã vận động nguồn kinh phí để xây dựng căn nhà trị giá ngoài 30 triệu cho anh Phạm Thanh Sơn, diện nghèo ở địa phương. Mặt khác đường giao thông nông thôn trong ấp đi lại cách trở, nhiều nơi không thể đi bằng phương tiện xe máy, phải bơi ghe. Từ trung tâm xã, để đến được ấp Phước Lộc mọi người phải đi vòng qua hai ấp khác. Còn nếu đi tắt bị “vướng” con kênh rộng khoảng 15 mét. Anh Dũng tâm sự, mỗi lần nhận “chiếu lệnh” từ xã đưa xuống, muốn triển khai hay vận động nhân dân thực hiện một công việc nào đó, anh thường đi bằng tàu ghe. Nguyện vọng của đông đảo bà con hiện nay là có được chiếc cầu (dù là tạm) để tiện đi lại làm ăn sinh sống, nhưng khổ nỗi không có nguồn kinh phí. Vừa qua, ấp đã có đề nghị lên trên để làm cầu, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là “không có kinh phí”, còn vận động trong dân, thì nhiều gia đình “lắc đầu” vì họ quá nghèo! Về vận động quyên góp xây dựng nhà tình thương, đồng bào lũ lụt… mấy năm trước đây chỉ tiêu giao chỉ 3-4 triệu đồng/năm, nay tăng lên đến 13-14 triệu đồng, ấp không thể thu đủ chỉ tiêu trên giao. Kể cả kinh phí hoạt động của ấp cũng rất eo hẹp. Cả bộ máy ở ấp một năm chỉ được cấp vỏn vẹn 1 triệu đồng, trong khi ấp lại có nhu cầu rất nhiều… Ngay cả tiền phụ cấp cho trưởng ấp như anh Dũng cũng chỉ gần 800.000 đồng/tháng. Bởi vậy, người ta nói: “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” quả không sai!
Trong một dịp đi thăm hỏi, tặng quà cho học sinh Trường tiểu học Phước Giang, xã Phước Lưu, Trảng Bàng, chúng tôi gặp anh trưởng ấp Nguyễn Thành Nhân. Cái khó nhọc của ấp nằm bên bờ Tây sông Vàm Cỏ Đông này vẫn là đường giao thông. Từ trung tâm xã Phước Lưu, người dân đi ra ấp bằng hai loại phương tiện. Nếu trời không mưa, đường khô ráo, có thể chạy xe gắn máy 4-5 km trên dọc tuyến đê. Còn vào mùa mưa, như hiện nay thì đi bằng tàu ghe, nhưng ngặt nỗi, những lúc lục bình sinh sôi nghẹt tuyến kênh, sẽ làm tắc nghẽn giao thông (!?).
Tuy nhiên, dù là ấp “ốc đảo”, nhưng tất cả hơn 200 hộ dân nơi đây đều có điện. Cư dân vùng sông nước này, không chỉ có điện thấp sáng, sinh hoạt, mà còn phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi. Vừa qua, được sự hỗ trợ của cấp trên, ấp Phước Giang đã tổ chức được ba lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá bè ven sông. Nhờ nắm được kiến thức, nhiều hộ có đời sống khá lên nhờ nghề này. Theo anh Nhân, dù đường sá trong ấp đi lại còn nhiều khó khăn, nhưng việc triển khai các cuộc vận động của trên vẫn được ấp tiến hành thường xuyên tận mỗi gia đình, đến nhiều đối tượng trong diện quản lý giáo dục. Do vậy mà ở vùng quê heo hút này, tình hình tệ nạn xã hội như trộm cắp, rượu chè, gây rối trật tự… đã được bày trừ.
Xuôi về hạ nguồn sông Vàm Cỏ, chúng tôi đến ấp Phước Long (A1), xã Phước Chỉ, Trảng Bàng. Nguyên trưởng ấp Hồ Văn Bớt, có “nghề vác tù và” hàng chục năm, phấn khởi khoe về một con đường “như trong mơ”. Đó là con đường chỉ dài hơn 3 km, nhưng đã được rải phún khá vững chắc, nên nhiều phương tiện đi lại được dễ dàng. Tuyến đường huyết mạch từ trung tâm xã Phước Chỉ hướng ra bờ sông Vàm Cỏ này đã thông thương. Để qua sông, hiện đã có 3 chiếc phà đưa đón nhiều lượt người đi về trung tâm huyện Trảng Bàng và tỉnh Long An.
Tuy nhiên, so với những gì mà người trưởng ấp làm được, thì hiện nay chế độ chính sách của Nhà nước dành cho người làm công việc này còn quá thấp. Cấp trên nên chú trọng quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn, Nhà văn hoá…Theo tôi không chỉ cân nhắc thêm khoản phụ cấp trách nhiệm của trưởng ấp, mà còn phải “xem lại” mức chi cho hoạt động của bộ máy ấp một cách tương xứng với khối lượng công việc trong khi quá nhiều ở cơ sở. Có như thế, thì người trưởng ấp mới an tâm điều hành bộ máy chính quyền “của dân, do dân và vì dân”.
Lê Minh