Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trường TH Bưng Bàng: Bao giờ có nhà công vụ?

Cập nhật ngày: 31/12/2010 - 10:56

Hàng chục năm qua, giáo viên Trường TH Bưng Bàng (ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) không có chỗ ở. Các thầy cô giáo này phải ăn nhờ ở đậu trong những căn chòi giữ vườn cao su hoặc ở nhờ nhà người dân theo kiểu rày đây mai đó. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Châu đã từng hứa sẽ xây dựng nhà công vụ cho giáo viên của trường vào tháng 12.2010. Nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi.

Cô Đặng Thị Mỹ Lệ, 31 tuổi, ở xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), đến Trường TH Bưng Bàng dạy học từ năm học 2009 đến nay. Năm đầu tiên lên dạy học, vợ chồng cô và một đứa con nhỏ phải ở nhờ nhà một người dân trong xã. Từ tháng 3.2010 đến nay, gia đình cô xin vào ở trong một căn chòi tạm bợ của một chủ vườn cao su. Căn nhà lợp tôn, vách đất, có điện sinh hoạt, có giếng nước, nhưng khá chật vì trong nhà chứa đầy phân tro, dụng cụ làm vườn. Hằng ngày, cô Lệ lên lớp, chồng của cô ở nhà làm nghề bơm hơi, vá ép, và trông con. Cô Lệ bày tỏ: “Chúng tôi lo lắm vì không biết lúc nào chủ vườn cao su kêu dời đi nơi khác”.

Đã vậy, từ đầu năm 2010 đến nay, vợ chồng cô Lệ còn phải cho thêm một giáo viên cùng trường là cô Nguyễn Thị Mai Hưng, 25 tuổi, vào “ở ké”. Cô Hưng, nhà ở xã Long Thành Bắc (huyện Hoà Thành) công tác ở Trường TH Bưng Bàng từ năm 2007 đến nay. Những năm qua, cô Hưng ở nhờ trong chòi giữ vườn cao su khác. Cô mới lập gia đình được 4 tháng nay. Một lần chồng cô lên thăm, thấy cô ở một mình trong căn chòi ọp ẹp nằm sâu trong lô cao su vắng vẻ nên lo sợ, đành xin cho cô Hưng qua ở chung với vợ chồng cô Lệ. Cô Hưng, chỉ cho chúng tôi xem hai cái bàn học sinh của trường cho mượn dùng để soạn giáo án và ngại ngùng kể: “Trước nay, em ngủ trên cái bàn đó. Cô Lệ mới mua được cái giường khác, để ngoài mái hiên, vợ chồng cô Lệ dọn ra ngoài đó ngủ, nhường phòng này lại cho em”.       

Vợ chồng thầy Lê Anh Quyền cũng sống trong hoàn cảnh khó khăn tương tự. Thầy Quyền, 27 tuổi, nhà ở xã Tân Hưng (huyện Tân Châu), đến Bưng Bàng dạy học được 3 năm. Thời gian qua, thầy giáo trẻ này sống nhờ trong căn chòi trống hoác của chủ vườn cao su. Thầy Quyền vừa cưới vợ là nhân viên văn phòng cùng trường. Hai vợ chồng son này phải mua bạt ni lông về che chắn lại làm “loan phòng” cho mình. Trong nhà chỉ có một cái bàn nhỏ và 3 cái ghế mủ. Khi chúng tôi đến thăm, chỉ có 3 người được ngồi ghế, còn 1 người và vợ chồng thầy Quyền phải… đứng. Thầy Quyền không yên tâm: “Sắp tới, khi cao su bắt đầu thu hoạch, chủ vườn sẽ đến đây ở, lúc đó vợ chồng tôi chưa biết sẽ dọn đi đâu?”.

