Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Từ 2025, lực lượng chức năng được quyền bắn hạ flycam không cần cảnh báo
Thứ hai: 08:40 ngày 22/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 thì lực lượng chức năng được phép nổ súng bắn hạ flycam khi làm nhiệm vụ.

Vừa qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2025, trừ quy định tại Điều 17, Điều 32 và khoản 1 Điều 49 (có hiệu lực 1-7-2025) với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành.

Bổ sung thêm quy định được nổ súng bắn hạ Flycam

Theo đó, khoản 2, Điều 23 quy định người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp như:

- Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện không người lái trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, bạo loạn, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;

Lực lượng chức năng được phép nổ súng bắn hạ flycam khi làm nhiệm vụ.

- Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác...

Người thi hành nhiệm vụ độc lập cũng được phép nổ súng nhưng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng nếu rơi vào các trường hợp như: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả hoặc gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Người đang bị truy nã, bị bắt, bị giữ trong trường hợp khẩn cấp... đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác...

Như vậy có thể thấy, Luật mới đã bổ sung thêm trường hợp lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ được nổ súng quân dụng và thiết bị không người lái trong trường hợp phương tiện bay không người lái này trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.

Bổ sung súng tự chế là vũ khí quân dụng

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 cũng đã bổ sung nhiều loại súng tự chế vào nhóm được xác định là vũ khí quân dụng.

Cụ thể, khoản 2, Điều 2 quy định vũ khí quân dụng bao gồm: Súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi, đạn sử dụng cho các loại súng này.

Số liệu thống kê cho thấy trong tổng số 2.113 vụ án các đối tượng sử dụng trái phép các loại súng gây án, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì chỉ có 330 vụ đối tượng sử dụng súng quân dụng, còn lại 1.783 vụ (chiếm 84,4%) đối tượng sử dụng súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng nén khí, nén hơi…), nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, nguy hiểm như vũ khí quân dụng. Do đó, cần thiết phải bổ sung các loại vũ khí này vào nhóm vũ khí quân dụng.

Cạnh đó, Luật mới cũng xác định linh kiện cơ bản của các loại súng như: thân súng, nòng súng, bộ phận cò, bộ phận khóa nòng, kim hỏa cũng được xếp loại là vũ khí quân dụng.

Cũng tại Điều 2 của Luật này quy định dao sắc, dao nhọn (dao có tính sát thương cao) sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ được xác định là vũ khí thô sơ.

Được phép trao đổi, tặng, cho vũ khí, công cụ hỗ trợ có điều kiện

Theo đó, việc trao đổi, tặng, cho, tiếp nhận, viện trợ, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ chỉ được thực hiện trong trường hợp sau:

- Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài tặng, cho, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước để phục vụ việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, trang bị, sử dụng hoặc trưng bày, triển lãm.

- Trao đổi, tặng, cho, tiếp nhận, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm, làm đồ gia bảo.

- Được cấp có thẩm quyền cho phép.

Theo quy định hiện hành thì nghiêm cấm tuyệt đối, không có trường hợp ngoại lệ

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục