Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Truyền thông không vô tư
Thứ ba: 23:26 ngày 29/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có lẽ không cần bình luận nhiều, bởi vì tập đoàn truyền thông luôn ra rả “vô tư, khách quan, cân bằng, không thiên vị” trong thông tin đã bịa đặt không thể trắng trợn hơn. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhở đội ngũ làm báo trong nước rằng, đưa tin sai đã nguy hiểm, nhưng bình luận sai còn nguy hiểm, tai hại hơn nhiều.

Ảnh Nga không kích Kiev đăng trên mạng xã hội ngày 24.2.2022 thực chất là bức ảnh Israel không kích dải Gaza ngày 1.5.2021 của hãng ảnh GettyImages

Sau khi nước Nga mở chiến dịch quân sự "đặc biệt” vào lãnh thổ Ukraine, ngoài bom rơi đạn nổ, còn có một cuộc chiến khác: chiến tranh thông tin. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã công khai quan điểm, lập trường của mình: mong muốn hoà bình, không tán thành chiến tranh hay xung đột quân sự.

Điều này đã được đại sứ Việt Nam công khai tại Liên Hợp Quốc. Trong những ngày vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam tái khẳng định điều đó. Thế nhưng, có nhiều người là công dân Việt Nam, luôn miệng kêu gọi “tự do ngôn luận, tôn trọng khác biệt”, bằng nhiều thủ đoạn nguỵ tạo thông tin hoặc dẫn dắt thông tin một cách có chủ đích để chửi rủa, mạt sát chế độ.

DÙNG TIN GIẢ ĐỂ KÍCH ĐỘNG

Ngày 5.3, tức sau khi chiến sự bùng nổ khoảng độ 10 ngày, trên trang cá nhân của một người từng có thời gian dài làm báo liệt kê năm tin giả liên quan đến cuộc xung đột. Cần phải nói ngay điều này, trước khi bị phát hiện, những câu chuyện, hình ảnh thuộc năm tin giả (liệt kê như dưới đây) đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng và hầu hết mọi người đều mặc nhiên xem đó là thông tin thật.

Trong đó, đặc biệt ở Việt Nam, nhiều người tự nhận “dân chủ, văn minh, thượng đẳng” sử dụng năm hình ảnh (giả) để “thương vay khóc mướn”, phục vụ mục đích cá nhân, ra vẻ ta đây người “ưu thời mẫn thế”, yệu chuộng công lý.

Trở lại câu chuyện 5 thông tin giả (đến nay đã kiểm chứng), xin liệt kê lần lượt như dưới đây để bạn đọc tiện theo dõi.

Một, hình ảnh một phụ nữ người Ukraine đứng ôm khẩu súng, kèm theo chú thích không thể sướt mướt hơn: “Hôm nay, nàng đang chiến đấu bảo vệ quê hương cùng 36.000 phụ nữ khác”. Tấm ảnh cô gái tóc vàng cực kỳ xinh đẹp khoác khẩu súng này xuất hiện lần đầu ngày 27.2, tức sau chiến sự bùng nổ ba ngày và không hiểu do đâu, bức hình này lan nhanh như đám cháy tại Việt Nam. Một ngày sau đó, 28.2, nhân vật chính lên tiếng, cô khẳng định mình chỉ là một phụ nữ bình thường, không phải quân nhân. Khẩu súng trên người cô gái này thực ra là khẩu súng giả, cô mang nó trong một trò chơi trận giả vào năm 2020. Ngày 22.2, hai ngày trước khi chiến sự nổ ra, cô gái này đưa hình ảnh cá nhân lên mạng, kèm theo khẩu súng nhưng không hề nói mình tham gia chiến đấu.

Hai, hình ảnh Tổng thống Volodymyr Zelensky mặc áo giáp trong một chiến hào, kèm chú thích: “Tổng thống Ukraine có mặt ngoài tiền tuyến cùng nhân dân. Tổng thống Zelensky cầm súng và cùng quân đội đánh đuổi quân Nga xâm lược”. Thực tế, tấm ảnh này chụp ngày 6.12.2021 ở khu vực biên giới của Ukraine.

