Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trường trung cấp-bao giờ hết khó tuyển sinh ?
Thứ tư: 14:26 ngày 05/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua đợt khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh mới đây, có thể thấy một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh nói riêng và cả hệ thống trường trung cấp trong nước nói chung là số người theo học ngày càng giảm.

Lãnh đạo Ban Văn hoá - Xã hội khảo sát cơ sở vật chất của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật.

Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh toạ lạc trên diện tích 5 ha đất thuộc xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Ngoài cơ sở chính, trường còn được cấp 0,5 ha đất ruộng ở xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành cho học sinh làm nơi thực tập.

Báo cáo với đoàn khảo sát, lãnh đạo nhà trường cho biết, trường có tổng cộng 60 cán bộ, viên chức và nhân viên, trong đó 55 người đang trực tiếp dạy học. Hiện tại, trường đang đào tạo 6 ngành, gồm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi - Thú y, Tin học ứng dụng, Kế toán doanh nghiệp, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên và môi trường.

Năm học 2017 trường có 328 học sinh theo học ở 5 ngành đào tạo, riêng ngành Quản lý tài nguyên và môi trường không có học sinh nào. So với năm 2015 và 2016, tổng số học sinh của trường nay đã giảm.

Ngoài chương trình chính quy, trong mấy năm qua, trường còn tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn và liên kết với Trường đại học Trà Vinh đào tạo 6 ngành. Năm nay có 635 sinh viên, học viên theo học các lớp liên kết.

Chuyển giao quản lý

Khó khăn nhất hiện nay của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật vẫn là ở khâu tuyển sinh. Lãnh đạo nhà trường cho rằng, có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình trên. Thứ nhất, kế hoạch nâng cấp trường từ trung cấp lên cao đẳng kéo dài. Thứ hai, chất lượng đào tạo, sự gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng trong xã hội còn có những khoảng cách.

Về việc chuyển giao quản lý nhà trường từ Sở Giáo dục - Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật cho biết, ở trung ương, hai bộ, ngành liên quan đã hoàn tất quá trình chuyển giao.

Tuy nhiên, ở cấp tỉnh cho đến thời điểm này, việc chuyển giao vẫn chưa diễn ra. Việc chuyển giao chức năng quản lý nhà nước từ Bộ Giáo dục - Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang gây ra những xáo trộn về chương trình đào tạo.

Trong đó có vấn đề đặt ra là học sinh lớp 9 (tốt nghiệp trung học cơ sở) vào học trung cấp chuyên nghiệp có phải học các môn văn hoá của cấp THPT hay không, nếu có thì thời lượng môn học như thế nào? Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản, trong đó đưa ra 3 phương án đối với nhóm đối tượng là học sinh sau trung học cơ sở.

Phương án một vẫn dạy các môn văn hoá cấp THPT với thời lượng khoảng 225 tiết nhưng học sinh sẽ không phải thi tốt nghiệp các môn học này.

Phương án hai, vẫn dạy các môn văn hoá cấp THPT dành cho học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp như trước đây, thời lượng 1.000 tiết.

Phương án ba, dạy song song hai chương trình (học sinh vừa học trung cấp chuyên nghiệp 2 năm, vừa học văn hoá ở trung tâm giáo dục thường xuyên 3 năm).

Cả 3 phương án nêu trên đều có những điều bất cập. Với phương án một, nếu chỉ học trung cấp, không học các môn văn hoá cấp THPT, học sinh không có cơ hội học liên thông lên đại học.

Đối với phương án hai, việc người học vừa học chương trình trung cấp, vừa học 1.000 tiết chương trình THPT là hơi nặng. Còn phương án ba, nếu vừa học trung cấp vừa học văn hoá ở trung tâm giáo dục thường xuyên e lại không ổn, vì khoảng cách giữa Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Trung tâm Giáo dục thường xuyên khá xa.

Lãnh đạo nhà trường kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm thống nhất, có hướng dẫn cụ thể để nhà trường triển khai thực hiện. Trước đây, học sinh trường trung cấp chỉ học chương trình của trường, không phải học chương trình THPT.

