BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tự chủ nguồn giống - bước đi bền vững trong sản xuất lúa

Cập nhật ngày: 01/08/2013 - 09:35
HTML clipboard

Nông dân xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành thu hoạch lúa

(BTN) - Cây lúa là một trong những cây trồng chủ lực của Tây Ninh. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, hầu hết bà con nông dân trong tỉnh phải phụ thuộc nguồn cung ứng lúa giống từ bên ngoài, một số tự chọn lựa lúa giống từ chính mảnh ruộng của mình. Từ đó nông dân không chỉ phải chịu giá lúa giống cao mà có khi còn gặp rủi ro do nguồn cung lúa giống không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, việc sản xuất, cung ứng lúa giống tại chỗ phục vụ sản xuất là hết sức cần thiết.

Nguồn lúa giống còn phụ thuộc ngoài tỉnh

Hiện nay Tây Ninh có diện tích gieo trồng cây lúa hằng năm khá lớn- khoảng từ 150.000 đến 155.000 ha/năm, trong đó diện tích gieo trồng lớn nhất là vụ mùa với khoảng từ 56.000 ha tới 57.500 ha, vụ Hè Thu khoảng từ 51.000 ha đến 52.000 ha, vụ Đông Xuân khoảng từ 42.000 ha tới 45.000 ha. Từ đó đòi hỏi nguồn cung lúa giống khá lớn. Theo số liệu của Trung tâm Giống nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT, hằng năm nhu cầu lúa giống phục vụ cho gieo trồng trong toàn tỉnh vào khoảng 3.000 tấn. Tuy nhiên, thực tế nguồn cung ứng lúa giống tại chỗ chỉ mới đáp ứng có 20% nhu cầu, còn lại do các công ty ngoài tỉnh và các đại lý phân phối lúa giống trong tỉnh cung cấp.

Ở một số đại lý phân phối, lúa giống thường có nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp nhưng chủ yếu là giống lúa cấp xác nhận. Các đại lý phân phối lúa giống cho biết, nhiều nông dân mua giống chỉ một lần, sau đó chọn lúa thịt tốt để lại làm giống cho những vụ sau.

Anh Lê Văn Út - một nông dân ở ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành cho biết, anh có 6 ha ruộng, mỗi năm trồng lúa hai vụ, trung bình mỗi ha gieo sạ từ 120kg đến 130kg lúa giống. Nguồn lúa giống anh sử dụng được mua từ đại lý phân phối, gieo trồng một vụ rồi tái sử dụng lại lúa thịt. Chính vì thế mà năng suất và chất lượng lúa không cao, trong khi đó giá lúa thấp, cho nên trồng lúa lãi chẳng bao nhiêu, chủ yếu là lấy công làm lời.

Nhân lúa giống, cung ứng tại chỗ - bước đi bền vững

Đại diện Trung tâm Giống nông nghiệp cho biết, Trung tâm đang xây dựng đề án phát triển mạng lưới nhân giống lúa trên địa bàn tỉnh để cung cấp lúa giống cho bà con nông dân. Trong những năm qua, Trung tâm tổ chức phối hợp với một số hộ nông dân nhân giống lúa cộng đồng, qua đó đã cải thiện được nguồn cung ứng giống cho bà con trong tỉnh. Do nhu cầu lúa giống phục vụ sản xuất trong tỉnh hiện rất lớn, nhưng điều kiện vẫn còn nhiều hạn chế nên Trung tâm chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nguồn giống cho bà con nông dân.

Theo Đề án, định hướng đến năm 2016, Trung tâm Giống nông nghiệp dự kiến trên địa bàn tỉnh phát triển khoảng 1.500 ha sản xuất lúa giống chất lượng tốt để có thể cung ứng khoảng 65% nhu cầu lúa giống; đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 2.500 ha sản xuất lúa giống để đảm bảo cung ứng trên 90% nhu cầu lúa giống cho sản xuất. Đồng thời tăng tỷ lệ sản xuất lúa giống xác nhận hằng năm, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, tạo điều kiện cho người nông dân gắn bó với cây lúa.

Theo đại diện Trung tâm Giống nông nghiệp, để đảm bảo sản xuất, cung ứng giống lúa có chất lượng tốt đòi hỏi phải có một chu trình quản lý chặt chẽ- từ khâu lựa chọn giống, nhân giống, sản xuất, bảo quản, chế biến, cung ứng giống. Do đó, chiến lược xây dựng phát triển lúa giống phải là chiến lược lâu dài, đồng thời nguồn giống cũng phải thay đổi sau một thời gian sản xuất để tránh tình trạng thoái hoá.

Nguyễn Đình