Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ghi chép
Trường Đông quê tôi
Chủ nhật: 16:44 ngày 11/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày này về xã Trường Ðông (huyện Hoà Thành), trên trục đường chính Nguyễn Văn Linh, bạn sẽ thấy đường thênh thang trải rộng và phăng phăng xe chạy.

Sân chơi miễn phí ở sân vận động xã.

Từ thị trấn Hoà Thành, qua Long Thành Bắc, đến Trường Tây lớp lớp nhà phố, bạn sẽ chạm vào Trường Hoà với bạt ngàn sắc xanh và sự hiền hoà của con người vùng Quy Thiện. Trường Hoà còn có Trí Giác cung và Trí Huệ cung là “gia bảo” của đạo Cao Ðài để mỗi mùa Hội yến (Rằm tháng 8 âm lịch) và vía Ðức Chí tôn (mùng 9 tháng Giêng) người và xe sẽ nườm nượp tụ về khiến cho hai cung này ken kín bước chân người, nhưng lại rất vui vẻ, thể hiện đời sống tâm linh đạo giáo phồn thịnh.

Bạn hãy cho xe chạy qua Trường Hoà, để lên con dốc Ðoạn Trần Kiều mà “lạc trôi” về Trường Ðông. Bạn sẽ thấy quê tôi bốn mùa mát mẻ vì hương cây trái, sắc xanh của vườn tược và những con kênh nội đồng luôn tưới mát quanh năm. Ðịa danh hành chính xã Trường Ðông được thành lập năm 1979, sau khi tách ra từ một phần của xã Trường Hoà. Diện tích là 22,89km2 và dân số hơn 20.000 người.

Tôi được sinh ra khi Trường Ðông còn lúa bạt ngàn của vùng đồng trảng với những trảng Cây Viết, trảng Ông Tên, trảng Tròn… trên diện tích đất tưởng chừng như đi mòn cả gót chân cũng không giáp đó. Ấy khi tôi, cô bé lên mười hằng ngày theo mẹ vào vườn cao su Ông Xèng để mót củi. Nhìn về phía núi xanh ngắt mỗi trưa, đội nón mỗi chiều, mà nếu chạm đến núi, phải lội qua những cánh đồng lúa xanh mát, những ruộng đậu tím hoa đang lung linh đó, tôi hay hỏi mẹ: “Chừng nào con đi hết đất này?”. Mẹ xoa xoa đôi bàn chân bé nhỏ của con gái mà nói rằng: “Khi con lớn, đi không mỏi nữa”.

Trường Ðông ôm ấp tuổi thơ tôi bằng những ruộng lúa ở trảng Ông Tên để mỗi chiều be bờ tát cá, bắt cua, hái rau kèo nèo, chốc, lục bình… cho bữa cơm nghèo. Ðể rồi những mẻ cá tạp từ chạch, sặc, lòng tong, ròng ròng, rô, trê, lóc… đó, qua bàn tay mẹ sẽ thơm lừng cùng mùi tiêu xanh, nghệ vàng với cơm gạo mới. Những ngày mưa gió, mẻ cá đó sẽ ngon hơn bất cứ món ăn nào trên đời này vì cả gia đình quây quần trong tiếng nói cười rôm rả.

Trường Ðông lúc ấy, ngoài lúa, người ta còn nuôi vịt rất nhiều. Mùa bấc non thế này, vịt bắt đầu được nuôi chạy đồng, để những đứa trẻ tuổi lên mười chúng tôi ngoài việc bắt cá thì thi thoảng còn lượm được trứng vịt. Tôi cứ nhớ mãi chuyện chị em tôi đi tát cá, hôm ấy cá nhiều đến nỗi, cái nồi số 12 đem theo đựng không hết cá, thằng em 8 tuổi đi cùng đã chấp nhận sự gợi ý của tôi là… lấy quần cột ống lại, bỏ cá vào đem về. “Còn em thì sao?”.  “Ôi dào… đường từ ruộng về nhà có mấy trăm mét, con nít mà mắc cỡ gì, cứ… ở truồng mà về!!!”.

Rồi cũng chẳng biết tự bao giờ… có lẽ là từ năm 2000, khi con đường từ xưởng ô tô được Nhà nước mở rộng nâng cấp, để đường xe bò trở thành đường nhựa thênh thang, ruộng lúa ở Trường Ðông đã mất dần. Thay vào lúa là những vườn nhãn mọc lên. Nhãn long tiêu đường, nhãn da bò, nhãn xuồng và những vườn ổi, măng cụt, dừa xiêm lùn, chanh, táo, cam, quýt, bưởi da xanh… thi nhau “đâm chồi nẩy lộc”. Nhưng nhiều nhất vẫn là nhãn, để mấy năm nay, Trường Ðông được mệnh danh là “thủ đô của nhãn”, từ đây tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Tôi yêu Trường Ðông không chỉ bằng tình yêu máu thịt của đứa con lớn lên từ hơi thở của đất mẹ, từ cây trái, cá mắm, con người Trường Ðông. Tuổi thơ tôi còn gắn liền với nghề đan mê bồ, là nguồn sinh sống của không ít gia đình trên đất Trường Ðông. Cha tôi làm nghề thợ hồ, mấy tháng mùa mưa là xem như “thất nghiệp”. Mẹ mua bán ở chợ, mùa mưa bão ế ẩm trong xu thế “ế đều” của mọi người. Công việc đan mê bồ là “nghề ruột” cho gia đình tôi những tháng ngày mưa gió đó. Nan đan bồ là ruột trúc được người đan cần xé tách lấy cật rồi. Một bó ruột trúc rất rẻ, tuỳ thời giá nhưng đan mê bồ là công việc “một lời một” nếu chịu khó ngồi “bứt lưng” một chút.

