Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trường mầm non 1.6: Nâng cao chất lượng giáo dục trẻ theo hướng tiếp cận thực hiện quyền trẻ em
Thứ năm: 20:03 ngày 26/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nâng cao chất lượng giáo dục trẻ theo hướng tiếp cận thực hiện quyền trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trường mầm non 1.6 (TP. Tây Ninh) áp dụng trong thời gian qua, hướng đến phát triển toàn diện, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền tảng cho việc học tập, rèn luyện ở các cấp học tiếp theo.

Bà Lưu Thị Thu–Phó trưởng phòng GD&ĐT TP. Tây Ninh phát biểu trong một chương trình chuyên đề kỹ năng sống tại trường Mầm non 1.6

Ban Giám hiệu nhà trường xác định tính cần thiết thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo và coi đây là chuyên đề trọng tâm gắn với chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm; lựa chọn nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp với tình hình thực tế và nhận thức của trẻ ở từng khối lớp.

Việc giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép trong các hoạt động nhằm hình thành cho trẻ các thói quen, các hành vi quy tắc ứng xử xã hội. Thông qua các hoạt động, trẻ được trải nghiệm, khám phá, tương tác với cô, với bạn, từ đó giúp cho trẻ mạnh dạn hơn, tự tin hơn.

Giáo viên rèn cho trẻ biết xếp hàng, chờ đến lượt, biết nghe các hiệu lệnh của cô, trong khi tập không chen lấn xô đẩy nhau; biết tự lấy đồ dùng, dụng cụ học tập, cố gắng hoàn thành công việc được giao.

Trẻ được khám phá, tìm hiểu về thế giới xung quanh, từ đó lĩnh hội được nhiều kiến thức mới, giúp trẻ nhận biết và thể hiện cảm xúc, tình cảm với mọi người và sự vật, hiện tượng xung quanh. Thông qua các trò chơi trong hoạt động khám phá, giáo viên giáo dục cho trẻ kỹ năng hợp tác, chia sẻ với bạn, thể hiện sự tự tin, tự lực khi tham gia trò chơi.

Thông qua các trò chơi đóng vai, trẻ được thể hiện các vai trong cuộc sống như:  bán hàng, làm bác sĩ, cô giáo… trẻ được hòa nhập vào xã hội thu nhỏ, biết mình thể hiện vai gì, có những ứng xử và hành động phù hợp với vai đó.

Đinh Thị Thu HoàiHiệu trưởng Trường Mầm non 1.6 (TP. Tây Ninh) phát biểu ý kiến trong một chương trình chuyên đề kỹ năng sống được tổ chức  tại trường.

Thông qua hoạt động vui chơi ngoài trời, giáo viên tận dụng các cơ hội để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ yêu thiên nhiên, không vứt rác nơi công cộng, không ngắt lá, bẻ cành trên sân trường cũng như ở các khu vui chơi.

Giáo dục cho trẻ kỹ năng tự ý thức về bản thân, hành vi quy tắc ứng xử xã hội và quan tâm đến môi trường như: biết chào cô, chào bạn, chào ba mẹ khi đến lớp và khi về, biết giúp đỡ cô giáo những công việc vừa sức, biết bỏ rác đúng nơi quy định…

Trẻ có kỹ năng tự phục vụ bằng cách tập cho trẻ những việc vừa sức như: sắp xếp bàn ăn, xếp ghế, lau bàn, tự thay quần áo, biết tự rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, biết cách sử dụng những đồ dùng, vật dụng trong ăn uống một cách đúng đắn, ăn uống gọn gàng, không rơi vãi, nhai nhỏ nhẹ không gây tiếng ồn, biết tự dọn, cất đồ đúng chỗ, biết phụ giúp cô dọn dẹp, ngồi ngay ngắn…

Trẻ được rèn luyện thói quen ngủ đúng giờ, biết tự lấy gối, chăn mền và đến đúng vị trí chỗ ngủ của mình. Trong khi ngủ không nói chuyện và kết thúc giờ ngủ giáo viên rèn cho trẻ có ý thức trong việc phụ giúp cô cất gối, mền, đồ dùng cá nhân đúng nơi quy định…

Trong một tiết hoạt động của các bé lớp Chồi Trường mầm Non 1.6.

Nhằm kích thích sự hứng thú trong các hoạt động ở trẻ, trường, lớp được trang trí trong và ngoài lớp sạch sẽ, sáng tạo và có sự đổi mới thường xuyên, nội dung các bài tập mở, phong phú và phù hợp từng chủ đề.

Nhà trường bố trí, sắp xếp các khu vực chơi như: khu vui chơi dân gian, vườn thú mi ni, khu chơi vận động tinh, khu chơi với các âm thanh vui nhộn, khu chơi cát nước… với các đồ dùng, đồ chơi quen thuộc, gần gũi để trẻ dễ dàng tiếp cận cũng như cùng nhau học hỏi, khám phá, trải nghiệm.

Bé trong giờ hoạt động gốc.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn quan tâm, chú ý việc tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Đề nghị phụ huynh dành nhiều thời gian trò chuyện với con để hiểu con đang muốn gì, đang cần gì từ đó phát triển kỹ năng giao tiếp, ứng xử ở trẻ. Kịp thời thông tin đến gia đình về những tiến bộ hoặc những khó khăn của trẻ.

Có biện pháp khuyến khích sự chia sẻ của gia đình về đặc điểm tâm lý của trẻ để thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ. Thường xuyên chia sẻ thông tin với gia đình về sự phát triển của trẻ.

H.T

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục