Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bên Bàu Sen, đã không còn bàu sen nữa. Ðấy là tin buồn đầu tiên, nghe được từ một bác cán bộ trực văn phòng ấp. Bác bảo, trước thì có, bàu rộng độ 1 ha. Nay người ta đã lấp dần làm ruộng, bàu cũng không còn. Vậy là sen đã “tái định cư” bên ấp Cầu Trường.
Tịnh xá Ngọc Như.
Ghi chép của Nguyễn Quốc Việt
Chẳng biết có duyên nợ gì với miền đất mang tên Hảo Ðước mà mỗi chuyến đi qua, lại thấy dậy vang lên những tên đất, tên người. Vâng! Nói về Hảo Ðước, nhiều người Tây Ninh sẽ nghĩ ngay tới phủ An Cơ, nơi Khâm Tấn Tường (hoặc ông Táng Văn Tương, theo cụ Nguyễn Hồng Phan) bất tuân lệnh triều đình vua Tự Ðức mà tổ chức nghĩa quân kháng Pháp.
Ðấy là hồi năm 1862, triều Nguyễn bạc nhược, giao nộp ba tỉnh miền Ðông cho quân Pháp. Rồi đến năm 1866, Trương Quyền lại “hùng cứ” nơi này, liên tiếp đánh cho quân Pháp những trận khiến chúng phải nhớ đời.
Bởi cả quan ba Chủ tỉnh, lẫn quan năm Mác-se-zơ từ Sài Gòn đưa tàu chiến cùng đại bác lên cứu viện đều bị nghĩa quân chém chết…
Ðến thời sau Cách mạng tháng 8.1945, từ năm 1951 nơi đây lại vang danh cái tên Ðước-Hoà-Bình thuộc tỉnh Gia Ðịnh Ninh. Vùng căn cứ kháng chiến mở rộng ra bảo bọc lực lượng cách mạng miền Ðông và của cả mấy tỉnh vừa sáp nhập.
Gian khổ tột cùng! Có lúc phải đi hốt hạt tre về để nấu cháo thay cơm, nhưng cũng là cái duyên cho Hoàng Việt viết bài ca Lên Ngàn nổi tiếng: “Hò ơ… dòng sông chảy xiết, lái thuyền chèo đi…
Trên sông Vàm Cỏ Ðông, nước chảy ngược dòng, nước ngược dòng”. Giai điệu lạc quan lại vang lên ngay sau mùa lũ lịch sử Nhâm Thìn 1952…
Thế mà, nghĩ lại thấy những chuyến đi trước của mình toàn bám theo đường tỉnh lộ 788, nay đã mặt bê tông nhựa lì láng, kẻ những đường sơn vàng như ở phố.
Mà đường ấy thì nay chỉ đi qua có xã An Cơ- xã mới lập từ đầu năm 2004, được tách ra từ Hảo Ðước. Vì thế, mới chỉ quen thuộc những địa danh như Sa Nghe, Vịnh hoặc An Cơ.
Trước đó, An Cơ cũng chỉ là một ấp ở phần phía Bắc đường 788, trong đó có bàu Huỷnh, bến Lon cặp kề với huyền thoại phủ An Cơ.
Xin tạm gọi đây là huyền thoại, bởi cho đến nay chưa thấy ai tìm được dấu tích của công trình nhà cửa hoặc vũ khí, vật dụng của thời kỳ ấy (1862).
Cách nay mươi năm, còn thấy một bờ thành đất mọc toàn tre gai dọc theo bờ sông Vịnh (rạch Sóc Om). Nhưng nay thì tất cả đã gần bình địa, để thành những rừng cao su triền miên, nối tiếp dọc bờ.
Cái danh xưng phủ gắn với tên An Cơ kia chắc chỉ là biểu tượng. Rằng khi đất nước bị xâm lăng sẽ luôn có một vùng cho những người không đội trời chung với giặc.
Nếu như cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất, miền đất ấy là phủ An Cơ trên miền quê Hảo Ðước thì đến cuộc kháng chiến chống Pháp lần 2 do Ðảng lãnh đạo, đã trở thành nhiều vùng căn cứ địa anh hùng khác.
Như các chiến khu Trà Vong, Dương Minh Châu… Và trong kháng chiến chống Mỹ sau đó sẽ là những căn cứ địa Bời Lời, Dương Minh Châu, Bắc Tây Ninh, căn cứ R…
Xin trở lại với Hảo Ðước bây giờ. Khi phần phía Bắc và hai bên đường 788 đã là của xã mới An Cơ, thì Hảo Ðước như “lùi lại” phía sau, nhường hết những thơm thảo, vẻ vang cho đứa con mình mới mang nặng đẻ đau sinh ra. Và dường như, đây mới chính là vùng dân cư thời xa xưa của làng quê Hảo Ðước.
Nhà sư Thích Huệ Chơn, trụ trì tịnh xá Ngọc Như khoe đã vừa hoàn thiện được ngôi tịnh xá khang trang. Dịp Phật đản 2018, đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng lên đây thăm và chúc mừng.
Thêm nữa, vùng đất từng chịu đựng cả trăm năm chiến đấu này xưa nay làm gì có chùa chiền. Trong quá khứ chỉ có chuyện một lần Yết Ma Lượng, vị sư nổi tiếng ở miền Nam lên đây lập chùa An Cơ thời sau năm 1853, khi có lời kêu gọi của quan Tổng trấn Nguyễn Tri Phương đi khai mở các đồn điền. Nay chùa ấy đã không còn dấu tích.
Muốn tới Hảo Ðước bây giờ, cứ đến thị trấn Châu Thành, rẽ phải về ngã tư ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, rồi rẽ trái thẳng lên. Sư Huệ Chơn bảo, qua Cầu Da độ 500 mét nữa thì rẽ phải.
Ai có ngờ đâu cái đoạn rẽ phải này gần như đi xuyên qua gần hết ấp Cầu Trường, khoảng 4km nữa thì mới đến được tịnh xá Ngọc Như, nơi nhà sư xới đất, lật cỏ đã bao năm để tạo dựng nên một cơ ngơi đầy thuyết phục.
Nhưng, để tới được tịnh xá, còn phải đi ngang qua những khóm dân cư của ấp Cầu Trường. Con đường vào, từ ấp Bàu Sen như một cành cây vươn về phía An Cơ, ấp Vịnh.
Ðường thì rộng nhưng vẫn là đường đất. Sau những trận mưa đầu mùa đã có nhiều vũng nước đọng trên đường. Xe máy cày vẫn cứ nguềnh ngoàng ào tới lội qua, còn xe máy khéo léo chọn lối quanh co để tránh.
Nhà cửa vẫn còn thưa thoáng, nhưng phần đông đã được nâng lên cấp 4 với tường xây, mái lợp tôn và gạch men ốp lát trước hiên nhà. Cũng đã có một ngôi được xây tươm tất như biệt thự.
Nhưng điều thú vị nhất lại là những ngôi nhà kiểu làng quê xưa cũ, kiểu chữ đinh hẳn hoi với một vuông sân gạch đỏ. Vài ngôi còn có cả nhà cao cẳng làm nơi đậu xe máy cày.
Vẫn còn có những cặp bò gặm cỏ dưới xao xác bóng dừa, nhưng dường như không còn xe bò kéo nữa. Về các miền quê Tây Ninh hôm nay, ngay cả đường đất cũng đã hiếm gặp rồi.
Vậy nên qua ấp Cầu Trường có một nét gì đó thân quen. Như một mảnh hồn quê từ ký ức hiện ra. Ngay tại Trường tiểu học Cầu Trường, ngôi trường có vẻ lớn cao nhất xóm ấp ấy cũng đưa ta trở về quá khứ khoảng hơn 20 năm trước.
Ðấy là hai dãy lớp học trệt, được xây từ khi thành lập sau năm 1993. Còn ngôi trường lầu cao lợp ngói đỏ hoe mới xây năm 2008. Chỉ một cây xà cừ cổ thụ là đủ buông đầy bóng mát xuống sân trường.
Cô giáo Mai của trường đã kể cho tôi nghe như thế. Cô còn bảo: - Cây xà cừ này không chỉ là kỷ niệm, mà còn là “đặc sản” của trường em.
Ðầu ấp là trường học, thì gần cuối ấp đã mọc thêm ngôi tịnh xá Ngọc Như. Thật chẳng thể ngờ, giữa ấp Cầu Trường mộc mạc đơn sơ lại có một chốn “cửa Phật” to đẹp và khang trang đến thế.
Cổng vào đường bệ, tường rào giăng dài lợp toàn ngói óng màu men đỏ. Cũng màu ngói ấy trên nhiều lớp mái “trùng thềm điệp ốc” của ngôi thờ chính và nhiều công trình phụ.
Những giảng đường, tháp chuông và nhiều cụm tượng đài. Có người sẽ bảo, đấy là công đức của bá tánh cả. Thế còn ai cày xới, chăm sóc để có cả một vườn cây và hoa kiểng lạ đến nhường kia? Cây gì mà nở toàn những bông dài thòng xuống như những chùm chuông gió, đong đưa ngay trước sân chùa.
Hoa len vào tận thềm nhà ngôi giảng đường Giác Ðức. Và hàng chục cây sala đất Phật cũng đang trổ đầy hoa trong khắp sân… Nhưng thú vị nhất chính là chim đã về ríu rít. Toàn là chim sâu và sẻ đá. Ít nhất thì đây cũng là một “công viên” đáng mơ ước của người dân quê ấp Cầu Trường.
Tạm biệt Cầu Trường thôi, để còn tìm ra ấp Bàu Sen nằm dọc dài theo đường trục. Con đường này chắc hẳn là con đường có tự xa xưa, bởi ngay từ năm 1950, bà con Thị xã (nay là thành phố Tây Ninh) đã đi lên ấp Bàu Sen dự lễ sinh nhật Bác Hồ.
Nay vẫn thấy vài cột cây số, ghi là đường DH3. Nhưng tôi còn muốn đi tìm gốc gác cái tên ấp, là cái bàu sen, chỉ toàn sen mọc. Vì thế mà có vài phút dừng chân lưu luyến bên bờ kênh TN 21-11 xuyên dọc ấp Cầu Trường.
Vì thoáng thấy một đầm sen trải dọc mé bờ kênh. Tiếc rằng hoa sen đã bị người ta hái hết, chỉ còn những tàu lá xanh đậm xoè dưới nắng. Lúa Hè Thu đang xanh mơ.
Và xa tít cũng là cao su giăng những đoạn tường thành. Từ bờ kênh nhìn vào mới thấy ấp Cầu Trường thật đẹp. Chỉ hơi buồn cho những rẫy mì, màu lá đã bạc đi trong cơn dịch bệnh khảm lá.
Bên Bàu Sen, đã không còn bàu sen nữa. Ðấy là tin buồn đầu tiên, nghe được từ một bác cán bộ trực văn phòng ấp. Bác bảo, trước thì có, bàu rộng độ 1 ha. Nay người ta đã lấp dần làm ruộng, bàu cũng không còn. Vậy là sen đã “tái định cư” bên ấp Cầu Trường.
Không còn bàu, hỏi bác về nơi có sân lễ Bác Hồ. Bác cũng không biết, nhưng lại chỉ cho lên nhà bác Tám Vân, một cán bộ huyện đã về hưu. Bác Tám mới ngoài 70, còn minh mẫn. Bác chỉ cho ngay đường đi tới.
Ðấy là mảnh ruộng nay thuộc nhà ông Tạn, ngay ở phía sau và cách trụ sở UBND xã chỉ 300 mét. Ðường đi cũng dễ bởi có bờ kênh tiêu rợp bóng keo tràm.
Mảnh đất bên ngoài ngay bên cạnh ruộng là một vườn bông huệ vẫn trổ lên nhiều bông trắng muốt. Tôi lại ước ao giá như mảnh ruộng này là một bàu sen.
Xin thưa, cách nay vừa tròn 68 năm, nơi đây là một trảng cỏ giữa rừng. Nhiều cuốn sách sử Tây Ninh đã mô tả buổi lễ mít tinh diễn ra vào ngày 19.5.1950, do Tỉnh uỷ, UB Kháng chiến hành chính tỉnh và huyện Châu Thành tổ chức lễ mừng thọ Bác.
Cuốn Ba thế hệ xanh, một chặng đường của Tỉnh đoàn Tây Ninh, in năm 1998 viết chi tiết nhất. Có lẽ đây cũng là cuộc mít tinh có quy mô toàn tỉnh, lần đầu tiên được chính quyền cách mạng tổ chức tại Tây Ninh.
Sách viết: “Nhân dân thị xã và các vùng xa như Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Trà Vong, Bời Lời, Thạnh Bình, Ninh Thạnh… cũng lặn lội qua đồn bót giặc đến ấp Bàu Sen, ấp Trường từ một, hai ngày trước chờ dự lễ…”.
Rồi: “Cánh rừng ven trảng ào ào như một đàn ong, chuyện trò ríu rít, tay bắt mặt mừng gặp lại những người quen, gặp gỡ các anh vệ quốc đoàn…”.
Tôi đã may mắn tìm được một người thành phố Tây Ninh đã có mặt trong buổi lễ lịch sử ấy. Ðấy là bà Nguyễn Thị Kim Chi, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Năm ấy, bà đã là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ðước Hoà Bình kháng chiến. Dù tuổi đã cao, gần 90, bà vẫn nhớ như in: số người rất đông, lên tới cả ngàn, toàn đi bộ từ các nơi đổ về.
Hội Phụ nữ phải tổ chức lo hậu cần, bán thêm đồ ăn thức uống cho bà con về dự lễ. Thì cũng cắm những dãy chòi tranh kiểu ki-ốt bây giờ. Hàng bán thêm có nước hạt é, chè đậu, bánh ít hay củ lang, củ mì… Vậy mà vui vẻ, thắm tình đoàn kết quân dân. Vui tận đến giờ mỗi khi nhớ lại.
Biến ruộng trở lại thành bàu sen hơi khó. Nhưng giá như có một tấm biển đá, hoặc xi măng cắm bên đường DH3. Rằng nơi đây từng có “Sân lễ Bác Hồ, ngày 19.5.1950…”.
N.Q.V