Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từ 1.5.2024: Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực thi hành
Thứ tư: 07:20 ngày 24/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 23.4, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Hội nghị đã được nghe triển khai các nội dung của Nghị định số 32/2024/NĐ-CP; dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 32; Nghị định số 43/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Theo Cục Công Thương địa phương, ngày 15.3.2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5.2024, có một số điểm mới nổi bật và thay đổi đáng chú ý so với các nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp trước đây.

Cụ thể: Nghị định số 32 quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Đối với các đơn vị đã được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP tiếp tục hoạt động đến khi có quyết định sắp xếp, xử lý của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại Nghị định số 32 và pháp luật liên quan.

Nghị định tiếp tục quy định thủ tục thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; quy định về đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, bao gồm tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; thuê đất, cấp giấy phép xây dựng trong cụm công nghiệp; quyền của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp; quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh; đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp.

Cũng theo nghị định này, giao UBND cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật quyết định việc điều chỉnh nội dung hoặc bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 

Có thể nói, Nghị định số 32 được xây dựng và ban hành là cơ sở pháp lý để các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trong chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh, kiến nghị của các địa phương, tổ chức, cá nhân về quản lý cụm công nghiệp để xem xét, giải quyết hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết trong quá trình xây dựng hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định số 32 của Chính phủ và các văn bản có liên quan nhằm giúp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã ở các địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan nắm chắc, hiểu rõ, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Nhà nước. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển khu công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền các địa phương chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn và chương trình, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp ở địa phương bảo đảm phù hợp với các quy định của Nghị định 32 và các quy định khác có liên quan, huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp...

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh