Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
Năm học 2016-2017:
Trường lớp trong tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân
30/08/2017 - 04:55

(BTN) - Nhận định chung, lãnh đạo Sở cho rằng, năm học 2016 -2017, trường lớp trong tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, phát triển lớp học 2 buổi/ngày, mở rộng trường mầm non ở mọi địa bàn dân cư.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc cho ngành Giáo dục Tây Ninh.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 diễn ra vào chiều ngày 28.8, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, những năm gần đây, mạng lưới trường lớp được chính quyền địa phương quan tâm mở rộng. Cơ sở vật chất của ngành Giáo dục được đầu tư xây dựng mới khang trang, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học trên địa bàn tỉnh. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, đội ngũ những người làm công tác quản lý cũng được nâng lên cả số lượng lẫn chất lượng.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu gửi trẻ vào các trường mầm non càng lớn, không chỉ riêng ở các khu kinh tế, khu công nghiệp mà còn ở các vùng nông thôn.

Thực tế hiện nay, số lượng trường mầm non trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân; các trường chưa tổ chức nhận trẻ dưới 24 tháng tuổi. Vì thế, số lượng học sinh trên lớp tại các trường mầm non, mẫu giáo công lập luôn đông hơn so với quy định. Tỷ lệ trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ra lớp còn thấp so với mục tiêu. Một số lượng khá lớn trẻ em ở các vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn chưa có điều kiện ra lớp.

Về công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, ngành Giáo dục chú trọng đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp với đặc điểm của học sinh phổ thông và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các đơn vị rà soát lại toàn bộ chương trình dạy nghề phổ thông để chọn lựa, bổ sung các chương trình phù hợp với yêu cầu, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy học của nhà trường. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông tại các trường trung học, khuyến khích việc dạy nghề truyền thống của địa phương, đa dạng các hình thức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác phân luồng chưa như mong muốn. Nguyên nhân là do hệ thống trường nghề, trường trung cấp ở tỉnh hiện chưa hấp dẫn người học, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng để học sinh lựa chọn. Các trường nghề chưa thực sự liên kết với trường phổ thông để giới thiệu về chương trình đào tạo, cơ hội tham gia thị trường lao động.

Đối với việc dạy ngoại ngữ, thực hiện Quyết định số 2390/QĐ-UBND ngày 26.11.2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012-2020”, Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục mở rộng dạy học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5 ở những nơi có điều kiện. Đối với cấp THCS, THPT, trong năm học 2016-2017, Sở tiếp tục triển khai thí điểm dạy học tiếng Anh theo chương trình mới ở 22 trường THCS, 16 trường THPT.

Toàn tỉnh hiện có 88 giáo viên tiếng Anh cấp THPT đạt chuẩn bậc 5 và 312 giáo viên tiếng Anh cấp THCS đạt chuẩn bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Riêng cấp tiểu học có 181 giáo viên đạt chuẩn trình độ bậc 4 và 47 giáo viên đạt chuẩn trình độ bậc 3.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị được cung cấp. Các trường được trang bị các phòng chức năng đều có phân công giáo viên giảng dạy hoặc nhân viên phụ trách. Hầu hết các trường tiểu học đều trang bị tủ thiết bị dạy học tại các phòng học để giáo viên tiện sử dụng trong giờ lên lớp. Trường THCS, THPT đều được kết nối internet, có các phòng tin học.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo về chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch hội nhập quốc tế và chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với Sở Ngoại vụ xây dựng kế hoạch tham dự lễ hội văn hoá Gaya lần thứ 41 và hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục đào tạo tại thành phố Gimhae, tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc.

Đồng thời, chỉ đạo các trường học nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình giáo dục tiên tiến, chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá học sinh của các nước ở bậc học phổ thông trong địa bàn tỉnh. Trường cao đẳng Sư phạm và các trường THPT trong tỉnh thực hiện thủ tục hợp tác với Đại học Fulbright, đón các tình nguyện viên về hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh cho học sinh và nâng cao trình độ giao tiếp tiếng Anh cho giáo viên.

Năm học 2016 - 2017, toàn ngành huy động nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho giáo dục được hơn 25 tỷ đồng. Xã hội hoá giáo dục thực sự mang lại nhiều tác động tích cực đối với môi trường giáo dục, giảm nhẹ gánh nặng ngân sách Nhà nước. Toàn tỉnh hiện có 14 trường tư thục mầm non và 1 trường dân lập nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).

Năm học qua, ngành Giáo dục cũng đã triển khai lắp đặt 22 hồ bơi ở 11 điểm trường THCS và tiểu học, tổng giá trị thực hiện theo kế hoạch 3,3 tỷ đồng. Năm 2017, tiếp tục lắp đặt 12 hồ bơi đã được duyệt. Tiếp tục thực hiện đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch trung hạn và xây dựng nông thôn mới, đến nay đã công nhận được 155 trường đạt chuẩn quốc gia.

Về đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2020, tổng kinh phí thực hiện cả giai đoạn là hơn 330 tỷ đồng. Đối với đề án hỗ trợ giáo dục mầm non tại các vùng nông thôn, tổng kinh phí đã được phê duyệt gần 130 tỷ đồng. Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020 cũng đã được thông qua.

Nhận định chung, lãnh đạo Sở cho rằng, năm học 2016 -2017, trường lớp trong tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, phát triển lớp học 2 buổi/ngày, mở rộng trường mầm non ở mọi địa bàn dân cư. Năm học này, Tây Ninh đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

Về mặt hạn chế, theo lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, vẫn còn 3 vấn đề tồn tại: tỷ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi ra lớp còn thấp so với khu vực và cả nước; các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư cho giáo dục và trường ngoài công lập còn ít; kết quả phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vẫn chưa đạt được như mong muốn, tỷ lệ học sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề rất ít và có xu hướng giảm.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan