Chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và là trung tâm hệ thờ Tứ Pháp cầu mưa...
Chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và là trung tâm hệ thờ Tứ Pháp cầu mưa. Trong chùa có tượng Pháp Vân, phật Thạch Quang hiện thân Tứ Pháp vốn là đứa trẻ sơ sinh con phật mẫu Man Nương, tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ... Ngoài ra còn một số tượng Hậu Phật như tượng Tìniđàlưuchi, Mạc Đĩnh Chi, bà Trắng, bà Đỏ...
Nhân vật Mạc Đĩnh Chi “Lưỡng quốc Trạng nguyên” có truyền thuyết xây chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp chuộc tội cho mẹ dưới âm phủ. Hai nhân vật bà Trắng bà Đỏ vốn gốc gác người vùng Dâu thì cũng có truyền thuyết riêng. Sau đây là một số truyền thuyết liên quan đến hai nhân vật này.
1. Truyền thuyết Ghênh đẻ Khe nuôi.
Chúa Chiêu tổ Khang vương Trịnh Căn ở ngôi từ 1682 đến 1709 lập con trưởng Lương Mục vương Trịnh Vịnh làm Thế tử. Không may Thế tử mất sớm, chúa lập cháu trưởng Tấn Quang vương Trịnh Bính kế ngôi thái tử. Một lần Thế tử dẫn quân đi Hải Đông, lúc về qua làng Ghênh thấy người con gái vừa cắt cỏ vừa hát: “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/Hai hàng cây cỏ lai hàng tay ta”. Thấy người con gái trẻ đẹp, lao động nhanh nhẹn Thế tử đem lòng yêu mến liền kén vào cung làm phi. Ít lâu sau phi tử ấy sinh con trai, đó là chúa Trịnh Cương sau này.
Không may bà phi Trương Thị Ngọc Chử bị mất sữa, Trịnh Cương khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm, ai bế dỗ cũng không được khiến phủ chúa cũng mất ăn mất ngủ theo. Khi ấy bà phi có cô em con dì ruột là Nguyễn Thị Cảo lấy chồng về làng Khe cũng vừa sinh con nên mời vào cung nuôi con cùng. Bà Cảo thương chị thương cháu nhận lời. Ai dè bà Cảo vừa đón cháu lên tay thì Trịnh Cương đã nín khóc đòi bú liền. Từ đó bà Cảo ở lại trong cung nuôi con nuôi cháu.
Năm Trịnh Cương 17 tuổi thì người cha qua đời. Chúa Chiêu tổ Khang vương lập chắt làm thế tử, được mở phủ Lý Quốc riêng. Mấy năm sau chúa Chiêu tổ Khang vương qua đời, thế tử nối ngôi là chúa Hi tổ Nhân vương. Chúa phong mẹ làm thái phi, tục gọi là “bà chúa Ghênh”. Bà Cảo được phong là phu nhân, tục gọi là “bà vú Khe”. Vì thế dân gian lưu truyền câu phương ngôn “Ghênh đẻ Khe nuôi” là từ tích này.
Giai đoạn chúa Trịnh Cương nắm quyền (1709 - 1729) được coi là thịnh trị nhất của thời Hậu Lê.
2. Truyền thuyết Đường vào phủ chúa
Thời Lê có gia đình phú hộ làng Tướng (nay là Thanh Tương - Thuận Thành) đón thầy địa lí về tìm đất quý đặt mộ mong con cháu vinh hiển. Thầy tìm được đất liền bẻ cành cây đánh dấu, dặn ba ngày sau cành lá vẫn tươi thì táng mộ vào sẽ phát đến công khanh. Không ngờ có người thợ cày ngồi nghỉ giải lao ở bụi cây gần đó nghe được. Chờ mọi người đi khỏi người thợ cày nhổ cành cây cắm ra chỗ khác. Ba ngày sau người phú hộ ra xem cành cây thấy khô héo thì không để ý huyệt đất đó nữa. Người thợ cày bí mật táng hài cốt bố vào nơi thầy địa lí cắm cành cây. Từ đó gia đình này làm ăn khấm khá dần.
Đặc biệt, nhà này sinh được một gái tên Nguyễn Thị Cảo xinh đẹp, hát hay và đã lấy được chồng là cấm quân bảo vệ phủ chúa, tên Nguyễn Gia Đa ở làng Khe. Ít lâu sau bà sinh con trai, tên Nguyễn Gia Châu, cùng thời điểm người chị con nhà già là Thái tử phi Trương Thị Ngọc Chử sinh Thế tử Trịnh Cương nhưng bị mất sữa nên đã được mời vào phủ chúa nuôi cùng. Khi Thế tử lên ngôi chúa đã phong vú nuôi là phu nhân, phong Nguyễn Gia Đa là Bỉnh quận công. Đặc biệt người em Nguyễn Gia Châu trở thành tướng tài thân tín, được phong Siêu quận công, nhiều năm trấn thủ đất phên giậu Nghệ An bình yên, tước lộc như chúa lưu đồn, lúc mất được phong Ý Túc đại vương cho dân thờ. Con cháu Siêu quận công nhiều người được phong quận công và hầu tước, trong đó có cháu nội Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều là danh nhân văn hoá. Đúng là huyệt đất quý phát đến công khanh.
Chuyện bà Ngọc Chử vào cung cũng liên quan đến việc đặt mộ. Bấy giờ họ Trương nhà nghèo, bán nước ven đường kiếm sống. Một hôm có vị đạo sĩ vào quán được họ Trương chào mời rất cung kính. Đạo sĩ cảm ơn lòng tốt bằng cách chỉ cho huyệt đất quý. Xong việc đạo sĩ chỉ bảo họ Lã ở đầu ngõ Hàng Nghiên. Họ Trương tìm đến tạ lễ nhưng không có ai họ Lã, chỉ có miếu thờ Thuần Dương tổ sư, tên hiệu của Lã Đồng Tân, mới biết nhà được tiên ông ban phúc. Sau đó họ Trương sinh ra Ngọc Chử rồi duyên may gặp được Tấn Quang vương mê người mê nết và giọng hát hay được kén làm phi.
3. Truyền thuyết bà Đỏ bà Trắng chùa Dâu
Hai chị em Trương thái phi và Nguyễn phu nhân khi được vinh hiển liền nghĩ đến quê hương. Gốc phát tích từ vùng Dâu, nơi có ngôi chùa thờ Tứ Pháp linh thiêng nhất nước. Thế là hai bà mua ruộng vùng Nghĩa Trụ cúng chùa hàng trăm mẫu. Hai bà được dân bầu Hậu chùa, có tượng thờ. Tượng Trương thái phi sơn màu trắng điệp gợi da thịt nõn nà quý phái. Cổ tay chạm vòng cườm dấu hiệu hoàng tộc. Tượng Nguyễn phu nhân vẻ phúc hậu, sơn màu nâu đỏ, một quan niệm dân gian biểu hiện tốt sữa. Dân gian quen gọi là bà Trắng bà Đỏ. Trong hội Dâu tượng hai bà được rước ngay sau tượng Pháp Vân, bà cả của Tứ Pháp. Có câu ca:
Tượng cụ Hậu rước sau Tứ Pháp
Dân kéo theo để đáp ơn người.
K.D (st)