Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Trường THCS Tây Sơn (Mỏ công – Tân Biên): Chưa sử dụng đã hư hỏng (?!)
Thứ bảy: 09:38 ngày 03/10/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, có một số người dân và cán bộ ở xã Mỏ Công, huyện Tân Biên phản ánh với Báo Tây Ninh rằng, cơ sở mới của Trường THCS Tây Sơn ở xã này vừa xây xong, chưa đưa vào sử dụng ngày nào nhưng đã xuống cấp (?!).

Nhìn từ bên ngoài, ngôi trường rất đẹp.

Vừa qua, có một số người dân và cán bộ ở xã Mỏ Công, huyện Tân Biên phản ánh với Báo Tây Ninh rằng, cơ sở mới của Trường THCS Tây Sơn ở xã này vừa xây xong, chưa đưa vào sử dụng ngày nào nhưng đã xuống cấp (?!).

Ngày 21.9.2009, phóng viên Báo Tây Ninh đã đến xã Mỏ Công để tìm hiểu sự việc và thực trạng của ngôi trường ấy. Một cán bộ xã (xin không nêu tên) cho biết: Trường THCS Tây Sơn được khởi công tháng 9.2008 tại tổ 4, ấp Gò Đá, xã Mỏ Công. Địa điểm này vốn là nơi toạ lạc của Trường tiểu học Mỏ Công. Do yêu cầu của sự phát triển, trường tiểu học được dời đi nơi khác để lấy đất xây mới Trường THCS Tây Sơn. Đồng thời khi chuyển đến địa điểm này, Trường THCS Tây Sơn sẽ bàn giao lại cơ sở vật chất cũ, kể cả diện tích đất cho Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu để xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Cơ sở mới của Trường THCS Tây Sơn gồm 10 phòng học, 5 trệt, 5 lầu, tổng vốn đầu tư là 2 tỷ 700 triệu đồng. Sau gần một năm xây dựng, ngày 7.8.2009, ngôi trường đã được nghiệm thu và bàn giao cho nhà trường sử dụng. Tham dự buổi nghiệm thu và bàn giao hôm ấy có đại diện Sở GD & ĐT (đơn vị chủ đầu tư), lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Tân Biên, chính quyền xã Mỏ Công và lãnh đạo nhà trường. Sau khi nhận trường, vì một số nguyên nhân khác nhau nên cả giáo viên và học sinh Trường THCS Tây Sơn vẫn chưa di dời đến học tại trường mới. Trong số những nguyên nhân ấy, có một nguyên nhân quan trọng: trường mới có biểu hiện xuống cấp (?!). Theo lãnh đạo xã Mỏ Công, họ chưa muốn con em mình vào học ở trường mới vì sợ… mang tiếng là không biết bảo quản cơ sở vật chất.

Thực tế cho thấy, những phản ánh về chuyện trường chưa sử dụng đã xuống cấp là có thật. Cả 5 phòng trệt đều có chung một biểu hiện: nhiều viên gạch lát nền bị bung lên, có viên có thể dùng tay gỡ ra khỏi nền nhà một cách dễ dàng. Nhiều chỗ khi bước chân qua thì nghe tiếng “lộp bộp” giống như phía dưới viên gạch có lỗ hổng vậy. Ngoài ra, một số viên gạch được lát chưa đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật.

Hư hao nhiều nhất là ở khu vực hành lang. Do một số viên gạch bị bung lên, sợ có người đi qua sẽ khiến gạch bị vỡ nên ai đó đã gỡ hẳn ra xếp lại và mang vào phòng học để cất. Cũng ở khu vực hành lang, có hai vũng nước đọng lại sau cơn mưa, nghĩa là mặt nền hành lang không được bằng phẳng nên nước mưa mới đọng lại thành vũng như thế. Không chỉ trên nền nhà mà các bậc tam cấp cũng bị nứt rất nhiều chỗ (cả phía trước và phía sau dãy nhà).

Trong lúc đang cùng với vài người dân địa phương quan sát những chỗ bị hư hỏng thì chúng tôi may mắn gặp được ông Bùi Thanh Tâm, người đại diện cho đơn vị thi công công trình. Ông Tâm cho biết, ông đang thi công công trình ở Trảng Bàng thì “có người báo tin nhà báo đến” nên ông vội chạy xe từ Trảng Bàng lên Tân Biên để… xem xét. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao những viên gạch lại nhanh chóng bị bung lên như vậy? Ông Tâm lý giải: nguyên nhân khiến cho nhiều viên gạch bị bung lên là do trong quá trình thi công, công trình này không được cung cấp đầy đủ nước khiến việc xử lý nền nhà không được tốt. Còn lý do thiếu nước là do điện yếu, bơm không được, có khi phải dùng cả máy nổ để bơm mới có nước để làm. Chúng  tôi hỏi:- Cách khắc phục như thế nào và khoảng bao lâu thì xong? Ông Tâm cho hay, đơn vị thi công sẽ khảo sát lại toàn bộ nền nhà, nếu chỗ nào có dấu hiệu gạch bị bong lên thì làm lại chỗ đó. Thời gian sửa chữa khoảng hơn một tuần lễ. Theo quy định được ghi trong hợp đồng, công trình này được bảo hành trong vòng một năm. Trong thời gian ấy, nếu có hư hao hay xảy ra sự cố có liên quan đến chất lượng công trình thì nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm khắc phục. Nếu nhà trường chuyển học sinh vào học thì làm sao sửa được? Vẫn theo ông Tâm, nếu như nhà trường chuyển hoạt động vào đây thì, cố gắng sắp xếp cho học sinh học ở trên lầu, thợ sẽ sửa chữa ở tầng trệt.

Nhưng ở bên trong thì khác (ảnh chụp ngày 21.9.2009)

Sau khi đến thăm cơ sở mới của Trường THCS Tây Sơn, chúng tôi tiếp tục theo dõi thì thấy quả thật đơn vị thi công “có sửa” ở những chỗ bị bong gạch. Thế nhưng, cho đến hôm nay (gần hai tuần sau) chúng tôi vẫn chưa nhận thấy nhà trường dời đến cơ sở mới. Hỏi thăm một cán bộ địa phương, chúng tôi được biết việc sửa chữa vừa qua cũng chỉ là “chắp vá” để che lấp những khuyết điểm bên ngoài của cơ ngơi mới xây dựng này. Còn bên trong thì… người dân làm sao biết được có “rút ruột” hay không? Thiết nghĩ, ngành chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng cơ bản nên có sự kiểm tra đúng mức và có câu trả lời chính thức về chất lượng công trình, để người dân Mỏ Công mạnh dạn, tin tưởng đưa con em mình vào học ở ngôi trường “chưa sử dụng đã hư hỏng” này.

ĐÔNG PHONG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục