Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Lợi dụng người bệnh đang ốm đau, lo lắng cho sức khỏe, một phó giám đốc kiêm trưởng khoa lập lờ việc mổ dịch vụ để thu tiền riêng.
Ảnh minh họa: DAD
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều bệnh nhân bị bệnh bướu cổ, trĩ, ruột thừa... khi nhập viện tại khoa ngoại tổng hợp thường được bác sĩ Vũ Hoàng Hà - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Q.Gò Vấp (TP.HCM) kiêm trưởng khoa ngoại tổng hợp của bệnh viện - hỏi có tiền mổ dịch vụ không.
Tùy theo người và tùy bệnh, bác sĩ Hà nói giá mổ dịch vụ của bệnh viện từ 6-11 triệu đồng. Khi bệnh nhân xin mổ bảo hiểm y tế vì không có tiền, bác sĩ Hà ra giá làm “dịch vụ riêng”.
“Có tiền mổ dịch vụ không?”
Bà L.T.B. (Q.Gò Vấp) nhập viện ngày 14-3 vì bệnh trĩ. Là con liệt sĩ nên bà B. được hưởng bảo hiểm y tế 100%. Bà chỉ phải đóng tạm ứng cho bệnh viện 500.000 đồng và có biên lai thu tiền.
Theo bà B., sau ba ngày nằm viện, ngày 16-3 bác sĩ Hà gọi bà vào phòng làm việc và nói sẽ phẫu thuật trĩ treo lên cho bà. Bà nói từng được điều trị bằng cách này nhưng sau đó dây thun bung ra.
Bác sĩ Hà bảo cách đó dở lắm và sẽ làm dịch vụ cho bà với giá 4 triệu đồng. Bà B. đồng ý. Ngày 17-3 bà B. được bác sĩ Hà khâu treo trĩ và cắt da thừa. Sau mổ, bác sĩ Hà nhận 4 triệu đồng của chồng bà B. tại bệnh viện.
Chiều 21-3, bà B. xuất viện. Tổng chi phí bà B. điều trị tại Bệnh viện Q.Gò Vấp hết hơn 5,3 triệu đồng, được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100%.
Sau khi trừ 49.000 đồng tiền siêu âm tim dịch vụ, bệnh viện trả lại bà 451.000 đồng tiền tạm ứng trước đó.
Tương tự, bà P.T.N.S. (Q.Gò Vấp) nhập viện diện bảo hiểm y tế ngày 14-3 để mổ bướu giáp đơn nhân.
Trước khi mổ, bác sĩ Hà gọi bà S. vào phòng hỏi có tiền mổ dịch vụ không. Giá mổ dịch vụ là 9 triệu đồng, cộng thêm tiền dao mổ không đau, không chảy máu 2 triệu là 11 triệu đồng. Bà S. nói không có tiền và xin mổ bảo hiểm.
Bác sĩ Hà nói: “Thôi mổ đi, không có bao nhiêu” và xuống giá còn 5 triệu đồng. Bà S. tiếp tục than thở nhà rất nghèo và để bà bàn với chồng.
Bác sĩ Hà nói: “Thôi, bây giờ tôi nói chắc luôn là 4 triệu, khỏi bàn với ông xã nữa”. Sợ việc phẫu thuật không được tốt nếu không làm theo yêu cầu, vợ chồng bà S. đồng ý. Sau mổ cắt tuyến giáp, ông Hà nhận 4 triệu đồng của chồng bà S. tại bệnh viện.
Theo bà S., khi nhập viện bà đóng tạm ứng 2,5 triệu đồng, có biên lai thu tiền bệnh viện. Chiều 24-3, bà S. xuất viện và được bệnh viện trả lại 1,2 triệu đồng tiền tạm ứng do bà được bảo hiểm y tế thanh toán 80% viện phí.
Đến nhà trả lại tiền
Ngày 4-4, chồng bà S. gọi điện thoại cho bác sĩ Hà trình bày: “Trước khi mổ bác sĩ có gặp vợ tôi tư vấn mổ dịch vụ. Vợ tôi đồng ý mổ dịch vụ theo giá bác sĩ chốt là 4 triệu. Sau đó, tôi gặp bác sĩ gửi 4 triệu. Giờ 4 triệu thu dịch vụ đó bác sĩ giúp tôi ra phiếu thu để thanh toán bảo hiểm của một công ty tư nhân không?”.
Bác sĩ Hà trả lời: “Cái này là tại anh không nói từ đầu. Chứ dịch vụ của bệnh viện nó lên đến 11 triệu đồng. Lúc tôi làm anh phải nói thì mới có chứng từ”.
Sau đó, chồng bà S. và bác sĩ Hà đối đáp: “Vậy 4 triệu này không có chứng từ được sao bác sĩ?” - “Cái này thì tôi nói rồi, để giảm chi phí cho gia đình anh thì tôi cũng lo dịch vụ đó để chi phí cho anh em nên không có hóa đơn”. “Có cách nào giúp cho có hóa đơn không bác sĩ?” - “Nếu anh khó khăn quá thì thôi, tôi sẽ bớt lại cho anh chứ lúc đầu tôi đã nói rồi dịch vụ của bệnh viện tới 11 triệu...”.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi PV đến làm việc (ngày 5-4) với giám đốc Bệnh viện Gò Vấp và bác sĩ Hà, bác sĩ Hà đã liên tục gọi điện thoại cho một số bệnh nhân và thân nhân để “đến nhà thăm bệnh”.
18h30 ngày 7-4, bác sĩ Hà đến nhà bà S.. Sau khi hỏi thăm sức khỏe bà S., bác sĩ Hà nói: “Rất tiếc tôi không gặp được anh (chồng bà S. - PV) nói chuyện để anh thông cảm hơn. Bây giờ có nhà báo nó vô kiếm chuyện. Bây giờ nó làm tôi mất tinh thần, không làm việc được. Chị nói anh thông cảm nhé. Còn cái chuyện hôm trước anh bồi dưỡng tôi gửi lại nhé”.
Nói xong bác sĩ Hà đưa phong bì 4 triệu đồng cho bà S., bà S. từ chối: “Không, hôm trước bác sĩ nói là tiền dịch vụ mà”. Ông Hà nói: “Bây giờ nhà báo vô nó kiếm chuyện. Chị cất lại giùm”. Rồi ông Hà bỏ lại 4 triệu đồng ở nhà bà S. và đi về.
Chiều 5-4, chúng tôi làm việc với bác sĩ Phạm Hữu Quốc, giám đốc Bệnh viện Gò Vấp, và bác sĩ Hà. Ông Hà khẳng định việc bệnh nhân mổ dịch vụ là tự nguyện, có ký cam kết và đóng tiền ở bộ phận thu viện phí.
Về việc thu tiền dịch vụ riêng của bệnh nhân và không có biên lai, ông Hà nói: “Cái đó là khi khỏi bệnh xuất viện, bệnh nhân tự nguyện bồi dưỡng.
Tôi nói bệnh nhân có khả năng mổ dịch vụ được thì đóng theo khung giá của bệnh viện, còn chuyện bồi dưỡng là bệnh nhân tự nguyện sau khi xuất viện chứ không nói đó là tiền mổ dịch vụ”.
Ông Hà thừa nhận: “Có người bồi dưỡng 1 triệu, 2 triệu, có người 500.000. Bệnh nhân không có tôi vẫn làm bình thường. Có người họ đưa 200.000 tôi không lấy vì thấy họ khổ quá. Bệnh nhân khỏi bệnh đưa tôi thì tôi nhận chứ chưa bao giờ nhận trước khi mổ”.
Sau buổi làm việc này, ông Hà gọi điện thoại cho PV “xin rút kinh nghiệm”. Ông Hà thừa nhận trong tháng 3-2017 đã lấy tiền của 6-7 bệnh nhân.
Đình chỉ phẫu thuật
Bác sĩ Phạm Hữu Quốc, giám đốc Bệnh viện Gò Vấp, nói ông rất bất ngờ vì không thể tin một phó giám đốc bệnh viện lại làm như vậy.
“Việc làm của bác sĩ Hà về y đức là không thể chấp nhận, làm ảnh hưởng đến công sức của cả tập thể đang nỗ lực phục vụ bệnh nhân. Đây là việc làm sai quy định, trái quy trình của cá nhân bác sĩ Hà” - ông Quốc nói.
Ông Quốc khẳng định Bệnh viện Gò Vấp không quá tải phẫu thuật nhưng muốn mổ dịch vụ, bệnh nhân phải ký cam kết mổ dịch vụ.
Giá phẫu thuật được cài sẵn trong phần mềm máy tính. Sau đó bệnh nhân đi đóng tiền cho bộ phận kế toán và có hóa đơn thu tiền. Nếu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được trừ hết các khoản bảo hiểm thanh toán và chỉ đóng phần chênh lệch còn lại.
Bệnh viện đã nghiêm cấm ngay từ đầu, khi họp giao ban cũng thường xuyên nhắc nhở không một cá nhân nào được cầm một cắc của bệnh nhân, ngoài kế toán và có biên lai.
Ngày 7-4, ông Quốc cho biết thêm đã yêu cầu bác sĩ Hà viết giải trình. Tạm thời bệnh viện đình chỉ không cho ông Hà phẫu thuật và ký duyệt mổ.
Nguồn TTO