BAOTAYNINH.VN trên Google News

TT. GDLĐXH Tây Ninh: Tạo việc làm cho học viên

Cập nhật ngày: 20/12/2010 - 10:49

Đến thăm Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội (GDLĐXH) Tây Ninh (toạ lạc ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) vào những ngày này, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy hầu hết học viên đều được dạy nghề và tạo việc làm. Anh Hà Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm giải thích: “Lao động sản xuất cũng là một phương pháp điều trị trong thời gian cai nghiện, chữa trị tại trung tâm, nhằm giúp học viên mau phục hồi thể lực, tập tính kiên nhẫn và có niềm tin trong cuộc sống”.

Nhìn những bộ bàn ghế bằng xi măng giả gỗ và hàng trăm chậu kiểng trồng mai được làm khá tinh xảo trước sân, chúng tôi bất ngờ khi biết tác giả của những sản phẩm này là nhóm thợ gồm 4 người, do học viên Nguyễn Hoàng Trung, ở huyện Trảng Bàng làm trưởng nhóm. Trung kể: “Trước khi vào Trung tâm, tôi đã từng làm nghề sản xuất bàn ghế, chậu kiểng bằng xi măng. Vào đây, được Trung tâm tạo điều kiện cho lao động nên tôi dạy lại cho các bạn khác để cùng làm”.  Từ tháng 6.2010 đến nay, những học viên này đã sản xuất được nhiều chậu kiểng, bán được 10 triệu đồng, 1.500 chậu kiểng lớn, nhỏ được dùng trồng mai trong Trung tâm và 6 bộ bàn ghế (trong đó đã bán được 4 bộ với giá 700.000 đồng/bộ). Các học viên được hưởng 20% số tiền này. Trung bình mỗi học viên thu nhập được 700.000 đồng/tháng.

Các học viên nam đan giỏ bội

Bên cạnh việc sản xuất bàn ghế, chậu kiểng, hơn nửa tháng nay, Trung tâm còn hợp đồng với cơ sở mây tre lá ở huyện Trảng Bàng để cho học viên làm gia công giỏ bội (loại dùng để đựng hàng gốm sứ). Cơ sở mây tre lá Trảng Bàng có trách nhiệm cung cấp nguyên liệu và hướng dẫn kỹ thuật. Giá hợp đồng gia công 1.000 đồng/cái. Học viên Võ Văn Quốc, 20 tuổi, ngụ xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng cho biết: “Trước khi vào Trung tâm, tôi không có nghề gì, chỉ kiếm sống bằng việc đi phụ hồ. Tôi được học nghề đan đát này hơn nửa tháng. Đến nay tôi đã tự mình đan hoàn chỉnh được giỏ bội. Nghề này không khó và ở địa phương có nhiều tre trúc nên sau khi ra trại, nhiều khả năng tôi sẽ kiếm sống bằng nghề này”.

Ngoài ra, gần 3 tháng nay, Trung tâm còn hợp đồng với Công ty TNHH Thu Hà (huyện Đức Hoà, Long An) dạy cho học viên làm nghề sản xuất lông mi giả. Nguyên liệu và kỹ thuật do đối tác cung cấp, hướng dẫn. Giá gia công 700 đồng/bộ, số tiền này nhằm để tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn cho học viên. Học viên Nguyễn Thị Thanh Thảo, 26 tuổi, ở TP.HCM cho biết: “Từ trước tới nay, tôi chưa biết làm nghề gì để kiếm sống. Nghề này tuy phải tập trung cao độ, nhưng tôi thấy rất thích học, vì nó nhẹ nhàng và có thể kiếm sống được sau khi hoà nhập cộng đồng”. Thảo khoe, đến nay, mỗi ngày Thảo có thể tự mình làm được trọn vẹn 3 bộ lông mi giả.  

Anh Hà Văn Nhân, cho biết thêm: “Do trình độ, lứa tuổi học viên không đồng đều nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp cho học viên. Trung tâm cũng chưa có nhiều đất để học viên có điều kiện lao động sản xuất. Sắp tới Trung tâm sẽ tìm thêm một số sản phẩm có đơn giá cao để dạy và tạo việc làm cố định cho học viên”.

Trương Dương