Ba, bức ảnh phu nhân tổng thống Ukraine mặc quân phục và cầm súng. Sự thật, tấm ảnh này xuất hiện từ tháng 2.2021, tức cách nay một năm. Nhân vật trong bức ảnh là một cô gái người Nga, cô này khoác quân phục chào mừng Ngày “Bảo vệ Tổ quốc”, tức không hề liên quan gì đến phu nhân tổng thống Ukraine như một số “nhà dân chủ” tung hô “khi phu nhân ra trận”.

Bốn, một đoạn video xuất hiện ngày 27.2 quay cảnh một cô gái trẻ có hành động phản đối người lính Nga kèm theo chú thích: "Một bé gái Ukraine 8 tuổi đang mắng lính Nga và kêu hắn cút nhanh về nước”. Sự thật, đoạn video trên xuất hiện trên YouTube ngày 24.12.2012 và ở khu vực Trung Đông, không phải Đông Âu. Nội dung trong video: bé gái người Palestine, 11 tuổi đang mắng một lính Israel. Cô gái ấy có tên Ahed Tamimi, một trong những nhà hoạt động xã hội tại Palestine. Sau khi clip xuất hiện trên mạng, cô gái vùng Trung Đông này được Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ (khi đó) Recep Tayyip Erdogan tiếp. Năm 2018, Ahed Tamimi bị nhốt tù tám tháng tội… đánh hai người lính Israel trước cửa nhà mình ở Bờ Tây.

Năm, hai bức ảnh (đăng trên mạng xã hội ngày 24.2) cho thấy cảnh nổ cháy ngùn ngụt kèm chú thích: “Tin nóng: Trong khi Putin vừa tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine thì Bộ trưởng Nội vụ Ukraine xác nhận rằng thủ đô Kiev đang bị hoả tiễn hành trình và hoả tiễn đạn đạo bắn phá tan nát”. Sự thật, hai tấm ảnh này là cuộc không kích của Israel vào dải Gaza ngày 1.5.2021.

Tính đến thời điểm này, đây là 5 tin giả (hình ảnh, video clip) gây tấn tượng mạnh nhất trên không gian mạng, liên quan đến chiến sự. Sau khi bị lần theo dấu vết và kiểm chứng đó là tin giả, nhiều nhà “dân chủ, nhân quyền, nữ quyền, hoa hậu quyền” bỗng nhiên im bặt. Họ không còn dùng hình ảnh, video clip nêu trên để “tố cáo chiến tranh” nữa.

Hình ảnh Ahed Tamimi tranh cãi với một người lính Israel vào năm 2012, trong một cuộc biểu tình phản đối việc Israel tịch thu đất của người Palestine ở làng Nabi Saleh, Bờ Tây, được lấy làm giả thông tin bé gái người Ukraine phản đối lính Nga đăng trên mạng xã hội Twitter.

GÓC NHÌN THIÊN KIẾN

Là một trong những người phát hiện ra loạt tin giả, nhưng chính cựu nhà báo nêu trên lại lợi dụng thông tin để xuyên tạc. Đây rõ ràng là điều không khách quan, không vô tư; và chính hành vi xuyên tạc (như dưới đây) làm giảm giá trị của ngòi bút có công tìm ra tin giả. Sau khi chỉ ra 5 thông tin (hình ảnh, video) là giả, cựu nhà báo viết như sau, nguyên văn: “Ở đây chỉ muốn nhấn mạnh một điều: nếu dễ dàng tin vào tin giả thì chúng ta sẽ dễ dàng bị dắt mũi bởi chính những “cỗ máy tin giả” nguỵ trang dưới lớp áo truyền thông nhà nước, đặc biệt đối với các nhà nước độc tài và cộng sản. Xin nhấn mạnh: vấn đề đang muốn nói là tin giả từ truyền thông chính thống nhà nước, chứ không phải thông tin thuần tuý tuyên truyền (dù mục đích làm tin giả là để định hướng dư luận)”.

