Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trường Hoàng Lê Kha (1962 - 1975): Niềm tự hào của nền giáo dục cách mạng miền Nam
Thứ năm: 10:59 ngày 09/05/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trường Hoàng Lê Kha được thành lập tại Chót Lò Quyên, xã Tà Băng nay là ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Lớp học sinh đầu tiên của trường là các em của Đội Ca vũ phục vụ cách mạng do ông Trương Đình Quang làm đội trưởng.

HTML clipboard

(BTN)- Đầu tháng 7.1960, nhân dân và lực lượng vũ trang Tây Ninh nổi dậy giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh. Đến cuối năm 1960, trên phân nửa đồn bót địch trong tỉnh bị bức hàng, bức rút. Các khu trù mật ở Truông Mít, Giồng Nần, Bổ Túc, Mỏ Công... đều bị quân dân Tây Ninh phá rã. Vùng căn cứ kháng chiến được mở rộng. Những thắng lợi to lớn của quân dân Tây Ninh và quân dân toàn Miền trong cao trào đồng khởi vũ trang năm 1960 đã làm phá sản chiến lược chiến tranh một phía của Mỹ nguỵ, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Trong khí thế thắng lợi ấy, với tầm nhìn chiến lược, Tỉnh uỷ Tây Ninh quyết định thành lập Trường Hoàng Lê Kha.

Trường Hoàng Lê Kha được thành lập tại Chót Lò Quyên, xã Tà Băng nay là ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Lớp học sinh đầu tiên của trường là các em của Đội Ca vũ phục vụ cách mạng do ông Trương Đình Quang làm đội trưởng. Năm 1962, Đội Ca vũ dừng chân ở khu vực Chót Lò Quyên và bắt đầu xây dựng trường với tranh tre, mái lá. Sau khi thành lập Trường, ông Trương Đình Quang trở về tỉnh công tác. Ông Nguyễn Văn Thông (Tư Thông) được điều động làm hiệu trưởng đầu tiên. Ban đầu, Trường được xây dựng với quy mô nhỏ, nhẹ, cơ động, vừa học văn hoá, vừa kháng chiến, kiến quốc. Đây là mô hình giáo dục cách mạng đầu tiên của tỉnh mang tên người anh hùng Hoàng Lê Kha.

Đội văn nghệ Trường nội trú Hoàng Lê Kha trong chiến khu

Đến năm 1964, quy mô Trường được mở rộng, toàn Trường có 70 học sinh nội trú. Học sinh là con em cán bộ đang hoạt động cách mạng và con em đồng bào gửi vào để được cách mạng đào tạo. Lực lượng giáo viên- một số được đào tạo, một số chính là lớp học sinh đi trước dạy lại cho lớp đi sau. Khi địch càn vào đánh phá thì phân tán nhau ra, nhóm nhỏ chăn trâu, bò, nhóm lớn tham gia cùng du kích chống càn. Trường phát triển đến lớp 9 rồi 9+1, 9+2. Ngày 25.9.1965, Bác Hồ, Bác Tôn đã gửi thư chúc mừng, nhắc nhở thầy, cô giáo và học sinh của trường dạy tốt - học tốt, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Mặc dù địch mở nhiều đợt đánh phá, nhưng đến năm 1967 Trường vẫn duy trì hoạt động với lượng học sinh lên đến cả trăm.