Tuy nhiên, khi ra trường đi làm, đặc biệt là nếu làm ở cơ quan hành chính, sự nghiệp, những người có bằng trung cấp chuyên nghiệp nhưng chưa có bằng THPT lại gặp thiệt thòi.

 Cũng liên quan đến học sinh lớp 9 vào trung cấp chuyên nghiệp, theo quy định hiện hành, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu vào học trung cấp nhóm đối tượng này được miễn học phí.

Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó, nhóm đối tượng này không vào học trung cấp chuyên nghiệp ngay mà dừng lại một vài năm mới học thì có thuộc diện được miễn học phí hay không?

Về vấn đề tài chính, do việc chuyển giao từ Sở Giáo dục - Đào tạo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chưa hoàn tất nên trường đang gặp khó về chuyện này.

Từ tháng 3.2017 đến nay, vì chưa hoàn tất quá trình chuyển giao, cộng với một số quy định về thủ tục tài chính nên tài khoản của nhà trường không thể giao dịch để chi các khoản chi thường xuyên và trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Trường đã có công văn xin tạm ứng lương tháng 4 và tháng 5 để trả cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, riêng tháng 6 thì… chờ.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát đã nêu một số vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, việc chuyển giao nhà trường cho đơn vị chủ quản mới, tình hình việc làm của học viên sau khi tốt nghiệp, chương trình đào tạo đối với học sinh lớp 9…

Trong phần kết luận, trưởng đoàn khảo sát Kim Thị Hạnh nhận định, cơ sở vật chất, đội ngũ nhà trường đã đạt và có một số mặt vượt tiêu chuẩn quy định. Nhà trường cần mạnh dạn đổi mới, phát triển theo tinh thần đưa trường học đến với người học, chủ động trong khâu tiếp thị, tuyển sinh.

Bà Hạnh cũng đề nghị lãnh đạo, giáo viên nhà trường cần chủ động chia sẻ những khó khăn chung trong quá trình chuyển giao cơ quan chủ quản, vì chính Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình tiếp nhận nhà trường.

Chiều 3.7, tại phiên họp của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, vấn đề chuyển giao Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được tiếp tục nêu lên.

Được biết, cách nay chưa lâu, tại phiên họp của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo vấn đề trên, nhưng cho đến hôm nay việc chuyển giao, tiếp nhận vẫn đang chờ UBND tỉnh.

Trong giờ học ở Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật (ảnh tư liệu).

Người học cứ… giảm

Thật ra, những khó khăn của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật như vừa dẫn ở trên chỉ là khó khăn tạm thời. Thủ tục chuyển giao, tình hình tài chính sẽ được giải quyết trong nay mai. Vấn đề lớn nhất là tương lai của nhà trường.

Thực tế cho thấy, dù được đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ (trường có cả tiến sĩ, nghiên cứu sinh) nhưng số lượng người theo học cứ ngày càng giảm, và triển vọng thu hút đầu vào được dự báo không mấy sáng sủa.

Nhìn vào số liệu có thể thấy, so với năm 2015, năm học 2017 đã giảm gần 100 học sinh. Đúng như lãnh đạo trường đã nhận định, khan hiếm nguồn tuyển là tình hình chung của hệ thống trường trung cấp (và thật ra cũng không riêng gì hệ trung cấp).

Thực trạng của ngày hôm nay là hệ quả của chính sách quy hoạch, phát triển giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và đại học không khoa học. Suốt một thời gian dài, trường đại học, cao đẳng được phép đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp đã khiến cho trường trung cấp lâm vào tình trạng “đói” nguồn tuyển.

Mấy năm gần đây, với quy định không áp dụng điểm sàn đối với hệ cao đẳng, số thí sinh trượt đại học đã vào học hệ này, càng khiến cho nguồn tuyển sinh của trường trung cấp rơi vào vào tình trạng cạn kiệt.

Cũng cần nói thêm, ngoài nguyên nhân cơ bản liên quan đến quy hoạch, chính sách, còn có không ít yếu tố khác như tâm lý, tập quán, văn hoá của người học. Học nghề, chưa bao giờ được coi là ưu tiên của người học và gia đình họ.

Và để thu hút được người học, cơ sở đào tạo cũng cần linh hoạt, năng động hơn.

VIỆT ĐÔNG

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục