Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tự chủ không phải để lấp đủ chỉ tiêu
Thứ năm: 10:00 ngày 26/12/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đổi mới tuyển sinh nhằm thay đổi cách dạy và học ở bậc phổ thông và tạo cơ hội “sống” cho trường ngoài công lập

Tại buổi  đối thoại trực tuyến Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 26-12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cùng lãnh đạo các cục, vụ trực thuộc đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của thí sinh, phụ huynh về những đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014.

Thí sinh thành “chuột bạch”?

Lý giải về lý do bộ để các trường được tự chủ tuyển sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng các trường tuyển sinh riêng là phù hợp xu thế đổi mới và các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, việc giao cho các trường tự chủ tuyển sinh sẽ giúp thí sinh có nhiều cơ hội hơn. Đồng thời, những thí sinh xuất sắc không bị bỏ sót bởi ngoài môn thi còn nhiều cách đánh giá năng lực học sinh khác nhau. Thi riêng yêu cầu kiến thức tổng hợp, toàn diện, thí sinh học lệch sẽ khó trúng tuyển.

Thí sinh thi vào Trường ĐH Kinh tế TP HCM năm 2013 Ảnh: TẤN THẠNH

Thí sinh thi vào Trường ĐH Kinh tế TP HCM năm 2013 Ảnh: TẤN THẠNH

Trước lo lắng những đổi mới tuyển sinh trong năm tới có thể sẽ biến thí sinh thành “chuột bạch”, ông Ga khẳng định: “Đổi mới tuyển sinh là việc phải làm, Bộ GD-ĐT sẽ có lộ trình để thí sinh không bị sốc, hẫng hụt. Tuy nhiên, các em phải làm quen với cách học, cách thi mới để thích nghi với môi trường hội nhập. Sẽ không còn việc kiểm tra kiến thức đơn thuần mà học sinh phải biến kiến thức thành của riêng mình. Em nào đã chuẩn bị năng lực, hành trang cho kỳ thi mới thì có thể đăng ký thi vào các trường tuyển sinh riêng, những ai còn băn khoăn có thể thi  theo phương án “3 chung”.

“Mục tiêu của Bộ GD-ĐT là chuyển từ giảng dạy theo hướng cung cấp kiến thức sang hướng học sinh phát huy được năng lực, phẩm chất của mình. Trước đây thi gì học nấy, giờ phải thay đổi kỳ thi để định hướng cho học sinh thay đổi cách học. Nếu không thay đổi tuyển sinh ĐH, CĐ thì giáo dục phổ thông sẽ không thay đổi” - ông Ga nói.

Theo lộ trình để không gây sốc

Trước đề xuất nên có phương án thi riêng hoặc thi chung chứ không nên “nửa mùa” vừa chung vừa riêng, ông Ga cho rằng đổi mới tuyển sinh phải có lộ trình để thí sinh làm quen cũng như các trường có thời gian chuẩn bị.

Về việc tại sao không cho các trường tuyển sinh riêng dùng kết quả “3 chung” để xét tuyển, ông Ga lý giải: “Bản chất của thi riêng là tuyển được thí sinh phù hợp với kỳ thi riêng đó. Không thể một phần tuyển theo 3 chung, 1 phần tuyển sinh riêng để lấy thí sinh lấp cho đầy chỉ tiêu”. Theo ông Ga, giao tự chủ không phải để các trường tuyển cho đủ chỉ tiêu mà mục đích là tìm ra phương án tuyển sinh tốt hơn hiện nay, phù hợp với các ngành đào tạo của mình.

“Tại sao Bộ GD-ĐT không để các trường xét tuyển như các nước tiên tiến hiện nay đang làm?”. Trả lời câu hỏi này của một thí sinh, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng muốn xét tuyển như các nước phát triển thì phải phân luồng thật tốt sau THCS. Khi đó, không phải tuyển sinh ĐH mà chỉ cần xét tuyển vì các em học THPT đã có đủ tố chất để học ĐH. Việc phân luồng sau THCS hiện nay rất kém, chỉ có khoảng 6% học nghề, đa số học phổ thông. “Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2020, khoảng 20% học sinh học nghề sau THCS, lúc đó việc tuyển sinh ĐH rất đơn giản” - ông Ga nói.

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho biết  hiện có 17 trường ngoài công lập gửi đề án tuyển sinh riêng về bộ. Tuy nhiên, các đề án này sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định mới mà bộ đưa ra. “Trước ngày 10-2, các trường muốn thi riêng phải gửi đề án tuyển sinh mới về bộ để xét duyệt và công bố cho thí sinh. Những trường nào chưa chuẩn bị hoặc chưa đủ năng lực thì sẽ thi “3 chung” theo phương án của Bộ GD-ĐT” - ông Nghĩa nói.

Trả lời băn khoăn liệu có phải Bộ GD-ĐT tổ chức thi riêng để cứu các trường ngoài công lập, ông Ga cho rằng đây thực sự là cơ hội để các trường ngoài công lập thể hiện chất lượng, năng lực cũng như chiến lược đào tạo nhằm có nguồn nhân lực tốt cạnh tranh trong thị trường việc làm với các trường công lập. “Sau khi tự chủ tuyển sinh, sẽ có  những trường thu hút đông thí sinh dự thi, xóa đi mặc cảm về các trường ngoài công lập” - ông Ga nói.

Tổ chức hội nghị tuyển sinh vào ngày 28-12

Hội nghị tổng kết năm học các trường ĐH, CĐ 2012-2013 sẽ được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28-12 tại Hà Nội. Theo Bộ GD-ĐT, những nội dung quan trọng trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 cũng như phương hướng nhiệm vụ năm học 2013-2014 đối với giáo dục ĐH sẽ được trao đổi tại hội nghị quan trọng này.

Theo NLĐO

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục