Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Anh hùng Lê Chiến Thắng:
Trưởng thành từ Chiến thắng Tua Hai
Chủ nhật: 23:36 ngày 05/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong trận đánh Căn cứ Tua Hai năm 1960 (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành), có một thanh niên được phân công vác súng đạn. Sau này, anh trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với những chiến công làm bạt vía kẻ thù. Đó là ông Lê Chiến Thắng, 83 tuổi, ngụ ấp Phước Lập, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.

Anh hùng LLVTND Lê Chiến Thắng nuôi rắn long thừa tăng gia sản xuất (ảnh chụp năm 2012).

Đến thăm ông Lê Chiến Thắng vào một ngày cuối năm 2019, thấy ông đang uống tách trà, vừa xem ti vi, vừa trông chừng đứa cháu nhỏ chơi đùa bên cạnh. Ông Thắng bảo, vừa trở về từ bệnh viện sau một thời gian điều trị bệnh tim và tiểu đường. So với 8 năm trước, sức khoẻ của ông có phần giảm sút, nhưng tinh thần lạc quan yêu đời vẫn thể hiện rõ qua những câu chuyện về một thời chiến đấu hào hùng.

Nhớ lại hơn 60 năm về trước, cựu chiến binh Lê Chiến Thắng kể, quê ông ở tỉnh Bến Tre, nhà nghèo, khi còn trẻ, ông đi ở đợ và chăn vịt cho chủ. Quanh năm ở ngoài đồng nên ông có điều kiện quen biết với một số cán bộ cách mạng nằm vùng. Từ đó, ông cũng thường xuyên thám thính tình hình quân địch rồi thông tin cho các anh, các chú biết. Sau này, ông "thoát ly" luôn.

Năm 1959, Mỹ - Diệm ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, lê máy chém đi khắp nơi, khủng bố đồng bào, thành lập nhà tù, trại giam, trại tập trung trên khắp miền Nam để giam giữ những người bị tình nghi ủng hộ Việt Minh, những người kháng chiến cũ. Trước tình hình đó, Chi bộ Đảng - nơi ông Thắng tham gia quyết định đưa những thanh niên nhiệt huyết với cách mạng về Căn cứ Bắc Tây Ninh để tiếp tục hoạt động. “Ban đầu, Chi bộ chọn 5 người đưa về căn cứ. Sau đó, gạn lại, chỉ còn tôi và một thanh niên khác được đi” - ông Thắng nhớ lại.

Khi đến đây, ông Thắng được phân công làm “vệ binh”, ngày ngày ngồi trong cái tum ở bìa rừng, bảo vệ Căn cứ. Thời điểm đó cũng là lúc chuẩn bị cho trận đánh Tua Hai, ông được lãnh đạo Căn cứ điều động tham gia với tư cách là dân công, vác lương, tải đạn. “Đơn vị của tôi có khoảng 100 người đi vác súng đạn. Khi đánh thành Nguyễn Thái Học (Căn cứ Tua Hai), quân ta lấy nhiều súng đạn trong kho đem ra để ngoài hàng rào. Chúng tôi lao vào vác, ai vác được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Tôi vác 4 khẩu súng với mấy dây đạn đem về điểm tập kết ở xã Mỏ Công. Xong, tôi quay lại Tua Hai vác một chuyến nữa” - ông Thắng hồi tưởng.

Sau chiến thắng Tua Hai, ông Thắng trở về Bắc Tây Ninh, tiếp tục làm nhiệm vụ “vệ binh”. Tinh thần quật khởi của quân và dân ta từ trận đánh Tua Hai khiến ông ao ước được cầm súng đánh giặc. “Lúc đó, tôi đến gặp anh Hùng, chỉ huy đơn vị xin đi chiến đấu. Tôi nói, nếu không cho tôi ra trận thì hãy trả tôi về Bến Tre. Thấy tôi kiên quyết như vậy, anh Hùng đồng ý đưa tôi đi học khoá huấn luyện đặc công” - ông Thắng cười khà khà, nhớ lại thời trai trẻ.

Hoàn thành khoá học, ông được làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 đặc công của Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 và được đưa về chiến đấu ở địa bàn tỉnh Sông Bé (tỉnh Bình Dương hiện nay). Tại đây, ông bắt đầu nghiên cứu cách đánh Mỹ. Hằng ngày, ông giả dạng công nhân cạo mủ cao su, lân la đến gần quân Mỹ để tìm hiểu giờ giấc sinh hoạt, ý thức kỷ luật, quy luật hành quân, thói quen ăn uống…

“Sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy quân Mỹ dở ẹc. Chúng to con, dễ bị bắn, được trang bị vũ khí hiện đại, nhưng chấp hành mệnh lệnh chính quy một cách cứng nhắc, chỉ huy bảo đi đâu là đi đó, đứng đâu là đứng đó, chứ không linh hoạt như quân mình” - ông Thắng nói.

Ông Thắng quyết định xin chỉ huy cho đi đánh Mỹ. “Sáng hôm đó, một tốp khoảng 40- 45 tên địch đi tuần tra gần sở cao su, tôi liền bám theo. Khi tuần tra hết đoạn đường rầy xe lửa, chúng quanh lại ngồi dọc trên đường rầy nghỉ mệt. Xung quanh là rừng chồi, đế, sậy cỏ hoang mọc rậm rạp. Tôi bò trong đám cỏ, vào gần đến chỗ tụi nó ngồi. Tôi thấy tụi nó lấy đồ hộp ra ăn. Ăn xong, chúng quăng lon đồ hộp ra xung quanh. Tôi liền đặt 2 trái ĐH10 (một loại mìn định hướng do xưởng quân giới Bến Cát - Bình Dương chế tạo lần đầu vào năm 1963), nổ chết không còn một tên”- ông Thắng kể. Hai ngày sau, cũng bằng cách đánh tương tự, ông Thắng lại lập công.

Ông Thắng kể tiếp: “Ở huyện Phú Giáo (thuộc Bình Dương hiện nay) có một cây cầu. Dưới dốc cầu có đồn dân vệ. Hằng ngày, bọn địch ỷ lại gần đồn nên thường hay đi nghênh ngang trên lộ. Biết được tình hình này, tôi liền lén đặt 2 trái mìn ĐH10 ở đồn, 2 trái khác ở hàng rào, định hướng châu lại với nhau. Hừng đông, bọn chúng đi ra hàng năm, hàng bảy, hàng mười. Tôi cho mìn nổ, chết hơn 100 tên. Sau những chiến thắng này, tôi trở thành người đầu tiên của Sư đoàn 9 đánh Mỹ thành công ở chiến trường miền Đông và được lãnh đạo Sư đoàn 9 tổ chức để truyền đạt kinh nghiệm đánh Mỹ cho anh em”.

Anh hùng LLVTND Lê Chiến Thắng trồng xoài tứ quý năng suất cao (ảnh chụp năm 2012).

Sau đó, ông Thắng còn tham gia nhiều trận đánh khác ở các tỉnh miền Đông, miền Tây. Năm 1975, trong một trận đánh ở Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), ông Thắng bị thương ở đầu gối chân phải, trở thành thương binh 2/4. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê hương Bến Tre lập gia đình, làm ăn sinh sống. Trong một lần bờ sông sạt lở, nhà cửa của ông bị cuốn trôi theo dòng nước, ông trắng tay. Năm 2001, ông dẫn vợ con về Tây Ninh sinh sống.

Nói về anh hùng Lê Chiến Thắng, ông Dư Phước Hiệp- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Vinh chia sẻ: “Biết được hoàn cảnh của ông Thắng, chúng tôi giúp đỡ bằng cách xuất tiền quỹ của Hội ra thuê cho ông Thắng 2 công đất ruộng để ông trồng kèo nèo, rau nhút và cất cho ông một căn nhà tạm”. Được sự giúp đỡ của Hội CCB xã, cộng với sự chăm chỉ làm ăn, dần dần gia đình ông Thắng vượt qua cảnh nghèo khó. Sau đó, ông Thắng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Sư đoàn 9 tặng ông Thắng căn nhà tình nghĩa. Sau này, Quân khu 7 và Tỉnh đội Tây Ninh tặng ông Thắng 70 triệu đồng để ông nâng cấp, mở rộng căn nhà.

Điều đáng ghi nhận, mặc dù vẫn không giàu có gì, nhưng ông Thắng cố gắng lo cho đồng đội còn khó khăn. Sau khi cuộc sống ổn định, ông Thắng tìm đến bạn bè, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vận động kinh phí cất nhà cho những hội viên Hội CCB nghèo khó.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục