BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập: Không dễ thực hiện 

Cập nhật ngày: 09/12/2020 - 07:45

BTN - Vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh đã có đợt khảo sát về việc thực hiện tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Bài viết dưới đây cung cấp thêm một số thông tin để làm rõ hơn, vì sao việc thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp còn nhiều vướng mắc.

Học sinh một trường mầm non ngoài công lập ở huyện Gò Dầu.

Tự chủ và tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã được đề cập từ lâu. Cho đến nay, Nghị định 43 năm 2006 là văn bản pháp lý được biết đến nhiều nhất khi bàn về cơ chế tự chủ. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 16 về thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy vậy đến nay, thực hiện như thế nào cho đúng nghĩa “tự chủ” vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, và điều quan trọng, quy định trên giấy tờ với thực tế không phải lúc nào cũng song hành. Vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh đã có đợt khảo sát về việc thực hiện tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Bài viết dưới đây cung cấp thêm một số thông tin để làm rõ hơn, vì sao việc thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp còn nhiều vướng mắc.

Thiếu khung pháp lý

Như từng đề cập, một trong những vướng mắc hiện nay khi thực hiện cơ chế tự chủ là Nghị định 16 ban hành năm 2015 chỉ là nghị định chung, áp dụng cho nhiều lĩnh vực. “Không có nghị định chuyên ngành thì không thể thực hiện được”- một cán bộ ngành Giáo dục phát biểu trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của HÐND tỉnh.

Thấy rõ điều này, năm 2019, tại một cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với 36 tỉnh, thành, đại điện chính quyền các tỉnh Ðiện Biên, Hoà Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Tây Ninh đã có ý kiến đối với lãnh đạo Bộ Tài chính về việc triển khai Nghị định 16 như thế nào.

Sau đó, Bộ Tài chính có văn bản trả lời các địa phương nêu trên. Theo đó, tại thời điểm năm 2016, chỉ mới có Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng được cơ chế tự chủ tài chính có tính chất chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Từ năm 2017 cho đến hết năm 2019, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Trung ương, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực, thay thế Nghị định số 16/2015/NÐ-CP. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nghị định nào thay thế hoặc bổ sung Nghị định 16 được ban hành. Trong khi đó, trên thực tế, hầu như chưa thể triển khai Nghị định 16 một cách cụ thể.

Văn bản của Bộ Tài chính trả lời một số địa phương còn đề cập đến việc tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập, và cho biết vấn đề này sẽ do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ xem xét.

“Các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp pháp luật chuyên ngành giao Chính phủ hướng dẫn thì các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng nghị định trình Chính phủ xem xét quyết định”- văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Về đề nghị hướng dẫn thay đổi phương thức bố trí dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính cho biết, ngoài lĩnh vực khoa học và công nghệ, đến nay, Chính phủ chưa ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí, vì vậy chưa có căn cứ để xây dựng thông tư hướng dẫn.

Trong giờ học ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Châu Thành.

Vẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện, năm 2017, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sau khi rà soát biên bản làm việc với các ngành có liên quan và ý kiến của Sở Tài chính, Sở Nội vụ đã có báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện cơ chế tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Giáo dục và Ðào tạo và ngành Y tế; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hai ngành Y tế, Giáo dục và Ðào tạo tạm thời thực hiện tự chủ theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NÐ-CP của Chính phủ.

Sau khi các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2015/NÐ-CP sẽ thực hiện theo hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi rà soát, nghiên cứu công văn của Bộ Tài chính, về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là SNCL) và hướng dẫn phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2017, Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh nội dung và kiến nghị tại Báo cáo số 174/BC-SNV ngày 23.11.2017 như sau: căn cứ điểm C, khoản 1, công văn của Bộ Tài chính về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập và hướng dẫn phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2017.

Trong đó, đối với các đơn vị SNCL thuộc các lĩnh vực khác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí, Bộ Tài chính đề nghị: “UBND các tỉnh (hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp) tạm giao quyền tự chủ tài chính năm 2017 cho các đơn vị SNCL thuộc phạm vi quản lý theo phương án tự chủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như năm 2016 cho đến khi Chính phủ ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL trong từng lĩnh vực và có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của các nghị định mới”.

Ðến đây có thể khái quát, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến việc thực hiện tự chủ trong đơn vị SNCL khó khăn là do hành lang pháp lý chưa ổn định.

Khuyến khích ðơn vị giáo dục và ðào tạo tự chủ

Tháng 9.2020, Sở GD&ÐT xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ của ngành, giai đoạn 2020 - 2022. Theo kế hoạch của Sở, việc triển khai cơ chế tự chủ phải bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, phù hợp với chủ trương, pháp luật của Ðảng và Nhà nước về đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau khi viện dẫn các thông tư, nghị định hiện hành, lãnh đạo Sở GD&ÐT cho biết, giai đoạn 2020-2022, đổi mới toàn diện việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị SNCL trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đồng bộ cả về thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Ðơn vị nào tự chủ càng cao về tài chính thì được tự chủ cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự nhằm tạo ra bước đột phá mới trong cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Ðẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ trên địa bàn tỉnh, khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sự nghiệp công, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ nhân dân.

Việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ cần được phân định rõ giá, phí theo từng loại dịch vụ giáo dục đào tạo được ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ, hỗ trợ và không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị SNCL trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Trên cơ sở bám sát quy định của Nghị định số 43/2006/NÐ-CP; Luật Giáo dục và đặc thù của lĩnh vực giáo dục đào tạo, các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo xây dựng và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để kiểm tra, giám sát. Hằng năm, căn cứ quy chế tổ chức và hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, đơn vị sự nghiệp xây dựng, ban hành kế hoạch hoạt động chuyên môn, nhân sự, tài chính, các hoạt động dịch vụ của đơn vị để tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm quy chế dân chủ ở cơ sở và làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Học sinh Trường tiểu học Thạnh Bắc, huyện Tân Biên trong giờ giải lao.

Ðơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chủ động quyết định các biện pháp để tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn theo quy định của Luật Giáo dục, điều lệ hoạt động của các cấp học và các quy định của pháp luật có liên quan trên cơ sở phải bảo đảm các điều kiện về nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định để thực hiện và cung cấp các dịch vụ đạt chất lượng.

Ðơn vị sự nghiệp có trách nhiệm báo cáo, công khai và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước, các bên liên quan về hoạt động của đơn vị theo quy định của pháp luật. Ðơn vị chịu trách nhiệm về mọi hoạt động được giao tự chủ, không để bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của trường để tiến hành các hoạt động trái với các quy định của pháp luật. Ðơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về toàn bộ các mặt hoạt động của đơn vị.

Các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo hiện nay đang đứng trước một số khó khăn, bất cập khi đăng ký và thực hiện tự chủ do tâm lý học sinh, sinh viên và gia đình. Nếu thu học phí cao sẽ không có người vào học, trong khi có nguồn thu từ ngân sách nhà nước thì hạn chế, do dàn trải cho nhiều đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo. Do vậy, để có nguồn tài chính  thực hiện tự chủ cần có chính sách hỗ trợ để tăng tự chủ. Ðây là xu hướng chung về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.

Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo đúng theo quy định và được xác định tạm thời trong thời gian 2 năm. Trường hợp nguồn thu, nhiệm vụ của đơn vị có biến động làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính, đơn vị báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để xem xét điều chỉnh mức độ tự chủ cho đơn vị trước thời hạn.

Trước ngày 31.12.2020, các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo hoàn thành việc xây dựng đề án tự chủ và đăng ký loại hình tự chủ báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt. Trước ngày 30.1.2021, hoàn thành việc đánh giá, quyết định phân loại mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý.

Thủ trưởng các đơn vị SNCL chủ động sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên được giao đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả. Ðơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính có trách nhiệm xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ để cán bộ, viên chức thực hiện và Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi.

Việt Ðông