Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trường chuẩn Quốc gia: Cần thực chất hơn
Thứ tư: 06:11 ngày 26/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một vị lãnh đạo giàu kinh nghiệm cho rằng, nếu khâu kiểm tra đánh giá được thực hiện nghiêm túc thì có không ít trường chưa thể công nhận đạt chuẩn quốc gia. Song, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các trường cũng phải “làm cho được”. Bằng chứng rõ nhất cho nhận định nêu trên là, học sinh ở một số trường chuẩn quốc gia khi thi tuyển sinh vào lớp 10 điểm rất thấp.

Trường mẫu giáo xã Thái Bình.

Bắt đầu xây dựng trường chuẩn quốc gia từ năm 1997, sau 20 năm, theo số liệu cập nhật mới nhất, toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 186 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, bao gồm cả bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong đó, cấp tiểu học có số trường đạt chuẩn quốc gia nhiều nhất, 90 trường (số liệu này có thể thay đổi vì nhiều trường đã và đang tiếp tục xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia).

Trường chuẩn quốc gia, theo quy định, có nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn nhưng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất là hai tiêu chuẩn cơ bản nhất, sau đó mới đến các tiêu chí thuần tuý chuyên môn, phong trào khác.

Về đội ngũ cán bộ, giáo viên ở trường chuẩn quốc gia cấp tiểu học, lãnh đạo Sở GD-ÐT nhìn nhận, kể từ khi triển khai xây dựng trường chuẩn quốc gia, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục và dạy học.

Ðối với cán bộ quản lý, hằng năm, phòng GD-ÐT các huyện, thành phố đã tiến hành rà soát, lựa chọn cán bộ, giáo viên có trình độ, nhiều kinh nghiệm, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt bổ nhiệm làm cán bộ quản lý. Theo đánh giá của Sở GD-ÐT, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý từng bước được nâng cao. Hiện nay, 100% cán bộ quản lý có văn bằng đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn là 486/495 người (tỷ lệ 98,18%).

Ðội ngũ giáo viên từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn đầu xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, ngành còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ. Năm học 1997-1998, tỷ lệ bố trí giáo viên của toàn tỉnh chỉ đạt 1,06 giáo viên/lớp; tỷ lệ giáo viên có văn bằng dưới chuẩn là 2,4%.

Ðến nay, đội ngũ giáo viên tiểu học có văn bằng đạt chuẩn và trên chuẩn khá cao, tỷ lệ bố trí giáo viên toàn tỉnh đạt 1,41 giáo viên/ lớp. Tính đến năm học 2017-2018, 100% giáo viên có văn bằng đạt chuẩn, trong đó có 93,58% trên chuẩn.

Ngoài đội ngũ giáo viên các trường chuẩn quốc gia được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, cải tạo đạt chuẩn theo quy định. Trên phương diện chuyên môn, chất lượng giáo dục, hiện nay có 22 trường tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam; 121 trường triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. Tất cả các trường trong tỉnh triển khai dạy học Mỹ thuật theo phương pháp mới, dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Ngoài ra, các đơn vị đã chủ động tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học theo đơn vị trường và cụm trường để cán bộ quản lý, giáo viên có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình dạy học.

Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, số trường đạt chuẩn quốc gia ít hơn và đặc điểm chuyên môn cũng khác với cấp tiểu học.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia nói riêng, đầu tư cho giáo dục nói chung là một chủ trương đúng. Tuy vậy, giới chuyên môn, cán bộ quản lý nhìn nhận, vấn đề xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng có những điều cần bàn. Theo ý kiến của một vị phó phòng giáo dục, ở giai đoạn đầu, việc dạy và học ở trường chuẩn quốc gia thực chất hơn thời gian gần đây.

Một trong những điều kiện quan trọng để được công nhận trường chuẩn quốc gia là chất lượng dạy và học. Khi xây dựng trường chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục được ưu tiên hàng đầu, việc đánh giá, xếp loại học sinh sát thực tế hơn. Ðể đạt được điều kiện, tiêu chí đó, cả thầy và trò phải rất nỗ lực. Vì thế mới có chuyện, có những trường đáp ứng được tiêu chuẩn về cơ sở vật chất nhưng hiệu quả dạy học chưa đạt nên vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn.

