BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ 2006- 2010: Hằng năm, Tây Ninh giải quyết việc làm cho hơn 21.000 lao động

Cập nhật ngày: 19/11/2010 - 10:08

(BTNO) - Theo UBND tỉnh, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1.4.2009, dân số tỉnh Tây Ninh có 1.066.402 người, trong đó tỷ lệ dân số ở nông thôn 84,20%; tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm 1%; tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động 68,4%; về cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế nông, lâm, thuỷ sản - công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ tương ứng: 48% - 16,4% - 35,6%.

Các khu, cụm công nghiệp đang thu hẹp dần diện tích đất canh tác, dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ lao động bị thiếu đất sản xuất, tình trạng thiếu việc làm, nhàn rỗi ở vùng nông thôn đang là vấn đề bức xúc.

Trong những năm qua các ngành, các cấp của tỉnh bằng nhiều biện pháp tích cực đã phát huy nguồn lực lao động, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là khu vực nông thôn; đồng thời với sự phát triển nhanh các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang thu hẹp dần diện tích đất canh tác, dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ lao động bị thiếu đất sản xuất, tình trạng thiếu việc làm, nhàn rỗi ở vùng nông thôn đang là vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách.

Trước tình hình đó, cùng với các giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm thì nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng vai trò hết sức quan trọng và mang tính chiều sâu, đột phá.

Để góp phần thực hiện chỉ tiêu lao động qua đào tạo và dạy nghề đến năm 2015 đạt 60% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra, UBND tỉnh xây dựng Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 22, dự kiến tổ chức đầu tháng 12 này.

Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2006- 2010, bình quân hằng năm, Tây Ninh đã giải quyết việc làm cho 21.734 người, tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 3,9%, thời gian sử dụng lao động nông thôn khoảng 86%, tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề ước đạt 45%.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh bắt đầu thực hiện từ năm 2004. Đến nay, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở được 505 lớp với 15.089 học viên, đào tạo 14 nghề gồm: khai thác mủ cao su, kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, đan lát, trồng rau sạch, điện dân dụng, nuôi cá nước ngọt, may công nghiệp, trồng nấm các loại, kỹ thuật nuôi ba ba, thêu rua xuất khẩu, đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật chăn nuôi bò, se nhang, kỹ thuật nuôi ếch. Tổng kinh phí thực hiện hơn 8,2 tỷ đồng, đạt 91,36% so kế hoạch.

Chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn tạo điều kiện cho lao động nông thôn là những người không đủ điều kiện vào làm trong các doanh nghiệp có một nghề phù hợp với khả năng, sức lao động, sát với nhu cầu thực tế ở địa phương. Từ đó, đã giúp cho lao động nông thôn có thêm việc làm, cải thiện đời sống, có thu nhập cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, hạn chế tệ nạn xã hội ở địa phương.

Nhu cầu lao động đã qua đào tạo rất cao

Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế như: Trình độ học viên không đồng đều, phần lớn học viên đều là lao động chính, nhà nghèo, vừa tham gia học tập vừa làm công việc đồng áng phụ giúp gia đình nên số lượng, chất lượng còn hạn chế, không đảm bảo duy trì sĩ số; Ngành nghề chưa được mở rộng, chất lượng, hiệu quả ở một số ngành nghề còn hạn chế như kỹ thuật nuôi ếch, kỹ thuật nuôi ong, điện dân dụng; Chưa huy động được các nguồn lực để tham gia hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước; Việc triển khai thực hiện chương trình dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn còn chậm, công tác phân khai tài chính về các đơn vị chậm trễ gây ảnh hưởng một phần đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác chiêu sinh cũng gặp khó khăn do trùng hợp với thời vụ cuối năm của nông dân.

Theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2011 – 2015, cần phải đào tạo nghề cho khoảng 25.000 lao động nông thôn. Trong đó 8.750 nghề nông nghiệp, 16.250 nghề phi nông nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề chiếm 60% tổng lao động xã hội. Tạo điều kiện giải quyết việc làm bình quân hằng năm 20.000 lao động.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, đào tạo nghề cho khoảng 25.000 lao động nông thôn. Trong đó, 8.750 nghề nông nghiệp, 16.250 nghề phi nông nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt khoảng 70%. Tạo điều kiện giải quyết việc làm bình quân hằng năm khoảng 18.000-19.000 lao động.

Mục tiêu của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 đề ra là, bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 6.600 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng 1.600 lượt cán bộ, công chức cấp xã; Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Để thực hiện Đề án này, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng Trường Trung cấp nghề Tây Ninh trở thành hạt nhân nòng cốt trong việc đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp tương ứng với các trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Tiếp tục đầu tư cho Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh, phát huy hiệu quả năng lực hiện có và đáp ứng nhu cầu phát triển khu, cụm công nghiệp thuộc các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu. Thành lập mới Trung tâm Dạy nghề khu vực Bắc Tây Ninh (huyện Tân Châu), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đến năm 2020 sẽ nâng lên trường trung cấp nghề. phát triển mạng lưới, mở rộng chức năng đào tạo nghề của các Trung tâm GDTX nhằm tăng cơ hội học nghề cho người lao động, từng bước phổ cập nghề đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Việc đào tạo nghề ngắn hạn góp phần cải thiện đời sống của người dân 

Đối với các Trung tâm Giới thiệu việc làm  và các Trung tâm khác, đặc biệt là Trung tâm Giới thiệu việc làm Khu công nghiệp Trảng Bàng, củng cố và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; gắn đào tạo với tư vấn giới thiệu việc làm, thực hiện chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập để cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp gắn đào tạo nghề với việc làm để phục vụ nhu cầu lao động kỹ thuật phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Phát triển đào tạo nghề theo hướng này sẽ gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu thiết bị, thiếu cơ sở vật chất.

Tạo điều kiện và môi trường để duy trì và phát triển hình thức kèm cặp, truyền nghề tại các làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông - lâm - thuỷ sản, lĩnh vực mà các cơ sở dạy nghề hiện nay chưa có điều kiện thực hiện.

PHƯƠNG LY