Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian qua, với nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều người dân xã Trường Đông (thị xã Hoà Thành) phát triển kinh tế, nhiều hộ nghèo, cận nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Văn Nhiệm (69 tuổi), ngụ ấp Trường Đức được biết đến là một trong những tấm gương vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững tại địa phương nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Ông Nhiệm cho biết, trước đây gia đình ông thuộc diện khó khăn, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình ông đã tiếp cận được nguồn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Ông Lê Văn Nhiệm chăm sóc đàn bò của gia đình.
Từ số tiền 30 triệu đồng, gia đình ông Nhiệm quyết tâm thoát nghèo bằng cách phát triển chăn nuôi bò. Với số tiền vay được, gia đình góp thêm vốn mua 2 con bò về vỗ béo bán thịt. Nhờ chịu khó chăm sóc, hơn 6 tháng sau, ông Nhiệm bán 2 con bò được 40 triệu đồng, sau đó gia đình dùng số tiền lời mua lại 4 con khác để chăm sóc, vỗ béo; còn số tiền dư ra, dùng để trả ngân hàng và lo cho con cái ăn học.
Không chỉ làm kinh tế cho gia đình, ông Nhiệm còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân trên địa bàn để cùng nhau phát triển. Ông Nhiệm vận động bà con trả lãi, vốn vay đúng hạn...
Cũng vươn lên từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, ông Hồ Văn Ao (63 tuổi) cùng ấp Trường Đức chia sẻ: “Với người dân nông thôn, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn ban đầu, nếu vay vốn ở các ngân hàng thương mại khác thì số tiền thu về có khi không đủ trả tiền lãi. Cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mới có cơ hội để phát triển kinh tế gia đình”.
Ông Ao cho biết thêm, ban đầu, từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng, gia đình ông đầu tư mua 3 con bò về vỗ béo. Sau 6 tháng chăm sóc, gia đình ông bán bò được 60 triệu đồng. Sau khi trả hết nợ, ông dùng số tiền lời còn lại, cộng với các khoản dành dụm khác tích cóp được để đầu tư trồng cây ăn trái gồm sầu riêng, bưởi da xanh... Đến nay, vườn cây ăn trái rộng hơn 7.000m2 đã cho thu hoạch, giúp gia đình ông Ao có nguồn thu nhập ổn định.
“Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, muốn phát triển kinh tế cũng không có vốn để làm. Nhưng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng CSXH, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi mong muốn ngân hàng tiếp tục cho vay vốn ưu đãi để nhiều hộ dân khác có thể phát triển sản xuất, mang lại thu nhập ổn định, lâu dài”- ông Ao chia sẻ.
Ông Hồ Văn Ao thu hoạch bưởi da xanh.
Cùng với gia đình ông Nhiệm, ông Ao, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo khác ở xã Trường Đông đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả, no ấm. Theo Hội Nông dân xã Trường Đông, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xã có 1.017 hộ vay vốn CSXH, dư nợ gần 18 tỷ đồng phục vụ người dân trong chăn nuôi, sản xuất rau màu và cây ăn trái, hướng đến phát triển kinh tế bền vững.
Ông Nguyễn Văn Lấm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Đông cho biết, là một trong những hội, đoàn thể được Ngân hàng CSXH thị xã Hoà Thành uỷ thác nguồn vốn vay tín dụng CSXH cho người dân, Hội Nông dân xã đã bám sát các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hằng năm của địa phương, kịp thời hướng dẫn làm hồ sơ đến đúng người, đúng đối tượng, giúp người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất; trong đó, ưu tiên tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đồng thời, Hội nông dân cũng tuyên truyền, định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp tiềm năng, thế mạnh để bảo đảm hiệu quả đồng vốn vay. Trong quá trình nông dân vay vốn, Hội cùng các tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục kiểm tra, giám sát, theo dõi, nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời. Chính vì thế, chất lượng tín dụng đã được bảo đảm.
Ông Lấm cho biết thêm, để nguồn vốn tín dụng được các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác tiếp cận, đầu năm 2020, Ngân hàng CSXH thị xã Hoà Thành tiếp tục triển khai các nguồn vốn đến các tổ vay vốn theo các tổ chức tín dụng do Hội Nông dân xã quản lý, đa số các hộ đều sử dụng nguồn vốn tín dụng đúng mục đích. Từ nguồn vốn vay chính sách ưu đãi, các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, các hộ dân khác của xã có điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình.
Nhi Trần