Vợ chồng thầy Quyền trong căn nhà trống trước hở sau

Hai năm qua, thầy Nguyễn Văn Tuyền (31 tuổi, nhà ở xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành) cũng ở trọ trong một căn nhà bỏ không của người dân địa phương. Nhưng do nhà thường xuyên bị loài bọ cánh cứng (thường gọi là con đậu đen) tràn vào, nên thầy Tuyền mới xin chuyển vào ở nhờ trong Văn phòng ấp Suối Bà Chiêm. Văn phòng ấp không có nước sinh hoạt, không có cửa sổ nên rất nóng và bất tiện trong sinh hoạt. Thầy Tuyền tâm sự: “Mỗi lần ấp họp, tôi phải ra ngoài, đi lang thang. Hằng ngày phải qua trường xách nước về tắm, nấu ăn. Trưa thì nóng bức khó có thể ngủ được, nhiều khi phải ra ngoài vườn cây giăng võng nghỉ”.

Hiệu trưởng Trường TH Bưng Bàng Nguyễn Thanh Lý cho biết: Trường hiện có 15 cán bộ, nhân viên, giáo viên, trong đó chỉ có 3 người có gia đình, tạm ổn định chỗ ở, số còn lại đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2008, có 4 giáo viên tự hùn tiền mỗi người gần 3 triệu đồng để cất hai phòng tập thể phía sau trường để ở. Một giáo viên khác phải vay tiền của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín 50 triệu đồng dùng để cất nhà ở và làm vốn buôn bán tạp hoá cho học sinh của trường. Thầy Lý cũng cho biết thêm: “Thầy hiệu trưởng nhiệm kỳ trước đã đề xuất lên cấp trên xin cất nhà công vụ cho giáo viên nhưng đến nay vẫn chưa có. Tôi mới về đảm nhận vai trò hiệu trưởng được gần 2 tháng, cũng đã đề xuất lên Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện và UBND xã xin cất nhà công vụ cho giáo viên, nhưng đến nay cũng chưa thấy động tĩnh gì. Không có chỗ ở đàng hoàng, giáo viên của trường không yên tâm công tác”.

Ngoài ra, Trường TH Bưng Bàng không có hàng rào, cổng rào nên thường xuyên bị kẻ xấu vào phá hoại. Thầy Lý chỉ cho chúng tôi xem cái lưới bóng chuyền của trường bị cắt te tua và kể: “Nhà trường đầu tư một sân bóng chuyền để giáo viên tập luyện, nhưng có hôm trong giờ học có nhiều thanh niên trong xóm rủ nhau đến đánh bóng. Để họ chơi thì ồn ào, không giảng dạy được. Nếu la rầy thì họ quay sang phá phách, lén dùng dao cắt lưới và lấy đất, đá chọi lên nóc trường”. Một nỗi khổ khác, Trường TH Bưng Bàng nằm cạnh con đường đất đỏ dẫn vào xóm dân cư và Trường THCS Bưng Bàng. Bao năm nay, con đường này bị xuống cấp, hễ mưa xuống là bị lầy lội gây khó khăn trong việc đi lại. Thế là những người tham gia giao thông cứ đi tắt ngang sân Trường TH Bưng Bàng. “Mỗi lần có xe chạy trong sân trường là học sinh cứ nhìn ra ngoài, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”, Thầy Lý nói.

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn của Trường TH Bưng Bàng, Phó trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tân Châu Nguyễn Việt Quang khẳng định: “Chúng tôi đã có kế hoạch xây nhà công vụ cho giáo viên Trường TH Bưng Bàng với 5 phòng ở cấp 4, mỗi phòng có bếp nấu ăn, nhà vệ sinh và mỗi phòng có thể ở được 2 người. Nếu không có gì thay đổi tháng 12 năm nay sẽ khởi công xây dựng. Nếu bức bách quá, chúng tôi có thể điều giáo viên Trường TH Bưng Bàng sang ở nhờ bên nhà công vụ của Trường THCS Bưng Bàng. Còn về vấn đề xây tường rào, cổng rào cho trường thì đến nay chưa có kế hoạch”.

Hôm nay, ngày 30.12.2010, chúng tôi liên lạc qua điện thoại với thầy Nguyễn Thanh Lý, Hiệu Trưởng Trường TH Bưng Bàng thì được biết: “Vẫn chưa thấy xây dựng nhà công vụ cho giáo viên”. Không biết các giáo viên của trường vùng sâu này phải chờ đến bao giờ mới có được chỗ ở đàng hoàng như bao thầy cô khác?  

Trương Dương