Pháp luật   Tin tức

BAOTAYNINH.VN trên Google News

TS Lê Hồng Sơn: Có kẽ hở trong luật chống rượu, bia 

Cập nhật ngày: 09/01/2020 - 10:56

Không thể đánh đồng việc chống lạm dụng rượu, bia với việc căn cứ vào kết quả dương tính của nồng độ cồn để xử phạt...

Trong tuần vừa rồi, dư luận lại một phen xôn xao về những quy định liên quan tới luật phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định số 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Có liên quan đến Luật này). Đại diện của Bộ Y tế (Vụ pháp chế), Bộ GTVT (Ủy ban An toàn giao thông), Bộ Công an (Cục an CSGT) dành khá nhiều thời gian, biện hộ, bảo vệ cho các quy định về nồng độ cồn trong hai văn bản này.

Công luận và người dân băn khoăn, đặt ra khá nhiều câu hỏi. Một khi dư luận đã xôn xao như vậy thì rõ ràng là có vấn đề. Ngoài những biện hộ, giải thích của ba bộ thì Tôi chưa thấy ai có một sự lý giải "Thấu tình, đạt lý" cả.

Lực lượng CSGT đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Báo Khánh Hòa.

Khi nghiên cứu các quy định của luật phòng chống rượu, bia tôi thấy có một vấn đề khá nổi cộm đó là, đây là luật về phòng, chống tác hại của một loại đồ uống đó là rượu, bia, nhưng trong luật đã có một số nội dung quy định về nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở.

Tại Khoản 3, Điều 21 quy định, cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

Tại Điều 35, quy định việc sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:“Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Thực tế đã khẳng định và công luận đã chỉ rõ: Đương nhiên khi uống rượu, bia thì trong máu và hơi thở của người sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn ở mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mặc dù không uống rượu, bia nhưng người ta sử dụng một số loại thực phẩm khác như vải, sầu riêng, siro... cũng sẽ có xét nghiệm dương tính với nồng độ cồn. Tức là, trong máu và hơi thở của người đó có những chỉ số nhất định về nồng độ cồn.

Điều này cho thấy, trong logic suy luận của các điều trong luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã không thấy hết được thực tế. Người ta cứ mặc nhiên cho rằng, trong hơi thở, trong máu của một người có nồng độ cồn thì đương nhiên người đó đã uống rượu, bia. Thực tế đã chỉ rõ không phải như vậy.

Cách suy luận một khi trong máu và hơi thở của một người có nồng độ cồn thì có nghĩa là đương nhiên người đó đã uống rượu, bia là cách suy luận sai. Đúng, trong phần lớn trường hợp là do uống rượu, bia nhưng cũng có nhiều trường hợp không phải do uống rượu, bia cũng có kết quả dương tính với nồng độ cồn.

Điều này làm tôi nhớ lại cách đây khoảng 15 - 20 năm, tại một số địa phương có cách suy luận và quy định rằng "khi một người xét nghiệm có kết quả dương tính với ma túy thì có nghĩa là người đó đã sử dụng, nghiện ma túy". Người đó lập tức bị cơ quan có thẩm quyền buộc phải đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Có một số trường hợp do bị buộc phải đưa đi cai nghiện bắt buộc do xét nghiệm cho kết quả dương tính với ma túy nên đã bị tan cửa nát nhà,bị khai trừ khỏi Đảng, bị mất việc làm, bị vợ bỏ, gia đình tan nát.

Khi đó, tôi đã buộc phải thuyết phục các địa phương đó rằng, xét nghiệm có kết quả dương tính với một chất ma túy nào đó không hoàn toàn có nghĩa người ta nghiện và phải đi cai nghiện bắt buộc. Thực tế, có khá nhiều trường hợp do uống một loại thuốc nào đó để chữa bệnh thì cũng đưa ra kết quả xét nghiệm dương tính đối với chất gây nghiện.

Cách suy luận từ có kết quả dương tính với chất gây nghiện sang kết luận là người đó bị nghiện ma túy và đưa đi cai nghiện bắt buộc là một kết luận sai lầm. Làm cho một số người bị oan, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp, gia đình.

Câu chuyện này khẳng định một điều là, có kết quả xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện không có nghĩa là khẳng định tùy tiện người ta đã bị nghiện và phải đưa đi cai nghiện bắt buộc. Cũng phải mất khá lâu thì những địa phương này mới nghe theo những lập luận, phân tích của chúng tôi.

Câu chuyện vừa kể, có khá nhiều điểm giống với cách suy luận khi một người có nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở thì đương nhiên họ đã sử dụng rượu, bia. Cách suy luận này công luận đã nói nhiều về sự không xác đáng của nó.

Vậy mà chẳng hiểu sao trong luật phòng chống tác hại của rượu, bia lại đưa quy định không cho người có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được điều khiển phương tiện giao thông dù nồng độ đó ở mức nào, kể cả mức rất thấp, sát mức sàn và bất kể là họ có uống rượu, bia hay chỉ sử dụng một thực phẩm nào đó.

Ở trên tôi đã nói rồi, có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở không thể đương nhiên suy ra rằng họ đã uống rượu, bia.

Tôi không hiểu sao khi đưa ra quyết định này lại không có phản biện rõ ràng, không có những lập luận đầy đủ về thực tế là nhiều trường hợp có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở không do uống rượu, bia là đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Từ nhận thức và cách quy định nêu trên đưa đến một nhận thức của một số người và cơ quan có thẩm quyền rằng hễ trong máu, trong hơi thở có nồng độ cồn (dương tính) thì có nghĩa là người đó đã uống rượu, bia.

Từ cách quy định và cách hiểu luật như vậy cho nên đến nghị định số 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các cơ quan tham mưu đã đề xuất quy định về biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe đạp, xe máy và ô tô khi trong máu, trong hơi thở có nồng độ cồn (dương tính) thì đều phải bị xử phạt.

Trường hợp có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở mà điều khiển xe đạp thì mức phạt thấp nhất là đến tám trăm ngàn đồng. Điều khiển xe máy thì mức xử phạt thấp nhất là 2 đến 3 triệu đồng. Đối với ô tô mức phạt thấp nhất là 6 đến 8 triệu đồng. Mức cao nhất tới 40 triệu đồng.Khá cao, khá nghiêm khắc.

Việc nâng mức phạt theo chủ trương chung thì người ta đã lập luận, lý lẽ nhiều. Tuy nhiên, điều khá đáng tiếc với cách hiểu và cách tư duy như trên nên người ta đã bỏ một loại biện pháp xử phạt đó là phạt cảnh cáo.

Việc bỏ biện pháp phạt nhắc nhở, cảnh cáo tạo ra một bất cập đó là, trong trường hợp người ta uống một vài ngụm bia, một ly rượu nhỏ hoặc người ta ăn một vài loại thực phẩm đưa đến kết quả dương tính trong máu, trong hơi thở thì cũng bị xử phạt ngay với mức tiền khá cao. Về nguyên tắc khi đưa ra một biện pháp xử phạt cũng phải tính toán đầy đủ tới mức độ lỗi, tới hành vi và cân nhắc biện pháp phù hợp.

Trường hợp uống một vài ngụm bia, ly rượu nhỏ hoặc ăn loại thực phẩm đưa kết quả dương tính về nồng độ cồn (chỉ số về nồng độ cồn trong những trường hợp này cũng rất thấp, gần mức sàn) mà bị phạt người dân một khoản tiền lớn ngay thì rõ ràng người dân chưa phục. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là biện pháp xử phạt cực đoan và cũng là nguyên nhân tạo ra bức xúc trong xã hội trong thời gian vừa qua.

Với những phân tích nêu trên, cá nhân tôi cho rằng, việc đặt ngưỡng luật, ngưỡng thể chế để phòng, chống tác hại của rượu, bia là rất cần thiết. Vì lẽ đó Quốc hội có luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Tuy nhiên, khi đặt khung thể chế cũng rất cần chú trọng bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sinh hoạt bình thường của người dân trong xã hội. Với tinh thần đó không thể đặt chuẩn hệ dương tính với nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở thì bị phạt tiền ngay khi điều khiển phương tiện giao thông, mà phải có phân định rõ ràng từng mức độ, từng trường hợp cụ thể để định khung biện pháp phạt cho phù hợp.

Đặc biệt là trường hợp, tuy không sử dụng rượu, bia nhưng vẫn có nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở. Một số người có thẩm quyền biện hộ rằng ngoài chỉ số máy đo người ta còn quan sát ánh mắt, cử chỉ, thái độ thì mới xử phạt. Ý kiến này chứng tỏ sự thiếu chuẩn mực vững chắc trong xác định hành vi, xác định lỗi và biện pháp xử phạt.

Không thể đánh đồng việc chống lạm dụng rượu, bia với việc căn cứ vào kết quả dương tính của nồng độ cồn để xử phạt tiền đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đồng nhất giữa hai vấn đề này là không chuẩn, không thuyết phục.

Tiếp theo, tôi cho rằng nên giữ lại biện pháp xử phạt nhắc nhở, cảnh cáo đối với người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là với xe đạp và xe máy. Khi họ dương tính với nồng độ cồn ở mức rất thấp, mức gần sàn và không chắc chắn rằng họ có sử dụng rượu, bia.

Tôi đồng tình với việc ấn định mức phạt tiền cao và nặng để bảo đảm sự răn đe, giáo dục với những trường hợp lạm dụng rượu, bia, say xỉn, mất năng lực điều khiển hành vi, điều khiển phương tiện giao thông, nhưng không vì thế mà hễ dương tính với nồng độ cồn dù ở mức rất thấp, mức gần sàn và không xác định rõ họ có sử dụng rượu, bia hay sử dụng một thực phẩm khác thì đã đặt ra mức phạt tiền đến mấy triệu ngay. Tôi cho rằng đây là biện pháp cực đoan, tạo ra phản ứng tiêu cực trong dư luận, trong xã hội.

Mặc khác, cũng không thể không nói tới lâu nay khi dự kiến đưa ra mức phạt cao, mức phạt nặng trong trường hợp này nhiều ý kiến e ngại rằng mức phạt càng cao, càng nặng thì sẽ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng vặt.

Việc này dư luận đã nói nhiều cho nên đòi hỏi đi đôi với việc tăng mức xử phạt thì cần phải kèm theo đó là biện pháp xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ phía lực lượng chức năng thì công tác này mới đạt hiệu quả như mong muốn.

Nguồn baodatviet