Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hầu như tất cả các ngôi trường mới hiện nay đều được lợp bằng ngói đỏ, thay cho nhiều chục năm trời hết tranh lá rồi phibrô, tôn kẽm.

Giờ đây, đi trên các nẻo đường Tây Ninh thế nào ta cũng thấy những ngôi trường mới. Khi ấy, lòng ta bỗng vang lên những câu thơ của Chính Hữu viết thời chiến tranh: “Trường mới/ Như tâm hồn em/ Lợp toàn ngói đỏ…”.
Ngay từ những năm 1950, khi đất nước mới hoà bình trên miền Bắc, Tố Hữu từng có bài thơ nổi tiếng “Ta đi tới”, trong đó ông cũng không quên nói hộ ước mơ của toàn dân về những ngôi trường: “Các em ơi/ Đã học chưa/ Các anh dựng cho em trường mới nữa/ Chúng nó chẳng còn mong dội lửa/ Trường của em đứng giữa đồi quang/ Tiếng các em thánh thót quanh làng…”. Hồi ấy, ngay cả cái giấc mơ khiêm tốn- trường đứng giữa đồi quang ấy cũng không dễ dàng thực hiện. Bởi sau thời chống Pháp là cuộc kháng chiến chống Mỹ dài 21 năm. Riêng ở Tây Ninh và các tỉnh biên giới Tây Nam còn thêm cuộc chiến đấu chống Pôn Pốt. Và rồi khi đất nước yên hàn, bước vào dựng xây vẫn còn bao nhiêu công trình giao thông, thuỷ lợi, công nghiệp và dân dụng cần cho quốc kế dân sinh. Trường học vẫn phải xếp hàng sau, dù nhiều con đường đã mở ra rộng gấp nhiều lần con đường “tám thước” nhà thơ từng mong ước. Ai ở Tây Ninh hẳn sẽ không quên các phong trào của ngành Giáo dục những năm còn khó khăn. Nào xoá học ba ca, xoá trường lớp tạm bằng nứa, lá, tranh tre… Rồi, Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng lo chỗ học cho con em từ đô thị tới vùng sâu.
![]() |
Trường THCS Trường Hoà, huyện Hoà Thành |
Bỏ qua một quãng dài tới trên dưới 20 năm, quãng mà những ngôi trường trên các phố phường Thị xã đã tương đối khang trang như Trường chuyên Hoàng Lê Kha, Thực nghiệm giáo dục phổ thông, Trần Hưng Đạo, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… Bỏ qua không phải vì nay nó đã trở nên có vẻ cũ kỹ lỗi thời, hoặc chật chội không đủ chuẩn… (Đến ngày nay, các trường này, dù vẫn ở trong cái vỏ cơ sở vật chất cũ kỹ, vẫn luôn là những trường có chất lượng). Thế nhưng những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, dường như mới thật sự là thời điểm đột phá, khởi đầu cho những ngôi trường mới và đẹp trên mọi vùng đô thị, nông thôn ở tỉnh nhà.
Thôi chẳng nói đến khu vực Thị xã, nơi mà gần đây đã xuất hiện các ngôi trường “trong mơ” như Kim Đồng, Trần Phú, Lê Văn Tám… chỉ nói các xã, ấp như xóm Chăm phường I, hoặc ấp Ninh Tân, xã Ninh Sơn cũng có những trường xây lầu cao, ngói đỏ tinh tươm. Chung quanh các dãy phòng học một trệt hai lầu ở Trường Nguyễn Tri Phương (Ninh Thạnh- Thị xã) được phụ huynh học sinh đem trồng những dãy hoa kiểng nở tràn bông vàng, bông tím. Vậy nên dù khối hình nhà có hơi thô, chưa hẳn là đẹp thì cũng đã được “mềm hoá” đi nhờ hoa cỏ bốn mùa. Rồi từ Thị xã, toả theo các con đường về huyện, thế nào ta cũng gặp những ngôi trường phải nói là “tuyệt đẹp”. Như một trường tiểu học ở xã Phan trên đường vào huyện Dương Minh Châu, có chiếc cổng ngói tam quan thật đẹp gây ấn tượng. Như trên đường Nguyễn Văn Linh, qua xã Trường Hoà (Hoà Thành) có một trường Trung học cơ sở, đẹp đến độ người lạ đi qua không thể không dừng xe lại để ngắm nhìn. Các ngôi trường mới hiện nay, rõ ràng có bước đột phá về kiến trúc. Không còn những sự “chặt, cắt, giảm…” của các nhà thẩm định tài chính, luôn muốn cắt bỏ đi những diện tích không gian mà theo họ là “lãng phí” như hành lang, tiền sảnh, mái đua. Cái phòng học cũng phải đạt “chuẩn” cả về kích thước lẫn diện tích các ô cửa đi, cửa sổ hay hướng lấy gió và ánh sáng. Để sao cho mặt bàn viết các em ngồi, vừa đủ chiếu sáng, vừa không bị quá độ ồn cho phép v.v… Những tiêu chí thuộc về kỹ thuật có thể còn ít người quan tâm, nhưng chỉ với bộ mặt kiến trúc của trường thôi, cũng đủ khiến cho người đi qua phơi phới tâm hồn. Như ngôi trường Trường Hoà kia, là những khối nhà quây hình chữ U ôm lấy sân trước rộng thênh thang. Hai dãy hai bên đối xứng nhau có các hành lang rộng thoáng và duyên dáng nhờ những vòm cong thanh nhã. Dãy nhà chính giữa hướng ra cổng cũng một trệt, một lầu nhưng tấm mái khối giữa được nâng cao, tạo ra sức thu hút nhờ kiến trúc hài hoà, phân biệt chính phụ rõ ràng, mực thước. Có vẻ như ngôi trường cũng biết… mình đẹp, nên cổng rào chỉ giản dị với những trụ cổng thẳng thấp và hàng rào sắt thưa thoáng. Để ai đi qua cũng có thể ngắm nhìn.
Hầu như tất cả các ngôi trường mới hiện nay đều được lợp bằng ngói đỏ, thay cho nhiều chục năm trời hết tranh lá rồi phibrô, tôn kẽm. Chất liệu dân gian truyền thống, dẫu đã được “hiện đại hoá” hơn rút cục đã trở lại. Chẳng thế mà các em đang ngồi dưới các mái ngói đỏ au kia bây giờ vẫn hát bài hát mà các thế hệ cha anh đã hát: “Trường em lợp ngói đỏ/ Bên hàng cây xanh xanh/ Ngày ngày vang tiếng hát/ khúc ca yêu hoà bình…”.
NGUYỄN QUANG VĂN