Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
TTV11 - khát vọng chuyển mình mạnh mẽ
Thứ sáu: 07:23 ngày 01/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 1.11.1977, lời xướng “Đây là Đài phát thanh tỉnh Tây Ninh” lồng trên nền nhạc Chiến thắng Bùng Binh” của nhà văn Vân An cất lên từ thị xã Tây Ninh trong niềm xúc động không chỉ với những người làm báo phát thanh mà còn với người dân Tây Ninh cùng niềm tự hào khôn tả.

47 năm về trước, ngày 1.11.1977, tại vùng đất biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc, lời xướng “Đây là Đài Phát thanh tỉnh Tây Ninh” dõng dạc cất lên. Từ trung tâm Thị xã lúc bấy giờ, tiếng loa phóng thanh vang vọng các bản tin, ngay lập tức đón nhận được sự quan tâm, lắng nghe của đông đảo người dân. Sự kiện này đã đánh dấu cho sự ra đời và đặt tiền đề cho sự phát triển của Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh hôm nay.

Những năm tháng gian khó

Ngày 1.11.1977, lời xướng “Đây là Đài phát thanh tỉnh Tây Ninh” lồng trên nền nhạc Chiến thắng Bùng Binh” của nhà văn Vân An cất lên từ thị xã Tây Ninh trong niềm xúc động không chỉ với những người làm báo phát thanh mà còn với người dân Tây Ninh cùng niềm tự hào khôn tả. 

Đặt viên gạch đầu tiên xây trụ sở Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh. Ảnh tư liệu: Báo Tây Ninh

Sau giải phóng, tài sản đầu tiên của Đài là anten nằm ở trạm phát sóng Mít Một. Nhân sự của Đài khi đó cũng chỉ có vài người từ Ty Thông tin Văn hoá; một vài người đã qua lớp đào tạo quay phim, chụp hình từ thời kháng chiến và sau đó là một lớp rất trẻ được tuyển dụng và đưa đi đào tạo cấp tốc.

Thế hệ cán bộ lãnh đạo của Đài ngày đó như ông Huỳnh Văn Luận- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Giám đốc Đài; ông Trần Vân An- Phó Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng kiêm Phó Giám đốc; ông Nguyễn Văn Thọ sau này là Phó Giám đốc, Giám đốc cùng các nhà báo Võ Thành Lập, Nguyễn Hoàng Hoá, Phạm Văn Quỳ… đã cùng chung sức để hình thành nên Đài Phát thanh Tây Ninh.

Chia sẻ về những ngày đầu khó khăn, ông Nguyễn Văn Thọ- nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh nhớ lại, sau giải phóng miền Nam, Tây Ninh bị tàn phá rất nặng nề. Lớp cán bộ Đài ngày ấy ra Bắc kết nghĩa và nhận được sự hỗ trợ thiết bị để phát sóng. Anh em thay phiên nhau chạy phát xung quanh Thị xã. Đó là lịch sử đầu tiên làm công tác phát thanh của Tây Ninh.

Nhắc về truyền hình, những ngày đầu các anh em phóng viên sử dụng máy quay phim nhựa 16 li. So với bây giờ, các thiết bị này được cho là vừa lạc hậu, vừa vất vả, nhưng thời điểm ấy, đó là tài sản rất có giá trị của Đài.

Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu năm mới 1991, những người làm truyền hình Tây Ninh hồi hộp chờ đón chương trình đầu tiên tự sản xuất, được phát sóng trên máy phát sóng thử nghiệm có công suất khiêm tốn chỉ 100W.

Cắt băng khánh thành Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh năm 1993. Ảnh tư liệu: Báo Tây Ninh

Ngày 18.1.1993, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh chính thức phát sóng buổi truyền hình đầu tiên trên kênh 11-VHF. Từ thời khắc này, các thông tin về xã hội, kinh tế, các chương trình văn nghệ - thể thao của tỉnh nhà được thực hiện bởi chính những người con Tây Ninh và được phát chính thức trên sóng Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Niềm vui sướng và hạnh phúc là không thể tả được.

Những năm 1993-1995 là giai đoạn mà Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, việc xây dựng trạm phát sóng trên đỉnh núi Bà Đen- nóc nhà của Nam bộ lúc bấy giờ được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, với nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Văn Thọ- nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh hồi tưởng: “Đài đã thuê trực thăng chở 2 máy phát điện cùng các thiết bị lắp đặt đều nặng từ vài trăm ký đến vài tấn phục vụ cho công tác phát sóng trên núi. Tôi trực tiếp ngồi trên 12 chuyến trực thăng. Lúc bấy giờ, trạm phát sóng không chỉ phục vụ cho công tác phát thanh của tỉnh nhà mà còn hỗ trợ cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ấy, anh em ở Đài mỗi tuần phải leo lên trên đỉnh núi để thay ca, đường lên hoang sơ, nguy hiểm, dốc đá cheo leo”.

Kể từ tháng 12.1999, trạm phát sóng hoạt động thử nghiệm và đi vào hoạt động chính thức, sóng truyền hình Tây Ninh có thể phủ sóng xa hơn, với bán kính hơn 100km, nhờ vậy, hầu hết 20 tỉnh, thành xung quanh đều có thể xem được chương trình của Đài.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có khoảng 90 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm để làm tốt công tác tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Không dừng lại ở các chương trình thu phát lại thông thường, các chương trình phát thanh trực tiếp lần lượt ra đời và lên sóng đều đặn. Đây được xem là một nét mới của Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh. Thông qua dự án SIDA do Thuỵ Điển tài trợ, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên của Đài đã có những phương pháp mới, hiện đại, tiệm cận với công nghệ phát thanh của các nước trên thế giới.

Đây cũng được xem là giai đoạn Đài có nhiều chương trình phát sóng, được công chúng đón nhận. Cùng với đó là sự “nở rộ” của các chương trình truyền hình trực tiếp, như: hội thi Tiếng hát truyền hình, chương trình kỷ niệm 40 năm chiến thắng Tua Hai… Tất cả đã góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, được lãnh đạo tỉnh và nhân dân hoan nghênh.

Kế thừa và phát huy truyền thống

Trong suốt 47 năm hình thành và phát triển, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh vẫn không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình và hạ tầng kỹ thuật nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của các bậc cha anh đi trước, ngày càng khẳng định thương hiệu và vị thế của TTV11 trong lòng khán, thính giả gần xa.

Nhà báo Nguyễn Thị Phương Nguyệt- phóng viên Phòng Thời sự cho biết, để có một tác phẩm hay, phóng viên phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, không ngừng học hỏi, tiếp cận khoa học - kỹ thuật. Bên cạnh đó, phóng viên còn phải thường xuyên tích luỹ kinh nghiệm sống, đi nhiều hơn, hiểu nhiều hơn, gần gũi người dân nhiều hơn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và truyền tải lên sóng truyền hình, phát thanh.

Thuê trực thăng vận chuyển thiết bị lên đỉnh núi Bà Đen lắp đặt trạm phát sóng. Ảnh tư liệu: Báo Tây Ninh

Theo ông Nguyễn Văn Hoan, ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành, một “bạn xem đài” cho biết ông cảm thấy rất hài lòng vì chất lượng hình ảnh của TTV11, nội dung chương trình có nhiều thay đổi để phục vụ người dân.

Từ năm 2023, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tự chủ 100% chi thường xuyên, thực hiện sản xuất theo nội dung đặt hàng sản xuất các chương trình phát thanh - truyền hình sử dụng ngân sách Nhà nước. Hiện nay, mỗi ngày, Đài sản xuất 6 bản tin truyền hình, 5 bản tin phát thanh theo hình thức trực tiếp. Các tin, bài phát sóng có nội dung tích cực, phản ánh cái mới, cái tốt, cái hay để nhân rộng, đồng thời phê phán cái xấu, cái tiêu cực; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Tây Ninh và đi sâu khai thác giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh nhà trong xây dựng và phát triển.

Năm 2024, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng cả nội dung chính luận và giải trí, được khán, thính giả đón nhận... Đài còn phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực II, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phối hợp sản xuất loạt phóng sự tài liệu, tổ chức thành công các toạ đàm “Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam - 45 năm nhìn lại” (7.1.1979 - 7.1.2024), “Mệnh lệnh từ trái tim” nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7; Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng - Cúp Tân Nhiên…

Bên cạnh đó, các sự kiện trọng đại, các dịp lễ, tết, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh còn đầu tư sản xuất, liên kết sản xuất các chương trình truyền hình trực tiếp, phát thanh trực tiếp; chuyển ngữ các sản phẩm để trao đổi, hợp tác với VTV5; gửi VTV1, và VTV9, VOV TV; nâng cao việc đưa tin trực tiếp tại hiện trường.

Đảng uỷ, Ban Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh quan tâm, chỉ đạo nâng cao chất lượng các tác phẩm tham gia giải báo chí. Tại Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2024, Đài đã đạt 2 giải Bạc, 2 giải Đồng và 1 giải ứng dụng nền tảng số xuất sắc.

Ông Vũ Xuân Trường- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho rằng, ngoài phát sóng, bây giờ có một khái niệm là phân phối nội dung dựa trên nền tảng internet, trên các hạ tầng vừa là Social Network vừa là app, các trang web do Đài xây dựng, phát huy hạ tầng truyền thống và tận dụng được hạ tầng số có sẵn, hạ tầng số miễn phí và xây dựng các hạ tầng riêng của Đài. Cho đến thời điểm này, khán, thính giả có thể tiếp cận các nội dung của Đài rất thuận tiện.

Với những bước đi phù hợp, đến nay Đài có 6 kênh YouTube, 2 trang Fanpage, 2 kênh TikTok, Zalo Official Truyền hình Tây Ninh, ứng dụng di động Tây Ninh TV; website http://tayninhtv.vn, landingpage https://www.ttv11.com.vn; landingpage du lịch: www.dulich.ttv11.com.vn.

Nhìn lại chặng đường 47 năm qua, dẫu có những nốt trầm, nhưng Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh đã cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì một TTV11 - Khát vọng chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ngọc Hậu

“Mục tiêu sắp tới, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh xây dựng nền báo chí truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là tiếp tục có những bước đi vững chắc trong lộ trình thực hiện cơ chế đặt hàng, tự chủ”.

Ông Võ Văn Quý- Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh

Tin cùng chuyên mục