BAOTAYNINH.VN trên Google News

TT. Bảo trợ xã hội tỉnh: Công việc của tình thương

Cập nhật ngày: 27/03/2011 - 11:11

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Tây Ninh được thành lập vào tháng 4 năm 1998, hiện đang có 16 cán bộ, nhân viên, hầu hết đều là nữ, chỉ có một nhân viên nam duy nhất. Tại đây đang nuôi dưỡng 25 trẻ em (nhỏ nhất mới vài tháng tuổi) thuộc diện mồ côi hoặc bị gia đình bỏ rơi và 30 cụ già (lớn nhất 90 tuổi) thuộc đối tượng neo đơn, không nơi nương tựa.

Bầu không khí ở Trung tâm hầu như luôn im ắng, chỉ vào buổi chiều, khi các em đi học về thì quang cảnh mới nhộn nhịp hơn đôi chút. Trẻ em được nuôi dưỡng tại đây đến tuổi đều được cho đi học từ mẫu giáo trở lên. Hiện có 4 em đang theo học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Riêng các cụ già được chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, thuốc men khi các cụ ốm đau và lo tang ma khi các cụ qua đời. Từ khi Trung tâm thành lập đến nay đã có hơn 30 cụ già qua đời, tất cả đều được cán bộ, nhân viên của Trung tâm lo ma chay, chôn cất tử tế. Hằng năm, vào dịp giáp Tết, Trung tâm lại tổ chức cho các em nhỏ đi tảo mộ các cụ đã khuất, coi đó như một hoạt động nghĩa tình truyền thống của đơn vị.

Công việc khá bận rộn, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội luôn tất tả suốt ngày, cả thứ bảy và chủ nhật cũng phải luân phiên nhau trực. Ngày Tết các cô còn bận rộn hơn rất nhiều vì phải lo cho các cụ, các em, các cháu nhỏ vui xuân đón Tết. Niềm vui của các cô là có được sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm ngoài xã hội. Họ thường xuyên tìm đến Trung tâm để thăm hỏi, động viên các cô cũng như san sớt niềm vui, nỗi buồn của những con người bất hạnh đang được cưu mang dưới mái nhà chung này. Với các cán bộ, nhân viên phục vụ tại Trung tâm, nơi đây cũng như gia đình thứ hai của mình, bởi ngoài tình cảm đồng nghiệp với nhau, các cô còn có được tình cảm thân thương mà các cụ già, các em, các cháu nhỏ dành cho mình. Đó mới chính là động lực khiến các cô gắn bó với công việc. Thật ấm lòng khi nghe các cháu gọi “mẹ”, tiếng gọi reo vui khi vừa thấy mặt các cô. Hay những cái nắm tay run run đầy xúc cảm của các cụ già…

Chăm sóc các bé

Ở Trung tâm, có cô đã gắn bó với công việc chăm sóc những mảnh đời bất hạnh từ rất nhiều năm. Cô Nguyễn Thị Ánh trước kia làm việc tại Trại dưỡng lão Trảng Bàng, sau này- khi Trại dưỡng lão sáp nhập với Viện cô nhi trong Toà Thánh thành Trung tâm Bảo trợ xã hội như hiện nay, cô cũng theo về đơn vị mới và gắn bó với Trung tâm cho đến nay. Cô Ánh cho biết: “Công việc ở đây tuy cực nhưng cũng rất vui”. Cô coi mọi người ở đây đều như là người thân của mình.

Còn chị Lê Thị Tình cũng đã có thâm niên 6 năm làm việc ở Trung tâm,  chị chia sẻ: “Chăm sóc các cụ già rất khó. Nhiều lúc bị các cụ la mắng rất nặng lời, mình cũng thấy buồn giận nhưng rồi được chị em đồng nghiệp động viên, an ủi lại quên thôi. Làm việc lâu năm cũng sinh mến các cụ. Làm nghề này phải biết dẹp bỏ tự ái, nếu không sẽ không làm được đâu”. Với Nguyễn Ngọc Thảo- “bà mẹ trẻ” của các cháu bé thì công việc đến với cô như là duyên phận. Còn khá trẻ và chưa có gia đình riêng, Thảo mới làm ở đây chưa đầy 2 năm nhưng đã sớm thích nghi hoàn cảnh. Lúc đầu, công việc chăm sóc các bé sơ sinh quả là rất khó khăn với một người còn độc thân như Thảo. Nhưng bây giờ thì cô đã thạo việc lắm rồi. Thảo cười: “Những kinh nghiệm ở đây giúp mình tự tin hơn khi lập gia đình”. Các đồng nghiệp của Thảo như Thanh Thuý, Hồng Ngọc… đều đã vài ba năm gắn bó với Trung tâm và đều tìm thấy niềm vui riêng qua công việc của mình.

Ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Tây Ninh có một cặp vợ chồng cùng công tác tại đây. Đó là anh Lê Văn Mẫn và chị Phạm Thị Sương. Anh Mẫn vốn là một cô nhi, được nuôi dưỡng lớn khôn từ tình thương của những người chị, người mẹ không họ hàng. Lớn lên anh gặp và kết hôn với chị Sương- một nhân viên của Trung tâm. Giờ đây vợ chồng anh đã có hai đứa con nhỏ, cả gia đình vẫn “bám trụ” tại Trung tâm. Và anh Mẫn chính là nhân viên nam duy nhất đã nói ở phần đầu của bài viết này. Vừa làm bảo vệ, anh Mẫn vừa kiêm luôn việc chăm sóc các cụ ông. Anh Mẫn tâm sự: “Mình vốn không may, nhưng vẫn còn nhiều người khác bất hạnh hơn mình. Giờ nhìn những em nhỏ ở đây thấy thương lắm”. Ngoài những công việc kể trên, hằng ngày anh Mẫn lãnh luôn việc đưa đón các em nhỏ đi học.

Bà Nguyễn Thị Nhiền, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Tây Ninh nhận xét: các chị em làm việc tại đây hoàn cảnh hiện tại vẫn còn khá khó khăn nhưng họ vẫn luôn cố gắng hết mình để lo cho các cụ, các cháu. Hiện, lương của cán bộ, nhân viên của Trung tâm còn khá thấp, chế độ ưu đãi, trợ cấp cũng không cao mấy. Nhưng điều đáng ghi nhận là chưa ai có ý định bỏ đi nơi khác. Vì ở đây ngoài khoản tiền lương khiêm tốn, cái mà các cô nhận được khá “hậu hĩnh”, đó chính là tình cảm yêu mến, trân trọng từ chính những con người mà họ đang cưu mang, hoạn dưỡng.

NGÔ TUYẾT