Có thể nói Trường Hoàng Lê Kha là một điển hình của việc xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ; giáo dục gắn với đấu tranh cách mạng nhằm không ngừng mở rộng vùng tự do, giải phóng đến đâu mở trường lớp đến đó. Nhà trường luôn thực hiện sáng tạo phương châm “dân bám đất, giáo dục bám dân, giáo viên bám trường lớp, học sinh”, “một em cũng dạy, hai em cũng dạy”. Vừa dạy chữ, nhà trường vừa chú trọng việc hun đúc tinh thần cách mạng, hướng về miền Bắc XHCN cho học sinh. Học sinh của Trường ngay từ đầu đã được Tỉnh uỷ Tây Ninh xác định là những hạt giống đỏ cách mạng. Những năm 1969 - 1971, chiến trường Tây Ninh vô cùng ác liệt, địch phản công mở rộng càn quét quy mô lớn vào vùng giải phóng. Tình trạng “sáng bom, chiều pháo, tối cán gáo soi” diễn ra thường xuyên. Trong điều kiện khó khăn ấy, cán bộ, giáo viên Trường Hoàng Lê Kha lùi sâu vào vùng nông thôn, địa điểm phải thay đổi luôn qua nhiều vùng khác nhau. Lãnh đạo Trường cũng thay đổi. Năm 1965, ông Nguyễn Văn Thông  được điều động về tỉnh công tác và người thay ông làm hiệu trưởng là ông Tám Trúc. Năm 1970, sau khi ông Tám Trúc hy sinh, hiệu trưởng tiếp theo là ông Lê Minh Thành (Năm Thành).

Do chiến trường ác liệt, theo chủ trương của Tỉnh uỷ và Trung ương Cục, Trường Hoàng Lê Kha tiến hành kế hoạch đưa học sinh ra miền Bắc. Sau một thời gian chuẩn bị, chuyến đi đầu tiên được bắt đầu vào năm 1962. Một mặt, nhà trường vẫn giảng dạy bình thường. Mặt khác, tuyển chọn những học sinh ưu tú đưa ra Bắc đào tạo. Đầu tiên là chuyến đi nhỏ, ít người qua nước bạn Campuchia, đi bằng đường hàng không sang Trung Quốc rồi về Hà Nội. Về sau, số lượng học sinh được đưa ra miền Bắc nhiều hơn và được tổ chức đi bằng đường bộ, vượt Trường Sơn. Cuộc hành trình bằng đường bộ cũng là một cách đào tạo, rèn luyện bản lĩnh, hun đúc ý chí cách mạng cho học sinh của Trường.

Để tạo điều kiện cho nhà trường hoạt động lâu dài, làm tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn lực phục vụ cách mạng, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã trực tiếp chỉ đạo các mặt hoạt động của trường. Các cấp uỷ Đảng rất quan tâm tập trung xây dựng trường lớp, vận động con em đi học. Đến cuối năm 1974, Trường nội trú Hoàng Lê Kha đã có 8 lớp với 10 giáo viên và hơn 150 học sinh.

Có thể nói Trường Hoàng Lê Kha trong thời kỳ chống Mỹ là mốc son chói lọi của nền giáo dục cách mạng miền Nam nói chung và của Tây Ninh nói riêng. Sự thành lập Trường là quyết định sáng suốt của Tỉnh uỷ Tây Ninh. Đó là hành động cụ thể tri ân người anh hùng Hoàng Lê Kha và là sự tiếp nối truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất. Những năm 1962 - 1975, ở Tây Ninh tồn tại hai hệ thống giáo dục: giáo dục cách mạng và giáo dục Mỹ - nguỵ. Hai hệ thống này có mục đích và nội dung chương trình khác nhau. Điển hình tiêu biểu cho giáo dục cách mạng chính là Trường Hoàng Lê Kha. Mặc dù bị kẻ thù đàn áp, càn quét, bố ráp nhưng nhà trường vẫn không ngừng lớn mạnh, tác động tích cực đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến mọi tầng lớp nhân dân Tây Ninh và nhân dân toàn miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tây Ninh, sự nghiệp giáo dục cách mạng của tỉnh nói chung và Trường Hoàng Lê Kha nói riêng từ năm 1962 - 1975 đã có nhiều thành tựu đáng kể, để lại kinh nghiệm lịch sử quý báu cùng niềm tự hào cho Đảng bộ và nhân dân Tây Ninh. Nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh đã trưởng thành trong quá trình học tập, rèn luyện dưới mái trường cách mạng này. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, phần lớn những ai học tập, làm việc dưới ngôi trường này đều trở thành công dân tốt, cán bộ cốt cán cho Đảng, Nhà nước ở địa phương và cả Trung ương.

Thạc sĩ Võ Hoàng Khải

UVTVTU, Trưởng BTG, cựu học sinh Trường Hoàng Lê Kha

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục