Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tự chủ tài chính trong trường học:
Từ chính sách đến thực tế
Thứ tư: 08:39 ngày 11/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tăng quyền tự chủ cho nhà trường là một vấn đề đã được đề cập trong nhiều năm qua và cho đến nay đã có ít nhất 3 nghị định của Chính phủ quy định về những điều có liên quan. Thế nhưng trên thực tế, chính sách này đang được thực hiện một cách nửa vời, nặng tính hình thức. Mặt khác, xung quanh sự việc hiện vẫn còn nhiều quan niệm khác nhau.

Học sinh Trường THCS Thị trấn (huyện Tân Châu).

Ngày 16.1.2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 10 quy định chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Nghị định này quy định chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp hoạt động có thu do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quyết định thành lập (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp có thu). Các đơn vị sự nghiệp có thu được phân loại như sau: đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí); đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí). Nghị định số 10 không áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Các đơn vị sự nghiệp công lập gồm ba ngành nghề là giáo dục, y tế và khoa học công nghệ. Trong đó, đối với ngành giáo dục, Nghị định số 10 áp dụng cho tất cả cơ sở từ mầm non cho đến đại học, học viện. Mặc dù đã quy định chi tiết về cách thức thu, chi tài chính theo tinh thần tự chủ nhưng trên thực tế, những điều khoản trong Nghị định này gần như chỉ tồn tại trên lý thuyết. Lý do: ngân sách hoạt động của nhà trường công lập hoàn toàn do Nhà nước cấp. Mặt khác, tuy quy định về tự chủ nhưng Nghị định chưa đề cập đến trách nhiệm giải trình của các đơn vị sự nghiệp, điều hạn chế này là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự thiếu minh bạch trong thu - chi tại các đơn vị sự nghiệp được bao cấp ngân sách.

Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 43 thay thế Nghị định số 10. Mục tiêu chính của Nghị định 43 là mở rộng quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các cơ sở giáo dục đã tạo ra cơ hội để cơ sở giáo dục công lập có thể khai thác và có được các nguồn thu hợp pháp. Nghị định 43- nói một cách nôm na là khoán kinh phí theo năm tài chính. Ðơn vị nào tiết kiệm được, cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ có thêm một khoản thu nhập chính đáng và hợp pháp. Tuy nhiên, việc triển khai và áp dụng Nghị định 43 vẫn còn có những bất cập.

Quy định là quy định…

Trong một cuộc hội thảo về tự chủ giáo dục được tổ chức cách nay chỉ ít ngày tại Tây Ninh, Tiến sĩ Ðặng Thị Thanh Huyền (Học viện Quản lý giáo dục) chỉ ra rằng, các trường học chưa được giao quyền tự chủ một cách đầy đủ, Nghị định 43 chưa thực sự khuyến khích các trường có điều kiện vươn lên tự chủ ở mức cao hơn. Ðó là còn chưa kể, việc áp dụng Nghị định 43 thiếu sự thống nhất giữa các địa phương, nhiều khi ngay trong một tỉnh, thành phố, cách áp dụng nghị định này cũng khác nhau.

Học sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017.

Nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định 43, ngày 14.2.2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo phân tích của Tiến sĩ Ðặng Thị Thanh Huyền, Nghị định 16 có một số điểm mới nổi bật so với Nghị định 43. Trong đó có phân loại đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị- cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Căn cứ vào mức độ tự bảo đảm kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập được chia thành 4 loại: đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Ðiều này có thể diễn giải ngắn gọn là căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị để Nhà nước cấp ngân sách. Chính sách quy định như vậy, nhưng thực tế, theo Tiến sĩ Ðặng Thị Thanh Huyền, do liên quan đến việc phân cấp quản lý nên hầu như các cơ sở giáo dục triển khai về tự chủ tài chính mỗi nơi một kiểu hoặc có nơi không thực hiện được. Ở đô thị, tính tự chủ cao hơn vùng nông thôn và vùng đồng bằng cao hơn miền núi. Tại cuộc hội thảo (đã đề cập ở trên), đa số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục thống nhất rằng, khâu đầu tiên để có thể tự chủ trong giáo dục chính là tự chủ tài chính. Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng chỉ ra: ở nhiều địa phương, việc giao tự chủ gắn với quyền tăng nguồn thu từ người học, đồng thời, chính quyền lại cắt giảm ngân sách Nhà nước. Mặt khác, việc cấp kinh phí cho cơ sở giáo dục không có sự thống nhất, có địa phương giao kinh phí tính theo đầu học sinh nhưng cũng có nơi căn cứ vào biên chế giáo viên để phân bổ.