Có mấy điều cần được “chỉ tên vạch mặt” sòng phẳng với nhau. Phần đầu bài viết, cựu nhà báo liệt kê thông tin giả nhưng ở cuối bài, người này lại “bẻ lái” khi “cảnh báo” phải cảnh giác trước tin giả của “nhà nước độc tài và cộng sản”. Xét theo logic, hai nội dung này không liên quan gì với nhau.

Cả năm tin giả nêu trong bài đều có lợi cho nước Ukraine và phương Tây, dù chúng ta không thể xác định chính xác ai là người tạo ra thông tin giả mạo. Vậy, hà cớ gì, cuối bài tác giả lại “cảnh báo” người đọc phải cảnh giác với tin giả của “độc tài và cộng sản”? Điều này chứng minh rằng, cựu nhà báo vừa mắc lỗi logic (hai nội dung khác nhau) vừa thể hiện sự định kiến, không khách quan, không công tâm, không vô tư trong thông tin.

Đọc toàn bài của cựu nhà báo, một bạn viết: “Bây giờ còn có khái niệm “tin giả” của chế độ độc tài và “tin giả” của xã hội tự do thông tin, thật không thể tin được. Phàm đã là “tin giả” đều là tin không đúng sự thật được sử dụng nhằm hướng tới các mục đích mà kẻ sử dụng mong muốn, chứ chả có có phân biệt ở Tây ở Đông nó như thế nào. Tôi nghĩ anh đang thần thánh hoá cái xã hội tự do thông tin mà anh nói đấy.

Trong bài này, anh đưa dẫn chứng một đường rồi kết luận một nẻo, chả liên quan gì đến nhau, thế có vô lý không. Cái độc tài anh nói chẳng qua là cái thù hằn, định kiến gieo vào đầu anh từ rất nhiều năm nay, đã không thích thì có đạt bao nhiêu thành công cải thiện các anh cũng đâu có màng, chỉ chăm chăm bôi xấu, bịa đặt, thù ghét, thử hỏi như vậy có lợi hay có hại…”.

Một ý kiến khác: “Tôi đang sống ở Việt Nam, bạn có biết không, internet tốc độ cao dùng phe phé, các trang face, insta, youtube... hay cái gì phương Tây có, tôi vào không sót cái nào, tin tức nhanh chóng không thiếu cái chi, lại còn tự do chọn, tôi không thấy chỗ tôi truyền thông nằm trong sự kiểm duyệt tẹo nào, thậm chí tôi nghĩ còn phải tăng cường kiểm duyệt thêm, không thì như bạn lo lắng đây, tin giả lại tràn lan mất thôi”.

Một điều quan trọng không thể không chỉ ra, do định kiến với đất nước, với chế độ, nhiều người, kể cả người có hiểu biết, có trình độ cao đã để cảm xúc cá nhân chi phối lý trí đến độ đánh mất giá trị ngòi bút của chính bản thân họ.

Đối với họ, cái gì của đất nước này, chế độ này cũng xấu, kể cả “tin giả của Việt Nam” cũng xấu hơn tin giả của phương Tây! Nói cho dễ hiểu, không ít người bất chấp tất cả, kể cả một chút danh dự nghề nghiệp (của người cầm bút) chỉ để làm vừa lòng một số thể lực ở bên ngoài.

Trong khi chính bản thân (những người cầm bút) lại đang sống yên ổn trên quê hương Việt Nam. Không chỉ cá nhân, mới đây trên trang chủ một cơ quan truyền thông của nước ngoài phát bằng tiếng Việt còn đăng một “câu chủ đề”, như sau: “Người Việt Nam phản đối Mỹ ném bom vào Việt Nam nhưng lại ủng hộ Nga ném bom Ukraine”.

Có lẽ không cần bình luận nhiều, bởi vì tập đoàn truyền thông luôn ra rả “vô tư, khách quan, cân bằng, không thiên vị” trong thông tin đã bịa đặt không thể trắng trợn hơn. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhở đội ngũ làm báo trong nước rằng, đưa tin sai đã nguy hiểm, nhưng bình luận sai còn nguy hiểm, tai hại hơn nhiều.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục