Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
TTCS phát triển vùng nguyên liệu mía đường Tây Ninh
Thứ ba: 09:13 ngày 25/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ở Tây Ninh, mía là một trong những cây trồng chủ lực, từng là cây xoá đói giảm nghèo của tỉnh, nhất là sau khi Nhà máy đường Bourbon - Tây Ninh (TTCS ngày nay) đi vào hoạt động vào năm 1995. Cánh cửa hội nhập mở ra nhiều cơ hội nhưng đi kèm đó là không ít thách thức cho cây mía, đòi hỏi ngành công nghiệp mía đường Tây Ninh phải có những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đem lại sự thịnh vượng cho nông dân và doanh nghiệp tỉnh nhà.

Cán bộ nhà máy TTC Sugar và một doanh nông trồng mía thăm đồng (ảnh minh hoạ)

Là vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của cây mía, Tây Ninh nhanh chóng phát triển trở thành "thủ phủ mía đường" của cả nước. Tây Ninh cũng đã rất thành công trong thực hiện công nghiệp hoá ngành chế biến mía đường, gắn liền sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phát triển được vùng nguyên liệu chuyên canh rộng lớn, năng suất cao, giúp nhiều nông dân làm giàu với nghề trồng mía.

Cây mía tại Tây Ninh có năng suất lên đến hơn trăm tấn/ha (cao hơn tới 10% so với trung bình cả nước), được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những cây trồng tạo ra sinh khối - giá trị kinh tế hàng đầu và là cây trồng tương lai của nền nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, những năm gần đây, điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" cứ lặp đi lặp lại khiến người nông dân đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều người buộc phải phá bỏ cây trồng đang mất giá để chuyển sang các loại cây cho hiệu quả kinh tế hơn. Giá cả đã trở thành yếu tố chi phối điều chỉnh diện tích cây trồng nói chung.

Không nằm ngoài quy luật thị trường, cây mía và ngành đường cũng đang phải gánh chịu sức ép tương tự. Trải qua nhiều năm thăng trầm, dù diện tích có biến động liên tục song mía vẫn luôn giữ vị trí cây trồng chủ lực trong danh mục cây trồng của tỉnh Tây Ninh.

Thu hoạch mía bằng cơ giới trên một cánh đồng lớn (ảnh minh hoạ)

Bài toán khó được đặt ra ở đây là làm sao để nông dân có đủ tiềm lực, nguồn vốn đầu tư về công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện cơ giới hoá, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm? Để giải bài toán này, đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhau cùng phát triển giữa nông dân và các doanh nghiệp mía đường.

Với định hướng nâng cao vai trò của người nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất, Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC Sugar) đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ nông dân, đồng hành cùng bà con trong việc xây dựng các cánh đồng liên kết, các cánh đồng mía lớn; tạo nền tảng cho việc mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng mía. Song song đó, TTC Sugar cũng chuyển giao toàn bộ các quy trình kỹ thuật canh tác mới, hỗ trợ máy móc thiết bị để nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo TTC Sugar, với định hướng đúng đắn, vùng nguyên liệu mía Tây Ninh đã được duy trì và từng bước phát triển, diện tích và sản lượng mía liên tục tăng qua các năm: Vụ 2020-2021 diện tích chỉ hơn 12.000 ha. Vụ 2021-2022: 13.000 ha và dự kiến vụ 2022-2023: 18.000 ha; sản lượng hơn 1,2 triệu tấn mía cây.

An Khang

Tin cùng chuyên mục