Tuổi thơ của tôi, một buổi đi học, còn một buổi sẽ dính liền với cây rựa để chẻ nan. Tôi chẻ chứ không đan, vì tôi chẻ nhanh, nan mỏng, một cọng ruột trúc có thể chẻ thành ba sợi nan, rất có lợi cho việc đan. Còn em gái tôi sẽ phụ trách đan, nó đan nhanh và đẹp hơn tôi! Hai em trai kế sẽ có nhiệm vụ dọn dẹp nan bổi sau khi tôi chẻ xong, hoặc quét dọn nhà cửa sau khi chị gái kế đan xong. Vì đan mê bồ sẽ làm nhà cửa khá dơ bởi nan trúc vụn.

Ai có đan mê bồ sẽ biết, ngồi mãi rất đau lưng, hai bờ mông trẻ em thì như đông cứng bởi chỉ có một tư thế ngồi là chồm hỗm lên phía trước. Thế nhưng công việc đan mê bồ là gạo là cơm của nhà tôi mỗi mùa mưa gió nên không bỏ được suốt hàng chục năm trời. Hồi đó, tôi hay mua nan ruột của bác Năm Sáng ấp Trường Phú, vì bác bán nan rẻ hơn so với chỗ khác. Bác còn cho rất nhiều nan bổi của cần xé để tôi đem về nhóm bếp nấu ăn.

Trường Ðông bây giờ đã không còn những trảng Ông Tên, trảng Tròn, trảng Cây Viết... Ðường sá giờ thênh thanh rộng đẹp, Căn cứ Huyện uỷ Toà Thánh thuộc ấp Năm Trại được trùng tu, chăm sóc, thành địa chỉ đỏ cho tuổi trẻ về nguồn mỗi dịp lễ lạt.

Sẽ là một thiếu sót vô cùng nếu không nói về sân chơi miễn phí thuộc Trung tâm Văn hoá- Thể thao & Học tập cộng đồng của xã vừa mới khánh thành. Vậy là sau bao năm mong đợi, trẻ em xã tôi đã có một nơi vui chơi thoả thích mà cha mẹ không tốn tiền cũng như tốn công đưa rước. Bởi Nhà văn hoá toạ lạc tại khuôn viên sân vận động của xã, bất cứ ai đi qua cũng nhìn thấy và nằm trên trục đường chính nên trẻ em biết chạy xe đạp là có thể thoả sức chạy đến chơi… mệt thì về.

Tôi thích những buổi chiều cậu con trai 8 tuổi chạy xe đạp còn mẹ thì chạy bộ theo sau “như là thể dục vậy mà”, vừa chạy cho con vui, vừa như là bảo vệ con khỏi xe cộ. Mẹ con sẽ chạy ra sân chơi của Nhà văn hoá, để con hết leo lên con thú nhún này, lại nhảy lên chuyến tàu con rồng bay tận trời xanh kia; xong lại nhảy qua cầu tuột và “thách” mẹ leo lên cầu tuột nhưng không leo đường cầu thang!

Tiếng cười con trẻ hoà trong tiếng nói cười ríu rít của bạn bè con khiến cho tôi thấy sống lại cả tuổi thơ vô tư hồn nhiên. Trường Ðông quê tôi đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng để đạt chuẩn xã nông thôn mới. Ấy là nhờ công sức của biết bao người đã chung tay xây dựng cùng sự quan tâm hết lòng của Ðảng và Nhà nước nên mỗi con đường mới sáng điện mỗi đêm, mỗi khu vườn mới trĩu quả bội thu mỗi mùa.

Bạn có thể bảo tôi là nói chưa đủ, vì Trường Ðông vẫn còn âm ỉ chuyện những lò mì rấm làm ảnh hưởng mạch nước ngầm, mỗi mùa mưa nước hôi thối, mùa nắng bụi mù và hộ nghèo vẫn còn không ít. Nhưng xin bạn đừng nhìn vào góc khuất chưa vui đó, bởi rồi đây, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, Trường Ðông sẽ ngày càng đẹp hơn. Ở đây, tôi chỉ nói tình yêu của mình dành cho Trường Ðông. Nơi ấy đã nuôi dưỡng tôi từ tấm bé cho đến trưởng thành.

Thuỳ Trang

Tin cùng chuyên mục