Những năm sau này, khi ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng, chuyện cơ sở vật chất không còn quá khó. Trường lớp khang trang, có phần hiện đại, nhất là ở những xã xây dựng nông thôn mới, trường nào cũng đẹp. Thế nhưng, chất lượng giáo dục tại một số trường được công nhận đạt chuẩn lại vướng vào căn bệnh thành tích.

Vị lãnh đạo giàu kinh nghiệm cho rằng, nếu khâu kiểm tra đánh giá được thực hiện nghiêm túc thì có không ít trường chưa thể công nhận đạt chuẩn quốc gia. Song, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các trường cũng phải “làm cho được”. Bằng chứng rõ nhất cho nhận định nêu trên là, học sinh ở một số trường chuẩn quốc gia khi thi tuyển sinh vào lớp 10 điểm rất thấp.

Ngoài chuyện kiểm tra, đánh giá xếp loại, trường chuẩn quốc gia còn một vấn đề khác cần được quan tâm. Ðó là hiện có nhiều trường được công nhận đạt chuẩn đã lâu, nay cơ sở vật chất xuống cấp. Những trường này, tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn, phòng học là những dãy nhà cấp bốn cũ kỹ (mặc dù lúc đó vẫn hơn nhiều trường khác).

Trải qua gần 20 năm, nhiều trường chuẩn quốc gia lúc đó giờ cơ sở vật chất thua xa những trường chưa được công nhận đạt chuẩn hiện nay. Chương trình kiên cố hoá trường lớp đã xây thêm nhiều phòng học, nhiều ngôi trường đã mang diện mạo mới, khang trang, dù chưa đạt chuẩn. Theo quy định của Bộ GD-ÐT, 5 năm kể từ khi được công nhận đạt chuẩn, trường chuẩn quốc gia sẽ được đánh giá, công nhận lại (giống như trong kiểm định chất lượng giáo dục).

Một số vị lãnh đạo ngành cho biết, muốn “bê tông hoá”, lầu hoá cho những trường đạt chuẩn quốc gia đã cũ kỹ chỉ còn cách chờ xây dựng nông thôn mới. Xã nào được chọn làm điểm nông thôn mới, trường học trên địa bàn xã đó đều được đầu tư. Ví dụ gần đây nhất là xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến năm 2017, Thái Bình đã khởi công xây dựng, cải tạo, nâng cấp hàng loạt trường học.

Bao gồm, xây mới Trường tiểu học Bình Phong, cải tạo nâng cấp Trường mẫu giáo Thái Bình, Trường trung học cơ sở Thái Bình, Trường tiểu học Hoàng Lê Kha, xây mới Trường tiểu học Suối Dộp. Ðến nay, 5 điểm trường đã được đầu tư xây dựng cơ bản, hoàn thành đạt 100% so với kế hoạch đề ra với nguồn kinh phí hơn 46 tỷ đồng. Sở GD-ÐT cũng đã có văn bản xác nhận, xã Thái Bình hoàn thành việc nâng cấp, xây mới hệ thống trường lớp theo quy định đối với xã nông thôn mới.

Vẫn liên quan đến trường chuẩn quốc gia, một vấn đề khác không mới nhưng cũng nên nhắc lại, đó là chuyện số học sinh trong một lớp học quá đông, vượt quy định. Tình trạng này hầu như không có đối với những trường chuẩn quốc gia ở khu vực nông thôn nhưng ở khu vực đô thị lại phổ biến. Số lượng học sinh đông, vượt quy định nhiều nhất là ở các trường mầm non.

Do số học sinh đến tuổi ra lớp nhiều nên trường mầm non rơi vào quá tải. Có thời điểm, một lớp học trong trường mầm non lên đến 45 cháu hoặc cao hơn, trong khi quy định tối đa không quá 35. Ở cấp tiểu học, chuyện số học sinh vượt quá mức quy định cũng xảy ra nhưng ít hơn, mỗi lớp học thường chỉ vượt 3 - 5 học sinh. Số học sinh trong lớp quá đông làm ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục