Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Dịch bệnh Covid-19 khiến các hoạt động giáo dục phải tạm ngừng trong một thời gian dài, không chỉ ảnh hưởng đến chuyên môn mà còn khiến nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn về tài chính.
Ông Võ Hiền Phương, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Tân Bách Khoa (một cơ sở giáo dục ngoài công lập) cho biết, chấp hành các quy định của Nhà nước, nhà trường tạm dừng các hoạt động giảng dạy. Trong thời gian nghỉ, giáo viên, nhân viên của trường vẫn làm việc theo phân công hoặc trực trường theo quy định.
Trường ngoài công lập phải hạch toán thu chi, không được ngân sách bao cấp nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động. Tuy vậy, Phó Hiệu trưởng Võ Hiền Phương cho biết, tinh thần chung là nhà trường vẫn chi trả chế độ đối với người lao động, dù có thể bị chậm trễ.
Khi được hỏi hết tháng 2.2020 có nên cho học sinh, học viên, sinh viên đi học trở lại không, ông Phương cho biết, hiện tại, Chính phủ đang cân nhắc các phương án, bởi đây là việc rất quan trọng. “Học sinh trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, người học đã lớn, ý thức tự phòng bệnh cao, có thể cho đi học trở lại. Riêng các cấp bậc, học thấp hơn, chúng ta phải chờ các cơ quan có thẩm quyền quyết định”- ông Phương nêu.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Gò Dầu thông tin, theo quy định chung, các trường học cả trong và ngoài công lập, kể cả nhóm trẻ nhỏ lẻ đang ngừng hoạt động. Cơ quan có tổ chức đi kiểm tra, kết quả không cơ sở giáo dục nào tổ chức dạy và học trong thời gian qua, kể cả nhóm trẻ.
Đại diện cơ quan này cho biết, một số chủ cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp khó khăn về tài chính, vì không tổ chức dạy học thì đương nhiên không có nguồn thu. Trong khi đó, một lãnh đạo khác nhìn nhận, nếu cuối tháng này cho học sinh đi học trở lại thì ở bậc học mầm non, số phụ huynh đồng ý cho con đi học có thể chưa được 100%.
“Nghỉ học dài ngày có nhiều xáo trộn, trong đó ở bậc học mầm non, nhiều công nhân phải thuê riêng người giữ con để đi làm. Có trường hợp, một hai người bạn cùng thuê một người trông trẻ để giảm chi phí. Còn các nhóm trẻ được cấp phép hoạt động vẫn đang tạm thời ngừng hoạt động”- vị lãnh đạo thông tin.
Tại huyện Dương Minh Châu, một lãnh đạo cho biết, không nắm thông tin về việc chi trả chế độ đối với người lao động trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Bởi vì, việc đó do cơ sở, tuỳ từng cơ sở giáo dục quyết định, họ không sử dụng ngân sách Nhà nước nên đó là chuyện riêng.
“Thông tin tôi nắm được thì các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn huyện đã ngưng trả lương đối với giáo viên, nhân viên”- một lãnh đạo giáo dục của huyện Bến Cầu cho biết. Cũng theo người này, việc chủ cơ sở ngừng trả lương đối với giáo viên, nhân viên là bình thường, vì trong hợp đồng đã ghi rõ, làm ngày nào hưởng ngày đó, không làm không hưởng.
Ngoài ra, không có giáo viên, nhân viên nào trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bỏ việc, họ chấp nhận điều đó, vì các cơ sở giáo dục mầm non này trả tiền công lao động cao hơn nhiều so với trường công lập. Về chi phí thuê mặt bằng, phần lớn cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được xây trên đất của gia đình, quy mô trường lớp, nhóm trẻ nhỏ nên ít trường hợp phải thuê mặt bằng.
Ông Hồ Duy Xuyên, chủ một số trường mầm non và giáo dục chuyên nghiệp ngoài công lập ở huyện Gò Dầu không giấu được sự lo lắng. Theo ông Xuyên, kể từ khi trường ngưng hoạt động vì dịch bệnh đến nay, hội đồng quản trị quyết định vẫn trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động đầy đủ.
“Chúng tôi thực sự đã cố gắng hết sức để bảo đảm đời sống, thu nhập cho cán bộ, giáo viên trong thời gian trường không hoạt động, song thực lòng mà nói, tình hình cũng đang rất khó khăn. Chi phí thuê mặt bằng, tiền lương, tiền đóng bảo hiểm các loại đều phải thực hiện trong khi không có nguồn thu, vì học sinh đang nghỉ”- ông Hồ Duy Xuyên cho biết.
Ông Xuyên thông tin thêm, mặc dù các cơ sở mầm non ngoài công lập khác không thực hiện chi trả chế độ đối với người lao động nhưng hệ thống trường của ông vẫn chi trả bình thường để giữ chân người lao động, nhất là những giáo viên có tâm huyết, trình độ. Tóm lại, trong thời gian nghỉ, thu nhập của giáo viên vẫn bảo đảm và họ vẫn phải vô trực trường.
Trước khó khăn mà cơ sở đang phải gồng mình vượt qua, ông Xuyên kiến nghị, các cấp có thẩm quyền, cơ quan quản lý Nhà nước có thể xem xét cho hệ thống trường mầm non ngoài công lập tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Điều này nhằm giảm nguồn chi tạm thời, có như vậy cơ sở mới lo được tiền lương cho giáo viên (dù họ đang nghỉ dạy).
Về việc cho học sinh nghỉ học dài ngày, đối với bậc học mầm non, ông Xuyên cho rằng, điều này không phải không có cơ sở, vì bây giờ cho hoạt động trở lại, chưa chắc phụ huynh đã dám gửi con tới trường. Tuy vậy, nếu tiếp tục phải nghỉ thêm, không loại trừ một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa thật sự vì không có nguồn thu để chi trả tiền thuê mặt bằng.
VIỆT ĐÔNG