Đọc báo in
Tải ứng dụng
Trường THCS Thạnh Hiệp: Khó khăn và thiếu thốn
2010-12-29 12:05:00

Nếu chỉ tính riêng bậc trung học cơ sở thì Trường THCS Thạnh Hiệp của xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên là trường còn khó khăn và thiếu thốn nhất trong số hơn 100 trường trên địa bàn tỉnh thuộc bậc học này.

Trường THCS Thạnh Hiệp

Nếu chỉ tính riêng bậc trung học cơ sở (THCS) thì Trường THCS Thạnh Hiệp của xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên là trường còn khó khăn và thiếu thốn nhất trong số hơn 100 trường trên địa bàn tỉnh thuộc bậc học này.

Một trong những khó khăn của Trường THCS Thạnh Hiệp là thiếu giáo viên. Việc thiếu giáo viên ở trường này có nhiều nguyên nhân. Mặc dù trường đóng trên địa bàn xã vùng sâu, khó khăn, xa xôi nhưng vì là xã thuộc vùng nội địa nên giáo viên không được hưởng chế độ của Chương trình 135. Do đó, thu nhập của thầy cô giáo ở đây không tương xứng với chi phí và công sức bỏ ra. Trường mới thành lập được ba năm nhưng đã có ba giáo viên bỏ nghề. Hiện trường còn thiếu giáo viên hai môn Hoá học và Sinh học, nên phải mời hai giáo viên của trường khác đến dạy theo hình thức thỉnh giảng. Ngoài ra, hiệu trưởng, hiệu phó của trường đều đang phải dạy vượt quá số tiết quy định. Tổng cộng mỗi tuần, chỉ riêng giáo viên trong trường đã dạy dư đến 11 tiết. Nếu tính cả số tiết của hai giáo viên dạy thỉnh giảng thì số tiết dư của mỗi tuần là 21 tiết. Cho đến nay, những giáo viên dạy thừa giờ vẫn chưa được lãnh tiền hỗ trợ, là do nhà trường thiếu kinh phí hoạt động.

Không chỉ thiếu giáo viên, cơ sở vật chất của Trường THCS Thạnh Hiệp còn thiếu thốn nhiều thứ. Phòng thư viện, phòng thiết bị, phòng đọc cho học sinh đều đang trong tình cảnh “3 trong 1”. Đồ dùng dạy học, thầy cô giáo cho biết hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10 – 15 % nhu cầu giảng dạy. Những môn học đòi hỏi thực hành, thí nghiệm nhiều như Hoá học, Vật lý, Sinh học, Công nghệ… do thiếu thiết bị nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Thư viện nhà trường quá nghèo nàn, chỉ lèo tèo mấy cuốn sách giáo khoa. Những loại sách này do thầy cô quyên góp từ nhiều nguồn để cho học sinh mượn, vì nhiều em không mua nổi một bộ sách để học. Một số môn học còn lại gần như không có đồ dùng dạy học. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học còn rất xa vời. Ngay cả một cái loa để thầy trò sinh hoạt dưới cờ cũng chưa có.

Hiện nay, Trường THCS Thạnh Hiệp cũng chỉ có 4 lớp, mỗi khối 1 lớp với vỏn vẹn có 138 em học sinh. Đa số học sinh sống cùng gia đình trong rẫy nên để đến trường, các em phải di chuyển qua quãng đường khá xa, có em phải đạp xe đến hơn 13 km. Có em nghèo không có xe đi, bạn bè phải thay nhau chở đến trường. Vào mùa khô, tỷ lệ học sinh chuyên cần còn tương đối. Khi mùa mưa đến, có em vắng học đến hai ba ngày liền, không phải do các em lười học mà vì đường quá khó đi. “Nhìn các em, thương lắm chứ. Nhưng chúng tôi biết làm gì hơn. Học sinh vùng này nghèo, giờ Nhà nước lại tăng học phí, không biết các em có chịu nổi không”, một giáo viên chia sẻ.

Cả ba cô giáo đang phải lấy bàn học sinh làm giường ngủ

Cả Trường THCS Thạnh Hiệp chỉ có 9 giáo viên kể cả ban giám hiệu. Trong số ấy có 3 cô giáo vì nhà xa nên phải ở lại trường. Từ trước đến nay, do chưa có nhà công vụ nên cả ba cô giáo trẻ vẫn ở tạm trong phòng học của học sinh (mới đây, nhà công vụ đã được khởi công xây dựng). Trước đây, các cô cũng được cấp mấy chiếc giường cũ để nghỉ ngơi. Hiện nay không một cái nào dùng được nữa. Không có giường, cả ba cô phải ghép bàn học sinh lại để nằm. Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên trong trường còn quá thiếu thốn, nghèo nàn.

VIỆT ĐÔNG

 

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan