Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trường tổ chức hoạt động hè, phụ huynh không mặn mà
Thứ ba: 08:50 ngày 13/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đến thời điểm này, chỉ một số ít trường trên địa bàn TP.HCM thông báo có tổ chức hoạt động hè cho học sinh.


Một tiết học thể dục nhịp điệu trong hè của học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM). Đây là ngôi trường đã đưa các môn năng khiếu, kỹ năng sống vào chương trình sinh hoạt hè từ năm 2010 - Ảnh: H.HG.

Mặc dù, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo: “Các trường không tổ chức dạy học, ôn tập văn hóa trong hè. Thay vào đó, các trường THCS, THPT có kế hoạch cho học sinh tại đơn vị tham gia hoạt động hè ở nhà trường hoặc địa phương, trên tinh thần học sinh được nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động văn - thể - mỹ, tăng cường rèn luyện các kỹ năng sống, trải nghiệm thực tiễn...”, nhưng thực tế lại khác.

Chủ trương mùa hè phải để cho học sinh vui chơi là đúng đắn. Nhưng phụ huynh lại có nhu cầu cho con học hè chứ không phải... chơi hè!

Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Q.5 (TP.HCM)

Lẻ tẻ đăng ký hoạt động hè

“Ngay từ trong năm học, nhà trường đã lập một nhóm giáo viên để họp, bàn và xây dựng chương trình giảng dạy, lên kế hoạch tổ chức hoạt động hè 2017. Ngoài các câu lạc bộ thể dục thể thao như bóng rổ, bóng đá, bóng bàn, bơi lội... năm nay nhà trường mở khóa hè rèn luyện tổng hợp trong hai tháng cho học sinh, với chương trình nhẹ nhàng, tăng cường sự trải nghiệm cho học sinh theo kiểu vừa học vừa chơi” - bà Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho biết.

Nội dung giảng dạy trong hè của Trường THCS Trần Văn Ơn là không dạy một đơn vị bài học cụ thể nào theo sách giáo khoa. Như tiết toán, học sinh sẽ dùng công thức toán để tính thể tích hồ bơi của trường, giải đề bài muốn thay nước hồ bơi thì cần kinh phí bao nhiêu...

Môn lý, hóa, sinh, các giáo viên phối hợp với nhau để dạy theo chủ đề, tích hợp kiến thức của cả ba môn, ví dụ học sinh thực hành trồng dàn cây thủy canh thì phải tìm hiểu về cách chăm sóc cây, sự vận động của nước...

Với môn văn, học sinh sẽ được xem phim hoạt hình và đóng kịch theo một tác phẩm đã học... Ngoài ra, khóa học còn có các tiết dạy robotics, nghệ thuật nói trước đám đông...

Tuy nhiên, “mặc dù ngày 12-6 chúng tôi sẽ khai giảng khóa hè, nhưng đến ngày 8-6 mới chỉ có 20% học sinh đăng ký tham gia, trong đó có cả một số học sinh ở trường khác” - ban giám hiệu Trường THCS Trần Văn Ơn thông tin.

Tương tự, ở Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10): “Nhà trường phối hợp với một đơn vị chuyên về giáo dục ngoại khóa, tổ chức Trại hè thông minh cho học sinh với ba mục tiêu: phát triển kỹ năng sống, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện thể chất. Trại hè sẽ dạy cho học sinh cách phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em; cách thoát nạn, thoát hiểm trong những trường hợp khẩn cấp; cách kiềm chế cảm xúc, cách giao tiếp với người lớn tuổi...

Ngoài ra, học sinh còn được trải nghiệm khoa học vui, robotics, học võ tự vệ, làm quen với các loại nhạc cụ... Nhưng đến chiều 9-6 mới chỉ có hơn 100 học sinh đăng ký” - ông Nguyễn Thế Dũng, hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, chia sẻ.

“Trường không dạy văn hóa, tôi tìm chỗ khác”

“Đợt vừa rồi, chúng tôi có tổ chức thăm dò ý kiến phụ huynh về việc cho con sinh hoạt hè ở trường. Khá nhiều phụ huynh đã đặt câu hỏi: “Sinh hoạt hè thì học sinh có được học văn hóa hai môn chính (toán, tiếng Việt) không?”, có phụ huynh còn thắc mắc: “Tại sao trong chương trình sinh hoạt hè không có những tiết ôn tập toán, tiếng Việt, tiếng Anh?”...

Khi nhà trường giải thích rằng Sở GD-ĐT đã có văn bản không cho phép dạy văn hóa trong hè, có phụ huynh đã nói thẳng: “Sở không cho phép, nhưng đó là nhu cầu của chúng tôi. Trường không dạy thì chúng tôi tìm chỗ khác”...” - hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.5 kể.

Theo vị hiệu trưởng này: “Những năm trước, trường chúng tôi có tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh với các hoạt động văn - thể - mỹ, nhưng vẫn xen kẽ từ 4 - 6 tiết/tuần ôn tập văn hóa cho học sinh. Năm nay chương trình tuyệt đối không dạy văn hóa, nên phụ huynh không ủng hộ, chúng tôi quyết định không mở lớp hè”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà N.T., phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 9 Trường Trần Văn Ơn, tâm sự: “Tôi thấy chương trình hè của trường cũng hay đấy! Nhưng ưu tiên số 1 của gia đình tôi là phải tạo điều kiện cho cháu học tập để đậu vào lớp 10 chuyên. Muốn như vậy, hè này phải đi học thêm văn hóa để trau dồi kiến thức. Kỹ năng sống cũng rất cần, nhưng chúng tôi có thể cho cháu học sau này”.

Vì vậy, bà T. đã quyết định không đăng ký cho con sinh hoạt hè ở trường, bà khẳng định: “Khi nào việc thi cử trở nên nhẹ nhàng, học sinh không cần luyện thi cũng đậu thì tôi mới dám cho con đi sinh hoạt hè”.

Nhiều trường phổ thông trên địa bàn Q.Phú Nhuận cũng không tổ chức lớp hè trong trường vì: “Có tổ chức phụ huynh cũng không đăng ký. Họ muốn ghi danh cho con em học thêm văn hóa, để vào năm học các em sẽ học giỏi hơn, chứ ít người nghĩ đến tầm quan trọng của kỹ năng sống” - hiệu trưởng một trường trung học ở Q.Phú Nhuận cho biết.

Phụ huynh thích cho con em học văn hóa trong hè

Cho đến thời điểm này, trên địa bàn Q.6 mới chỉ có hai trường tiểu học là Nguyễn Huệ và Phú Định báo cáo sẽ tổ chức lớp hè cho học sinh, với nội dung liên quan đến các môn năng khiếu như cầu lông, bóng đá, cờ vua, cờ tướng... Nhưng mỗi trường mới chỉ có hơn 20 em đăng ký. Tâm lý và quan điểm giáo dục của phụ huynh vẫn chưa thay đổi, họ vẫn thích cho con em học văn hóa trong hè.

Ông LƯU HỒNG UYÊN (trưởng Phòng GD-ĐT Q.6)

 

Nhiều học sinh vẫn phải đi học khi hè đến

Trên thực tế, nhiều học sinh vẫn phải đi học văn hóa khi mùa hè đến. Sở GD-ĐT TP vừa có đợt kiểm tra tình hình giảng dạy ở các trường trung học. Trong đó, có trường thực hiện việc dạy văn hóa cho học sinh khối 12 từ 7h sáng đến 21h đêm. Thời khóa biểu đều đặn từ đầu năm đến nay là sáng, chiều: học; tối: dò bài.

Ông PHẠM NGỌC TIẾN (phó trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM)

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục