Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trường THPT Nguyễn An Ninh: Đau đầu chuyện học sinh bỏ học

Cập nhật ngày: 27/07/2012 - 01:14

(BTN)- Cũng như Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ở huyện Bến Cầu, Trường THPT Nguyễn An Ninh (huyện Tân Biên) thuộc hàng có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất tỉnh.

Ông Mai Tiết Thanh - Hiệu trưởng và ông Lâm Ninh Quốc Hậu - Hiệu phó nhà trường cho biết: Đầu năm học trường có 400 học sinh, đến cuối năm chỉ còn 310 em. Trong đó khối 10 có số học sinh bỏ học cao nhất: 75 trong tổng số 228 em, tương đương 32%. Nguyên nhân chính được xác định là do học lực của học sinh quá yếu. Năm học 2012 – 2013, ở khối 10, tỷ lệ học sinh có học lực từ trung bình trở lên chỉ đạt hơn 16%. Ở khối 11 và 12, tình hình cũng không khá hơn mấy: khối 12 chỉ có 20,8% được xếp loại từ trung bình trở lên. (Tuy nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tỷ lệ tốt nghiệp của trường này là 82%).

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn An Ninh đang học hè.

Chất lượng học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh như thế, theo giải thích là do nguồn tuyển sinh đầu vào quá thấp. Đa số học sinh lớp 9 chỉ đạt học lực trung bình hoặc yếu trước khi vào lớp 10 trường này. Có rất nhiều em khi thi vào trường khác bị điểm liệt đã chuyển sang trường này để học. Thầy Hậu - Hiệu phó đồng thời là giáo viên dạy môn Ngữ văn tại trường cho biết: “Lên lớp 10 rồi mà nhiều em viết tên riêng của bố mẹ còn sai”. Trong giờ làm bài kiểm tra, một số em chỉ viết được vài dòng vắn tắt như cái đơn thuốc. Bị thầy giáo nhắc nhở có em hồn nhiên trả lời: “Hồi ở cấp 2 em cũng làm như vậy, mà cũng được 7 – 8 điểm!”. Một thầy giáo dạy Toán lớp 11 thở dài kể: “Môn hình học không gian, phần lớn học sinh không có được kiến thức cơ bản nên không thể giải được bài tập. Vì thế thầy giáo vừa phải dạy chương trình Toán lớp 11 vừa phải ôn lại kiến thức toán ở… lớp 7, lớp 8”.

Không riêng gì 2 môn kể trên, nhiều giáo viên dạy các môn Vật lý, Hoá học và Sinh học của trường cũng đều phải làm như vậy. Một giáo viên trẻ của trường cho biết, có học sinh đã than thở với thầy rằng: “Thầy ơi, em đã cố gắng hết sức rồi nhưng học không được!”. Thương học trò, thầy giáo đã rất nỗ lực nhưng kết quả không được bao nhiêu vì kiến thức của các em bị hụt hẫng quá nghiêm trọng.

Trong số các em học sinh bỏ học của Trường THPT Nguyễn An Ninh có những trường hợp cũng khá “bi hài”. Chẳng hạn có em (nữ sinh) bỏ dở chương trình lớp 10 để đi lấy chồng vì “trót lỡ”. Lại có em nhà cách trường đến 35km, buộc phải đi xe máy. Trong một lần đi học, cậu học sinh này bị cảnh sát giao thông bắt phạt. Thế là nghỉ học luôn…

Theo Hiệu trưởng Mai Tiết Thanh, nên chăng cần xem xét lại công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, vì nếu cứ “bắt” các em học sinh quá yếu lên lớp 10 thì chỉ làm khổ các em mà thôi. Còn theo ông hiệu phó nhà trường thì cần phải thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10. Cụ thể, nên tuyển sinh theo địa bàn để chất lượng đầu vào của các trường không quá chênh lệch. Phương thức tuyển sinh hiện nay khiến cho các trường “tốp dưới” giống như một cái phễu chứa học sinh yếu kém từ các trường khác đổ về. Trong trường, lớp cần phải có các em khá, giỏi bên cạnh các em có học lực thấp hơn để các em tranh đua nhau, động viên nhau học tập.

Có một điều cũng cần phải quan tâm là cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn An Ninh hiện còn rất thiếu thốn. Số phòng học đang có vừa đủ cho hoạt động dạy học, riêng các phòng chức năng, phòng bộ môn, phòng nghe nhìn, phòng thí nghiệm… đều không có. Ngay cả Ban giám hiệu cũng phải dùng phòng học của học sinh để có nơi làm việc. Với cơ sở vật chất như vậy cũng khó mà “hấp dẫn” học sinh cũng như phụ huynh các em.

 Được biết, dự án xây mới Trường THPT Nguyễn An Ninh đã được xem xét với tổng số vốn đầu tư 26 tỷ đồng. Tuy nhiên nhanh nhất thì cũng phải vài năm nữa ngôi trường mới được hoàn thành.

VIỆT ĐÔNG