Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tự chọn, rồi sẽ đi về đâu?!
Thứ hai: 00:06 ngày 25/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông nhà báo nè, có chuyện này tôi nghe… lăn tăn quá, muốn hỏi ông coi sao!

-Nhìn mặt ông Bàn Dân thấy rõ cái sự lăn tăn rồi, chỉ là không biết ông lăn tăn chuyện gì thôi. Nào, chuyện gì, nói đi!

-Thì… chuyện hổm nay tôi thấy trên mạng la rùm lên là năm học tới, học trò cấp ba không phải học môn Lịch sử nữa, phải vậy không ông?

-Phải gì mà phải, ai nói với ông là học trò cấp ba không phải học môn Lịch sử? Phải nói cho đúng là, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học tới, 2022-2023 môn lịch sử sẽ là môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông.

-Vậy hả, nhưng mà môn học tự chọn là sao, hổng lẽ môn học tự chọn là môn mà học sinh muốn học thì học, không muốn thì thôi à?

-À… đại khái là như vậy đó, nhưng mà chuyện học hay không học môn tự chọn khác với chuyện “không phải học” hay “không còn học, “không được học” môn nào đó chứ.

-Ừ thì “không phải”, “không còn” hay “không được” gì cũng là không học thôi cả mà. Sao lại như vậy chứ, môn Lịch sử quan trọng quá mà, sao lại… Rồi trước sự việc dư luận bàn tán ì xèo vậy, Bộ Giáo dục có nói gì không vậy ông?

-Có chứ. Này nhé, để Bàn Dân đọc ông nghe: “Trước những tranh luận việc Lịch sử là môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông (THPT) trong chương trình giáo dục phổ thông 2028, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có phản hồi chính thức về vấn đề này.

Theo Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 88/20214/QH13, Quyết định số 404 của Chính phủ, trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội…

-Mấy cái đó là đương nhiên rồi, có ngành nào, cấp nào làm việc gì mà không quán triệt đầy đủ các quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhưng cái chuyện lùm xùm về môn học tự chọn hiện nay liệu có hợp quy định về việc lập chương trình giáo dục không? Rồi ngoài cấp THPT được tự chọn học môn Lịch sử, còn các cấp dưới, cấp trung học cơ sở, cấp tiểu học thì sao?

-Về những chuyện đó ông hỏi vậy chứng tỏ ông chẳng biết gì hết, xin lỗi, ông lạc hậu lắm nghen!

-Lỗi phải gì, ông nghĩ coi, quanh năm suốt tháng tôi đầu tắt mặt tối, lo làm lụng nuôi thân, nuôi gia đình, đâu phải lúc nào tôi cũng có thời gian để mà theo dõi bộ này, ngành kia thực hiện việc này, việc nọ như thế nào. Chưa kể là trong thời buổi thông tin bùng nổ hiện nay, không phải mình tôi, mà tôi nghĩ mọi người làm sao có thể theo dõi hết mọi chuyện xảy ra trên đời; làm sao mà không “lạc hậu” như ông nói?!

-Giận rồi hả, Bàn Dân có xin lỗi ông trước khi nói… nửa đùa nửa thật với ông rồi mà. Còn về chuyện học trò cấp ba tự chọn môn học Lịch sử ông có thắc mắc gì nữa không?

-Thì tôi đã hỏi ông rồi đó! Ý là tôi hỏi ông, học trò cấp ba thì tự chọn môn học Lịch sử, còn cấp hai, cấp một thì sao?

-Bàn Dân cũng không rành gì hơn ông đâu, muốn biết thì phải tìm đọc thôi. Đây nhé: …ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý. Chương trình mới được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lý và không gian xã hội, từ địa lý, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lý, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Ở cấp học trung học cơ sở, môn Lịch sử và Địa lý là môn học bắt buộc từ lớp 6 đến lớp 9. Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp trung học cơ sở trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thuỷ đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

-Uý trời ơi, học trò cấp một, cấp hai mà phải ngốn ngần đó kiến thức lịch sử cả nước nhà lẫn thế giới, từ nguyên thuỷ đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại! Như vậy lên lớp 10 được tự chọn học môn Lịch sử thì thử hỏi…có bao nhiêu em “dám chọn” mà học? Mà nếu như có quá ít học sinh “dám chọn” học môn Lịch sử, thì có khác nào là bỏ môn học quan trọng tột bực ấy không?!  

Bàn Dân

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh