BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ 1/8/2024, những trường hợp đất không có giấy tờ nào sẽ được cấp sổ đỏ? 

Cập nhật ngày: 23/07/2024 - 19:18

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15. Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.


Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa.trà lời báo chí tại cuộc họp báo - Ảnh Mỹ An.

Về nguyên tắc, nếu như đất sử dụng ổn định, tùy theo từng thời điểm thì có thể đương nhiên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng phải phù hợp với quy hoạch, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa.

Thông tin trên được bà Hoa cho biết tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15.

Theo Luật này, các luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, từ 1/8/2024.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ, không có tranh chấp, bà Hoa nêu rõ, từ trước đến nay, Luật Đất đai đã quy định rất cụ thể về loại đất này. Luật vừa thông qua có sự kế thừa của Luật Đất đai từ trước đây cho đến bây giờ, vẫn không có sự thay đổi.

“Về nguyên tắc, nếu như đất sử dụng ổn định, tùy theo từng thời điểm thì có thể đương nhiên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng phải phù hợp với quy hoạch”, bà Hoa giải thích thêm.

Vẫn theo Thứ trưởng Phương Hoa, cũng có thể có trường hợp trong diện “được xem xét” để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Nguyên tắc này vẫn không thay đổi trong Luật Đất đai, từ 2003, đến 2013 và cho đến nay vẫn giữ như vậy”, bà Hoa nhấn mạnh.

Tất cả các trường hợp này sẽ được xem xét để được cấp giấy chứng nhận. Còn cụ thể ra sao sẽ phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, với đất sử dụng ổn định từ năm 1993, hoặc trước 1/7/2014, các quy định trong luật rất cụ thể, từng trường hợp một sẽ phải áp vào đó để xem mình thuộc trường hợp nào, bà Hoa cho hay.

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư về tiến chuẩn bị các văn bản dưới luật để đảm bảo các luật có hiệu lực sớm, với Luật Đất đai, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết Thủ tướng đã có kế hoạch phân công các bộ ngành, địa phương chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Đến nay đã ban hành 3 nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành gồm có Nghị định số 42/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động lấn biển, Nghị định 71/2024/NĐ-CPngày 27/6/2024 quy định về giá đất và Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 13/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Các các nghị định còn lại đã lại được các Bộ Tài Nguyên và môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai xây dựng theo đúng quy định. Các  dự thảo đã được lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng chịu sự tác động, cũng đã có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và hiện nay các dự thảo nghị định này đang đang hoàn thiện và chỉ chờ Thủ tướng ký ban hành, bà Hoa thông tin thêm.

Thứ trưởng Hoa cũng cho hay, các quyết định của Thủ tướng, các thông tư cũng đang được gấp rút hoàn thiện để khi các nghị định được Thủ tướng ký ban hành thì sẽ được ký để đáp ứng việc các luật có hiệu lực sớm.

Với các địa phương, theo bà Hoa, Luật cũng giao cho địa phương ban hành 1 số văn bản như đơn giá bồi thường thực tế nhà ở, cây trồng vật nuôi, mức bồi thường chi phí di chuyển tài sản, quy định mức hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất, suất tái định cư tối thiểu…

Hiện nay các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản trên để đáp ứngviệc thi hành Luật Đất đai, theo Thứ trưởng Hoa.

Về 2 Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Thứ trưởng Hoa cho hay Thủ tướng đã ban hàng danh mục và phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn. Hiện nay các nghị định đã được Bộ Xây dựng xây dựng, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, đều đã được báo cáo Chính phủ là đủ điều kiện ký ban hành.

Với các quyết định của Thủ tướng và các thông tư, theo bà Hoa, cũng được dự kiến ban hành có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của luật.

Một câu hỏi khác cũng được phóng viên Báo Đầu tư nêu tại cuộc họp báo, đó là tiếp xúc với đại biểu Quốc hội sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, một số doanh nghiệp ở các thành phố lớn vẫn tiếp tục đề nghị được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Việc thí điểm này, theo Chính phủ là cần thiết để tiếp tục tăng cường sự quản lý nhà nước đối với việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, bảo đảm công khai, minh bạch trong sử dụng đất đê thực hiện dự án nhà ở. Vậy tại sao đề án thí điểm này vẫn chưa được trình Quốc hội, dự kiến có tiếp tục được  trình ở Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới hay không?

Trả lời, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nói, theo thông báo của Tổng thư ký Quốc hội thì đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở chưa đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Hiện nay Bộ Tài nguyên và môi trường đang tiếp tục hoàn thiện thêm nội dung này để trình Quốc hội đưa vào chương trình, bà Hoa cho hay.

Nguồn baodautu