Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trường TH dân tộc nội trú Tây Ninh: Thân thiện để hoà nhập

Cập nhật ngày: 09/11/2011 - 11:46

Đội nghi thức Trường trung học Dân tộc nội trú Tây Ninh

Chưa đầy 2 tháng từ khi nhập học, gần 600 học sinh của Trường trung học Dân tộc nội trú Tây Ninh (TH DTNT) đã dần thích nghi với môi trường sống và học tập mới.

Thị Sa Phi- học sinh lớp 6A1, người dân tộc Chăm vui vẻ cho biết cảm nghĩ: “Giáo viên ở đây dạy dễ hiểu và rất quan tâm học sinh. Cán bộ, nhân viên nhà trường đều ân cần, chu đáo. Đặc biệt là bữa ăn luôn thay đổi hằng ngày nên không gây ngán”. Với Nguyễn Thái Hào Quang (người dân tộc Mường) thì: “Môi trường sống ở đây rất tốt. Không những em được tập cách sống tự lập mà còn được giao lưu kết bạn với nhiều bạn dân tộc khác. Cùng chơi, cùng học với các bạn đã giúp em thoát khỏi cảm giác rụt rè, e ngại khi mới vào trường”. So với lúc mới vào, các em học sinh của Trường TH DTNT nay đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp với bạn bè. Xa nhà, xa cha mẹ để đến ở nội trú tại trường là một thử thách thật sự đối với các em học sinh người dân tộc thiểu số, nhất là các em khối lớp 6, 7. Các em còn quá nhỏ để có thể học cách tự chăm lo cho bản thân mình.

Ngay từ khi tiếp nhận học sinh, nhà trường đã chú trọng việc giáo dục kỹ năng sống cho các em. Ngoài việc hướng dẫn cho các em cách ăn uống, vệ sinh cá nhân, cách sử dụng các máy móc, vật dụng cần thiết, nhà trường còn quan tâm giáo dục các em tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ… Hiện tại, trường có tổng số 595 học sinh thuộc 11 dân tộc khác nhau. Nhiều nhất là học sinh người Chăm và Khmer. Cách tổ chức sinh hoạt tập thể còn có nhiều trở ngại vì tập quán sinh hoạt của mỗi dân tộc khác nhau. Một trong những trở ngại đó là việc tổ chức bữa ăn sao cho phù hợp. Các em học sinh dân tộc Chăm theo đạo Hồi không ăn thịt heo, và với các em thì các dụng cụ đã nấu thịt heo dù có rửa sạch vẫn không được sử dụng để nấu các món khác. Vì thế nhà trường đã đề ra giải pháp bằng cách phân chia thành 2 khu ăn riêng biệt. Một khu dành riêng cho các học sinh theo đạo Hồi và một khu dành cho các em khác. Ngoài ra, nhà trường còn phải tính toán trong việc sắp xếp chỗ ở trong ký túc xá. Mỗi phòng ở có 8 học sinh thì phải có 8 dân tộc khác nhau cùng ở chung. Việc sắp xếp như vậy nhằm tạo không khí hoà đồng giữa các em, tránh gây tình trạng tự cách ly mình theo nhóm dân tộc. Công tác Đoàn, Đội của trường đang từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Ngoài giờ học, học sinh có thể sinh hoạt tập thể cùng nhau… Trong dịp Tết Trung thu vừa rồi, nhà trường cũng đã tổ chức cho các em vui chơi thoải mái.

Học sinh trong giờ ăn chiều

Một mặt tạo không khí hoà nhập giữa học sinh với nhau, một mặt nhà trường vẫn không quên tạo điều kiện để các em duy trì được bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Trong những dịp lễ hội truyền thống dân tộc, học sinh được cho về nhà để dự lễ cùng gia đình. Điều này ít nhiều có gây khó khăn, trở ngại cho công tác giảng dạy, bồi dưỡng khi các em trở lại trường. Tại đại hội phụ huynh học sinh sắp tới, nhà trường dự định sẽ bàn bạc với các vị phụ huynh học sinh để tìm giải pháp ổn thoả cho vấn đề này. Cũng trong thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức buổi tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản và giới tính vị thành niên cho học sinh nhằm nâng cao kiến thức của các em về tâm sinh lý tuổi mới lớn.

 ThuỲ Dương