Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 20.3, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh tổ chức Hội thảo Phát triển truy xuất nguồn gốc cây trồng (Kipus).
Tham gia hội thảo có đại diện Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố; doanh nghiệp nông nghiệp, HTX, chủ trang trại, nông dân sản xuất cây ăn quả tiêu biểu trên địa bàn tỉnh và đại diện Công ty KIAG.
Ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu khai mạc hội thảo.
Đánh giá kết quả thực hiện mô hình phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng (Kipus) trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết, những năm gần đây, trong quá trình hội nhập, khi các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết có hiệu lực, thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắc khe về chất lượng sản phẩm; đặc biệt là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi phải sản xuất theo mô hình GAP, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc trên một số sản phẩm nông nghiệp khi đưa ra tiêu thụ.
Thực hiện chủ trương của lãnh đạo UBND tỉnh, tại buổi làm việc với Công ty KIAG (Cộng hòa liên bang Đức) năm 2017, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty khảo sát và thảo luận về các biện pháp ứng dụng giải pháp WeTrace tại Tây Ninh.
Ngày 12.2.2018, Sở NN&PTNT ký bản thỏa thuận với Công ty KIAG về việc triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử Kipus tại Tây Ninh. Theo đó, Công ty KIAG sẽ trực tiếp ký hợp đồng với các cơ sở tham gia, chi phí hợp đồng dựa trên sự thương lượng và thống nhất giữa 2 bên.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, qua khảo sát đã lựa chọn 5 cơ sở tham gia ký hợp đồng sử dụng phần mềm Kipus với Công ty KIAG. Tuy nhiên đến tháng 7.2018, do điều kiện khách quan chỉ còn 2 cơ sở tiếp tục tham gia mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm là HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc và Công ty TNHH Sáu Như Một.
Để triển khai phần mềm này, Sở NN&PTNT cũng đã tổ chức họp vào ngày 30.8.2018, đánh giá kết quả và đưa ra các biện pháp triển khai truy xuất nguồn gốc đạt hiệu quả với 2 đơn vị trên. Đến tháng 12.2018, HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc và Công ty TNHH Sáu Như Một đã nhập được một số dữ liệu về bản đồ nông trại, diện tích; một số khâu canh tác, chăm sóc của vườn cây được cập nhật hàng ngày. Hiện nay 2 đơn vị này đang áp dụng thành công phần mềm và đã cho ra những sản phẩm là trái xoài, bưởi có tem truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, cuối năm 2018, hai đơn vị này đã được cấp giấy chứng nhận VietGap.
Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết, việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus giúp người sản xuất quản lý được quá trình sản xuất của mình, nắm đầu vào, đầu ra sản xuất, giúp minh bạch hóa, truy nguyên sản phẩm khi có yêu cầu. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số cơ sở tham gia mô hình còn ít, do việc ứng dụng phầm mềm trong truy xuất nguồn gốc mới bước đầu được triển khai, một số cơ sở chưa thật sự quan tâm.
Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin của các cơ sở vào phần mềm còn sai sót và chưa kịp thời. Bởi việc áp dụng phần mềm Kipus đòi hỏi người sản xuất phải có nhân sự có khả năng nhất định trong ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm việc cập nhật thông tin vào phần mềm kịp thời, tránh sai sót. Một hạn chế khác là các thông tin phản hồi từ phần mềm chưa được cơ quan quản lý nhà nước xử lý nên cũng gây hạn chế, cũng như cơ sở dữ liệu còn thiếu thông tin, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung.
Đại biểu dùng điện thoại di động truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây được trưng bày tại hội thảo.
Do đó, để việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc có hiệu quả và được nhân rộng trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề xuất cần xem xét có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở tham gia làm trình diễn mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Tại hội thảo, ông Harald Puhl- CEO Công ty KIAG cũng giới thiệu đôi nét về phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus, những vấn đề về xuất khẩu nông sản vào thị trường Châu Âu cũng như hàng rào kiểm tra kỹ thuật nông sản nhập khẩu tại thị trường Châu Âu.
Đại diện Công ty TNHH Sáu Như Một cũng có báo cáo tham luận về kết quả, lợi ích từ việc sử dụng phần mền truy xuất nguồn gốc Kipus mà Công ty đã triển khai thực hiện thời gian qua.
Song song đó, tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu những ý kiến thắc mắc, vấn đề triển khai áp dụng phần mềm Kipus và được nhân viên của Công ty KIAG giải đáp.
WeTrace là giải pháp cho quá trình sản xuất thực phẩm minh bạch với mục đích làm cho các tiêu chuẩn trở nên dễ dàng triển khai và ứng dụng, đồng thời mang tính toàn diện đối với người nông dân cũng như các đơn vị sản xuất.
Hơn thế nữa, các đơn vị sản xuất sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong việc lập hồ sơ tài liệu, vốn đang là tiêu chí được yêu cầu ngày càng cao đối với các đơn vị thu mua…
WeTrace với phần mềm Kipus sẽ giúp tài liệu hóa tất cả các bước theo trình tự của VietGAP hoặc bất kỳ tiêu chuẩn nào; ghi lại và theo dõi chi tiết mỗi chu kỳ cây trồng để có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc đầy đủ; cung cấp phương án để tạo ra cơ sở dữ liệu cho mỗi mùa vụ hoặc chu kỳ sản xuất; tiết kiệm thời gian và bổ trợ cho mọi hình thức kiểm tra, đánh giá…
Thế Nhân