BAOTAYNINH.VN trên Google News

Từ bán vé số dạo thành tỷ phú

Cập nhật ngày: 26/08/2009 - 05:57

Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” 5 năm của huyện Gò Dầu, có một báo cáo điển hình làm cho người nghe phải trầm trồ thán phục. Từ chỗ tay trắng, bằng nghị lực đôi vợ chồng ấy đã lần lượt vượt qua mọi khó khăn, vất vả để có một ngày nắm trong tay khối tài sản hàng tỷ đồng. Đó là gia đình của cựu chiến binh Đặng Thành Đức (sinh năm 1964) và vợ anh là Bùi Thị Thi (tự Thuỷ), sinh năm 1968, hiện ngụ tại ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang.

Trong căn nhà mới khang trang, vợ chồng Đức – Thi cùng ôn lại quá khứ của đời mình.

Hạnh phúc của vợ chồng Đức - Thi trong căn nhà mới khang trang.

Đức sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lại sớm chịu mồ côi cha nên mới học đến lớp 6, Đức đành phải giã từ sách vở, lao vào cuộc mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau để nuôi thân và nuôi mẹ. Trong lao động, anh quen và yêu cô thôn nữ cùng quê đẹp người, đẹp nết tên Thi, có trình độ học vấn hơn anh đến 6 lớp. Giữa lúc đôi trai gái đang tha thiết yêu nhau, thì tháng 2.1986, Đức phải lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Ngày chia tay, họ ngoéo tay nhau thề sẽ chờ đợi nhau suốt đời. Đến tháng 10.1989, Đức được phục viên. Tay trong tay, tình càng nồng thắm nhưng lúc này gia đình Đức rất khó khăn. Cả nhà Đức (ngoài mẹ Đức còn một người anh và một người chị) phải sống trong căn nhà lá trên phần đất ở đậu của người khác. Mặc dù vậy Thi cũng hết lòng yêu Đức. Gia đình Thi cũng rất thương Đức. Biết gia đình Đức rất khó khăn nhưng họ vẫn vui vẻ chấp thuận cuộc hôn nhân giữa Đức - Thi. Năm 1990 hôn lễ được cử hành. Ngày vui nhất của cuộc đời, mà Đức không mua nổi một chỉ vàng để tặng vợ. Để “nở mặt nở mày” trong ngày cưới, Đức –Thi (và được sự đồng ý của ba mẹ Thi) bàn nhau mượn vàng của một người thân của Thi để Đức dùng làm sính lễ. Cưới xong, là tháo vàng ra trả lại cho người ta ngay. Đôi vợ chồng trẻ lại lao vào cuộc mưu sinh vất vả, nhưng cũng rất hạnh phúc. Mọi việc gia đình dù lớn hay nhỏ Đức-Thi đều bàn bạc thống nhất nhau rồi mới quyết định thực hiện.

Cưới nhau xong cả hai vợ chồng anh Đức – chị Thi đều không có việc gì làm ổn định, cả hai phải chọn cái nghề “bán sự may mắn cho người khác”- bán vé số. Lúc này mẹ của Đức bị mù và bệnh nặng, nên anh Đức chỉ đi bán ở gần nhà để tiện tranh thủ về nhà chăm sóc mẹ. Còn chị Thi đi xa hơn- đến tận thị trấn Gò Dầu (cách nhà khoảng 20 cây số). Bán vé số hơn một năm, khi sinh đứa con đầu lòng hai vợ chồng mới nghỉ. Nhờ “thắt lưng, buộc bụng”, hai vợ chồng cũng dành dụm được chút đỉnh. Anh chị lại bàn bạc mua máy về làm nghề xạc bình ắc-quy. Trong lúc này Đức còn làm đủ thứ nghề khác như chạy xe ôm, mua bán tre, mua bán hạt tiêu, hạt điều…. Đến năm 1995, Đức làm đơn xin vào Hội Cựu chiến binh. Thông qua sinh hoạt Hội, anh đã mở rộng được tầm nhìn, biết được nhiều gương thương binh vượt khó vươn lên. Từ đó Đức cũng quyết chí noi theo. Thấy Đức chí thú làm ăn, năm 1998, Hội Cựu chiến binh xét, đề nghị cho anh được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Vay được 3 triệu đồng, vợ chồng anh Đức mua một cái máy dầu để bơm nước. Lúc này hai vợ chồng được cha mẹ chia cho 50 cao (0,5 ha) đất sản xuất. Có máy bơm nước, chủ động sản xuất, ngoài làm lúa, anh Đức còn trỉa đậu tưới. Ngoài thời gian làm ruộng nhà, anh còn nhận bơm nước mướn. Bất kể ngày đêm, gần hay xa, hễ có người mướn bơm nước là anh đi ngay. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn.

Chị Thi buôn bán vật tư nông nghiệp.

Có được một số vốn trong tay, vợ chồng anh Đức đầu tư chăn nuôi heo. Lúc đầu, nuôi 6 con, sau đó phát triển dần. Chỉ sau hai năm nuôi heo, vợ chồng anh Đức đã có được khoản vốn kha khá và anh đã mua được 2 ha ruộng.

Ngoài làm ruộng, nuôi heo, vợ chồng anh Đức còn mở cơ sở mua bán phân bón, thuốc trừ sâu. Để đủ điều kiện mở cơ sở này, chị Thi phải tạm gác công việc gia đình theo học khoá bảo vệ thực vật. Năm 2003, hai vợ chồng mở cơ sở mua bán phân bón, thuốc trừ sâu. Từ đó kinh tế gia đình ngày càng khá hơn. Đàn heo của anh Đức có cả trăm con. Để giảm chi phí cho heo ăn, vợ chồng anh mua máy xay lúa, đồng thời làm lò nấu rượu. Hằng ngày anh Đức phụ trách nhà máy xay lúa và chăm sóc đàn heo. Còn chị Thi quản lý cửa hàng vật tư nông nghiệp. Công việc nhiều, anh chị phải thuê mướn thêm hai nhân công phụ việc. Đầu năm 2009, vợ chồng anh Đức, chị Thi xây căn nhà rất khang trang trị giá gần 900 triệu đồng.

Xin nói thêm, vợ chồng Đức –Thi còn là một điển hình trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Anh chị  có hai con. Con trai lớn đang học lớp 12. Còn đứa con gái út nay mới 4 tuổi.

Nhờ kinh tế gia đình ổn định, cựu chiến binh Đặng Thành Đức cùng với vợ tích cực giúp đỡ những hộ khó khăn ở địa phương. Gia đình anh cũng rất nhiệt tình tham gia đóng góp làm đường giao thông nông thôn và tham gia các công tác từ thiện xã hội khác do địa phương vận động.

N.H