Dẫn báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá X “Thực hiện hợp lý cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đào tạo gắn với đổi mới cơ chế tài chính”, tiến sĩ Ninh Văn Bình (Trường đại học Sài Gòn) bình luận: tự chủ tài chính là nguồn năng lượng để đổi mới diện mạo và chất lượng của cơ sở giáo dục đào tạo. Nhu cầu tài chính để hoạt động và phát triển của cơ sở giáo dục luôn lớn hơn khả năng bao cấp tài chính của Nhà nước. Chính điều này đã tạo ra cơ chế xin - cho trong giáo dục và cơ chế này đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong quản lý cũng như sử dụng nguồn lực tài chính. “Giao quyền tự chủ về tài chính cho cơ sở giáo dục sẽ làm cho cơ sở giáo dục sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và có trách nhiệm hơn với nguồn tài chính của mình. Nhà trường sẽ chủ động hơn trong cơ chế thu hút và đãi ngộ những giáo viên có trình độ cao”- Tiến sĩ Bình khuyến nghị.

Hiện thực không đơn giản

Theo Luật Giáo dục hiện hành, hệ thống giáo dục ở Việt Nam có hai loại hình trường: công lập và tư thục (dân lập). Ðối với trường dân lập, các cá nhân, tổ chức góp vốn đầu tư mở trường và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, độc lập hoàn toàn về tài chính, Nhà nước gần như không liên quan gì đến chuyện tài chính của trường. Nếu trường nào không thu hút được người học, thu không đủ chi thì chủ trường đó chấp nhận đối mặt với khả năng đóng cửa, cho phá sản theo Luật Doanh nghiệp. Trên thực tế, bên cạnh những trường ăn nên làm ra, hoạt động hiệu quả, cũng có nhiều trường ngoài công lập đang tồn tại kiểu vật vờ.

Riêng với hệ thống trường công lập, quy định về tự chủ tài chính trên thực tế không có nhiều ý nghĩa và hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Khái niệm trường công lập, tự thân nó đã mang nặng tính bao cấp về nhiều lĩnh vực, trong đó có bao cấp tài chính. Nhà nước cấp ngân sách để nhà trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ của sự nghiệp giáo dục. Mức học phí của từng cấp, bậc học thuộc hệ thống trường công cũng được quy định thống nhất trên toàn quốc. Ngoài học phí thì quỹ đất, cơ sở vật chất trường lớp do ngân sách Nhà nước đầu tư. Chính sách thu học phí để trả tiền lương cho giáo viên đã được áp dụng từ lâu, nhưng nguồn thu từ học phí không đủ để chi trả toàn bộ lương của giáo viên, cán bộ ngành Giáo dục. Ðó còn chưa kể, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, tình trạng thất thoát (không phải thất thu) tiền học phí đang diễn ra trong từng cơ sở giáo dục.

Cách nay chừng hai năm, tại một phiên họp trực tuyến về giáo dục, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đã đề cập đến khả năng bỏ thu học phí đối với cấp trung học cơ sở. Nếu như tính toán này thành thực tế, hoạt động của nhà trường hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách. Như vậy, khái niệm tự chủ tài chính chỉ tồn tại trên văn bản, và mang tính hình thức. Từ trước đến nay, bên cạnh những ý kiến đề nghị tăng quyền tự chủ tài chính cho cơ sở giáo dục, cũng có nhiều ý kiến khẳng định: giáo dục công lập là trách nhiệm của Nhà nước, không thể liên tục tăng học phí, vì người dân đã đóng thuế cho ngân sách.

Cũng có ý kiến bày tỏ sự quan ngại rằng không nên giao giáo dục cho doanh nghiệp, nghĩa là không được tư nhân hoá giáo dục. Trong khu vực giáo dục công lập, Nhà nước bao cấp về ngân sách nhưng nhà trường lại tự tiện thu nhiều khoản tiền (lạm thu), mà nguồn thu này hoàn toàn không phục vụ cho việc chi cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập của giáo viên. Nhà trường gần như không có trách nhiệm giải trình với xã hội hay với chính quyền các cấp về nguồn thu - chi này.

So với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và nghề nghiệp có cơ hội tự chủ tài chính cao hơn nhưng cũng có nhiều trường không muốn tự chủ, chỉ trông chờ ngân sách.

VIỆT ÐÔNG

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục