Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mặc dù bị mù nhưng với nghị lực mạnh mẽ, bản tính cần cù, chịu khó, ông Lưu Văn Tại, sinh năm 1943, ngụ tổ 2, ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành đã vượt qua số phận, trở thành tấm gương tiêu biểu trong lao động phát triển kinh tế gia đình ở địa phương.
Vợ chồng ông Tại với công việc hằng ngày.
Là người con thứ 8 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, năm 1985, sau một cơn đau đầu, ông Tại cảm thấy mắt mình cứ mờ dần đi. Dù gia đình đã cố gắng chạy chữa nhưng việc điều trị không đem lại hiệu quả, hai năm sau, ông Tại đành chịu kiếp mù loà. Khi biết mình đã bị mù vĩnh viễn, ông cảm thấy hoang mang, tuyệt vọng.
Tưởng đâu số phận cuộc đời mãi mãi đắm chìm trong bóng tối, không ngờ ông lại được cuộc đời bù đắp cho “đôi mắt thứ hai”. Ðó là một cô gái sinh năm 1954, người Hoà Thành, cùng làm công quả trong họ đạo với ông Tại.
Cũng vì hâm mộ tiếng đàn guitar của người đàn ông mù loà, người phụ nữ ấy đã tự nguyện cùng ông gắn bó, chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Năm 1989, hai người quyết định “góp gạo nấu cơm chung”.
Ông Nguyễn Văn Ðở- nguyên là Trưởng ấp Hiệp Bình, ở gần nhà ông Tại kể lại, hồi đầu năm 1995, vợ chồng ông Tại đến ấp này trong tình cảnh không nhà cửa, không nơi nương tựa, hằng ngày phải đi ăn xin, tối ngủ mái hiên.
Thấy thương tình, ông Ðở đưa hai người vào ở tạm trong một căn chòi vốn là tiệm hớt tóc đã bỏ hoang, rồi vận động bà con lối xóm cho chiếc gường tre, mùng, mền cùng một ít gạo và một số vật dụng sinh hoạt.
Từ khi có chỗ nghỉ ngơi, hằng ngày, vợ chồng ông Tại đi mót lúa để kiếm sống qua ngày. Sau đó, hai vợ chồng được chính quyền địa phương cho hợp thức hoá miếng đất 150 mét vuông và căn chòi.
Năm 2010, ông Tại được Hội Người mù của huyện trao cho một con bò cái sinh sản. Ðược tiếp sức, ông bàn với vợ quyết tâm vươn lên bằng chính đôi bàn tay lao động, bằng chính những giọt mồ hôi của mình. Vợ chồng ông cùng nhau làm lụng, vừa đi cắt cỏ, vừa chăn dắt, chăm sóc bò.
Sau một năm, bò mẹ đẻ con, đến năm 2015, hai ông bà đã có thêm 4 con bò con. Bán đi một con bò, ông bà thu được hơn 10 triệu đồng. Số tiền ấy cộng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, vợ chồng ông đã có được căn nhà gạch 25 mét vuông, nền lát gạch bông khang trang, thay cho cái chòi tranh vách đất trước đó.
Số tiền tích luỹ được do chắt chiu, tằn tiện, ông bà mua heo về nuôi, mỗi lứa xuất chuồng từ 200 đến 300kg heo hơi. Nguồn thu từ việc bán heo đã giúp ông bà có cuộc sống ổn định, không còn phải dang nắng, dầm mưa ra đồng mót lúa nữa.
Ông Lê Văn Kim- Trưởng ban Mặt trận ấp kể, bà con trong ấp ai cũng khâm phục ông Tại- người đàn ông tuy mù loà nhưng việc gì cũng làm được, từ việc cắt cỏ, chăn bò, vệ sinh chuồng trại đến chăm sóc đàn heo, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…
Ðiều dễ nhận thấy là trên gương mặt ông luôn tươi nở nụ cười thể hiện một tinh thần lạc quan, không hề tự ti mặc cảm về sự khiếm khuyết thể chất của mình. “Trời không cho tôi đôi mắt nhưng không nỡ lấy mất đôi bàn tay. Mà còn chân, còn tay là còn làm, còn lo được cho bản thân”- ông Tại tâm sự.
Bà Út- vợ ông luôn khẳng định: “Dù khó khăn đến mấy, chỉ cần vợ chồng đồng lòng, gắn bó với nhau là vượt qua được hết”.
Ông Trương Văn Trai, Trưởng ấp Hiệp Bình hiện tại cho biết, hiện vợ chồng ông Tại đang có trong tay 5 con bò và 4 con heo thịt, trị giá hơn 100 triệu đồng. Khoản tài sản ấy tuy không lớn đối với nhiều người khác nhưng với một người mù loà như ông Tại là cả một thành quả lao động đáng ghi nhận.
Gia đình ông sống hiền lành, vợ chồng hạnh phúc, nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hoá, được bà con lối xóm quý mến. Ngày hội đại đoàn kết của ấp vừa qua, ông được nhận giấy khen của UBND cấp huyện và cấp xã.
Vượt lên cảnh ngộ khó khăn để tạo lập hạnh phúc cho mình, ông Lưu Văn Tại đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể, làm cho cuộc sống của chính mình trở nên tươi đẹp hơn.
Quang Hà