Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Trường THPT Lương Thế Vinh: Hiệu trưởng thừa nhận có nhiều sai phạm!
Thứ sáu: 12:53 ngày 14/01/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có nhận đơn của một số giáo viên và phụ huynh của Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Tân Biên) tố cáo những việc làm không đúng của ông hiệu trưởng Đặng Thành Công.

Vừa qua, Báo Tây Ninh có nhận đơn của một số giáo viên và phụ huynh (xin phép không nêu tên) của Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Tân Biên) tố cáo những việc làm không đúng của ông hiệu trưởng Đặng Thành Công.

Theo phản ánh của giáo viên, ông hiệu trưởng Đặng Thành Công đã có nhiều sai phạm trong công tác quản lý. Cụ thể, về tài chính, năm học 2009 – 2010, hiệu trưởng Công cho thu hai khoản thu khuyến học và quỹ hội phụ huynh học sinh, tổng cộng số tiền là 110.000 đồng/học sinh. Hai khoản thu này sử dụng vào việc gì, chi bao nhiêu, còn bao nhiêu… hiệu trưởng không công khai cho các giáo viên biết. Theo quy định, nhà trường được giữ lại 5% số tiền thu học phí, nhưng ông Công cũng không cho hội đồng nhà trường biết. Mỗi khi nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia phong trào như Hội khoẻ Phù Đổng, giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra để chi, sau đó từ 2 đến 3 tháng mới được thanh toán. Đặc biệt, mỗi khi quyết toán, ông Công đều kê tiền trong hồ sơ cao hơn số tiền chi thực tế để hưởng tiền chênh lệch. Ví dụ: Hội khoẻ Phù Đổng thực tế đoàn thi đấu của trường chi hết 19 triệu đồng, nhưng hồ sơ quyết toán là 28 triệu. Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, vào tháng 7.2008, nhà trường tổ chức cho giáo viên đi tham quan, hiệu trưởng Công đã nhờ một giáo viên mượn của một giáo viên khác số tiền 5 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa trả.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh trong giờ học

Trong điều hành công việc, hiệu trưởng Công cũng để xảy ra nhiều sai sót, nhất là có biểu hiện coi thường đồng nghiệp. Trong năm học 2009 -2010, có 2 giáo viên đăng ký hội giảng vòng tỉnh. Sau khi làm hồ sơ, chuẩn bị để tham gia hội giảng nhưng chờ đến hết năm học mà không thấy cán bộ Sở GD- ĐT về dự! Cũng trong năm học này, hiệu trưởng đã tự ý cắt danh hiệu thi đua của một số giáo viên nhưng không báo cho họ biết. Trong chuyên môn, hiệu trưởng Công tham gia dạy quá nhiều tiết học làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Trước khi kết thúc năm học, khối 12 năm nay vẫn chưa học hết chương trình của lớp 11. Trong việc phân phối chương trình, ông Công đã bỏ tiết, không dạy nhưng vẫn lãnh tiền thừa giờ. Là hiệu trưởng nhưng ông Công không quan tâm đến vấn đề phổ cập giáo dục. Về việc thực hiện quy chế đánh giá xếp loại học sinh, ông Công đã tự ý giải quyết cho một số học sinh lên lớp trái với quy định của Bộ GD- ĐT khiến giáo viên bộ môn hết sức bất bình…

Ngày 10.1.2011, phóng viên Báo Tây Ninh đã tiếp xúc với ông Công để làm rõ những phản ánh của giáo viên và phụ huynh.

Trước tiên, về công tác quản lý tài chính, ông Công cho biết, tiền thu từ quỹ khuyến học và hội phí, ông giao cho giáo viên thu, sau đó nộp lại cho thủ quỹ nhà trường. Do quỹ hội phí thiếu, nên ông đã lấy tiền của quỹ khuyến học để thưởng cho học sinh. Sau khi chi, ông đã báo cho hội phụ huynh biết. Nếu đúng như lời ông Công nói thì cách làm này là chưa đúng, bởi vì theo quy định của Sở GD- ĐT, nhà trường không được giữ tiền của hội phụ huynh. Nếu nhà trường có nhu cầu chi tiêu thì phải lên kế hoạch để hội phụ huynh xem xét, nếu hợp lý thì chi, chứ nhà trường không được tự ý chi các khoản tiền này. Về số tiền 5% học phí, ông Công cho biết đã nộp hết số tiền thu được từ nguồn học phí cho kho bạc, nhưng chưa rút 5% về? Riêng về khoản chi cho các hoạt động phong trào, ông Công thừa nhận phản ánh của giáo viên là đúng sự thật. Tuy nhiên, khoản tiền chênh lệch không phải lên đến 9 triệu mà chỉ “khoảng 5 đến 6 trăm ngàn”! Vấn đề ông mượn tiền của giáo viên từ hơn 3 năm nay mà ông không trả? “Tiền đó tôi mượn cho cơ quan chứ không phải cho tôi, tuy vậy đến ngày 15.1 này tôi sẽ trả cho giáo viên”- ông Công trả lời!

Chúng tôi đặt vấn đề vì sao ông không gửi hồ sơ giáo viên đăng ký dự thi hội giảng vòng tỉnh để giáo viên bức xúc? “Vì tôi quên”- ông Công bình thản trả lời. Ông Công giải thích về việc một số giáo viên bị cắt thi đua như sau: vì những giáo viên này dạy lớp 12 nhưng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp thấp hơn 5% so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh. Khi được hỏi, hồi tháng 10.2010, ông có bỏ tiết dạy để đánh cờ với một giáo viên hay không, ông Công nói không hề có chuyện đó. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được xem sổ ghi lịch báo giảng thì ông Công “thừa nhận mình không có sổ báo giảng”! Điều này cho thấy việc giáo viên tố cáo ông Công bỏ dạy là có cơ sở. Bởi vì: sổ báo giảng thể hiện toàn bộ thông tin về ngày giờ lên lớp của giáo viên. Ông Công đã vi phạm quy chế chuyên môn của ngành. Liên quan đến vấn đề chuyên môn, ông Công thừa nhận: vào năm học 2009 – 2010, ông dạy vượt quy định đến 12 tiết một tuần và ông cũng đã thừa nhận dạy không đủ tiết, ông chỉ dạy những bài mà có nhiều khả năng sẽ rơi vào phần kiểm tra, thi cử, còn lại những bài khác từ từ dạy bổ sung sau! Theo chúng tôi, việc cắt xén chương trình là không thể chấp nhận được, nếu như học sinh khi thi gặp phải bài mà thầy chưa dạy thì sẽ ra sao?

 Vấn đề hiệu trưởng tự ý cho một số học sinh lên lớp sai quy chế, ông Công thừa nhận nội dung tố cáo của giáo viên và phụ huynh là đúng. Cụ thể trong số hai trường hợp được ông Công cho lên lớp thì một em do gia đình… có đơn xin cứu xét! Trường hợp còn lại được cho lên lớp vì học sinh này là… cháu Bí thư Đảng uỷ của một xã ở gần trường (!?).

Theo chúng tôi được biết, mới đây Thanh tra Sở GD- ĐT cũng đã làm việc với ông hiệu trưởng Đặng Thành Công về những vấn đề mà giáo viên và phụ huynh phản ánh.

VIỆT ĐÔNG

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục